Vì sao Mỹ không bao giờ ép Kiev đàm phán?

GD&TĐ - Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng, lập trường đàm phán của Kiev chưa bao giờ đủ mạnh để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài với Nga.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland

“Ukraine chưa bao giờ ở vị thế có được một giải pháp thuận lợi để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài với Nga, và vì vậy, Washington chưa bao giờ thực sự khuyến khích Kiev đàm phán với Moscow”, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói.

Cựu quan chức và là một trong những người ủng hộ chính việc hỗ trợ Ukraine thông qua các biện pháp quân sự đã đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn với Politico được công bố hôm 11/5/2024.

Quan chức này nhấn mạnh rằng, Kiev vẫn có thể “thành công” trong cuộc xung đột, mặc dù bà né tránh câu hỏi liệu bà có tin Ukraine có thể chiếm các vùng lãnh thổ cũ của mình từ tay Nga, bao gồm cả Bán đảo Crimea, vốn đã tách khỏi Kiev sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 và gia nhập Moscow sau một cuộc trưng cầu dân ý hay không.

“Tôi tin rằng, Ukraine chắc chắn sẽ đạt đến mức đủ mạnh và Nga sẽ gặp khó khăn để bước vào bàn đàm phán từ vị thế có sức mạnh. Tham vọng lãnh thổ sẽ tùy thuộc vào người dân Ukraine”, bà Nuland nói.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ Washington chưa bao giờ thực sự ép Kiev vào đàm phán với Moscow, khẳng định “lập trường đàm phán” của họ chưa bao giờ thực sự đủ mạnh, kể cả vào cuối năm 2022.

“Khi đó họ không ở vị thế đủ mạnh. Bây giờ họ cũng đang không ở một vị trí đủ mạnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi không bao giờ thúc ép Ukraine phải đàm phán với Nga”, bà Nuland nói.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại vào cuối tháng 12/2023, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng từng khẳng định, Washington vẫn kiên trì quan điểm lâu nay rằng, sẽ không ép Ukraine phải đàm phán với Nga.

Bà Victoria Nuland được nhiều người coi là một trong những nhân vật chủ chốt đằng sau toàn bộ cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ sự kiện Maidan, cuối cùng đã hạ bệ tổng thống được bầu cử dân chủ của Ukraine, Viktor Yanukovich, vào năm 2014.

Nhà ngoại giao này, lúc đó là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, đã xuất hiện một cách khét tiếng giữa các nhà hoạt động Maidan để phân phát bánh ngọt. Vụ việc được biết đến rộng rãi với tên gọi “bánh quy của Nuland”, là một ví dụ điển hình về sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc đảo chính.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ