Tìm hướng đi mới đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Năm 2023, Bộ GD&ĐT không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên cho một số cơ sở đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bùi Hương
Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bùi Hương

Địa phương không có nhu cầu

Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng là một trong những trường chưa có cơ sở để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên. Nguyên nhân chính là địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên ngành Giáo dục mầm non.

Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, địa phương vừa tổ chức thi tuyển viên chức cho ngành Giáo dục. Ngoài ra, qua khảo sát, hiện có khoảng 400 sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, nhiều người đang là giáo viên giảng dạy theo hình thức hợp đồng.

Từ thực tế trên, trước mắt năm 2023, tỉnh chưa có nhu cầu “đặt hàng” đào tạo giáo viên mầm non với Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng. Khi cần, địa phương sẽ tuyển dụng trong số 400 sinh viên đã được đào tạo nêu trên. Chủ trương này nhằm tránh lãng phí nhân lực và tài chính. “Chúng tôi đang hoàn thiện quy trình tuyển dụng hơn 100 giáo viên cho năm học 2023 - 2024”, ông Vũ Văn Dương thông tin.

Theo TS Tô Vĩnh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bạc Liêu, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của trường ngày càng giảm sút. Năm ngoái, nhà trường được giao đào tạo 25 sinh viên ngành Sư phạm Hóa học. Tuy nhiên, đến năm nay nhà trường không có chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm. “Điều này đồng nghĩa với mùa tuyển sinh năm nay, chúng tôi sẽ không có tân sinh viên ngành đào tạo giáo viên từ mầm non đến THPT”, TS Tô Vĩnh Sơn nói.

Chia sẻ lý do “trắng” chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm năm 2023, TS Tô Vĩnh Sơn cho hay: Do UBND tỉnh Bạc Liêu không có nhu cầu đào tạo giáo viên nên không có báo cáo gửi đến Bộ GD&ĐT. Vì vậy, Bộ không có cơ sở để xác định và giao chỉ tiêu đào tạo cho nhà trường.

“Chúng tôi đã báo cáo thực trạng này đến Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Nhà trường cũng nhiều lần kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc “đặt hàng” đào tạo giáo viên với Trường ĐH Bạc Liêu. Tuy nhiên, những kiến nghị, đề xuất của trường vẫn chưa thành hiện thực”, TS Tô Vĩnh Sơn phân trần.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Website của trường

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Website của trường

Sắp xếp lại trường cao đẳng sư phạm

Theo Công văn số 2330/BGDĐT-GDĐH ngày 23/5/2023 của Bộ GD&ĐT về việc xác định số lượng chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2023, tỉnh Bến Tre cũng không có nhu cầu đào tạo giáo viên giáo dục mầm non nên Bộ không có cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho Trường Cao đẳng Bến Tre. Trao đổi về vấn đề này, bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT xác nhận, ở thời điểm này thông tin trên là đúng sự thật.

Tuy nhiên, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười đã ký Công văn số 3151 gửi Bộ GD&ĐT về việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo giáo viên ngành Sư phạm Giáo dục mầm non năm 2023 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. “Trên cơ sở nhu cầu về giáo viên của ngành GD-ĐT, UBND tỉnh Bến Tre đã đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng sư phạm ngành Giáo dục mầm non năm 2023 cho Trường Cao đẳng Bến Tre là 105 sinh viên”, bà Thúy thông tin.

Một trong những lý do khiến Bộ GD&ĐT chưa có cơ sở để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm cho cơ sở đào tạo là: Một số trường thực hiện chủ trương sáp nhập. Đơn cử như Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây đã sáp nhập với Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trao đổi, Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo viên tiểu học và THCS phải đạt trình độ đại học trở lên. Vì vậy, các trường cao đẳng sư phạm không còn được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên bậc tiểu học trở lên, chỉ đào tạo đối với giáo viên mầm non. Điều này khiến quy mô đào tạo đội ngũ giáo viên sụt giảm, kéo theo nhiều khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng, tìm hướng đi mới cho các trường cao đẳng sư phạm là cấp thiết. Theo đó, một trong các giải pháp là thực hiện sắp xếp lại trường cao đẳng sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giải pháp này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Công văn số 2330/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT, Bộ căn cứ nhu cầu của các địa phương về đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng chính quy và năng lực đào tạo của cơ sở để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo năm 2023.

Công văn có nêu, 16 cơ sở đào tạo trực thuộc UBND các tỉnh đã có văn bản về việc không có nhu cầu đào tạo giáo viên, hoặc đã sáp nhập với cơ sở đào tạo khác, hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo năm 2023. Do đó, Bộ GD&ĐT không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên của cơ sở này theo quy định.

Hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023 của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên phải rà soát và cập nhật lên hệ thống chính xác số lượng chỉ tiêu đào tạo giáo viên được Bộ thông báo. Với cơ sở đào tạo giáo viên sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào trước 17 giờ 00 ngày 26/7/2023.

Liên quan đến tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến, chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT thông báo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học nằm trong tốp 10 lĩnh vực đào tạo có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất, với 5,09%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.