Vì sao lệnh trừng phạt Nga góp phần tăng sức mạnh cho BRICS?

GD&TĐ - Các lệnh trừng phạt chống Nga đã khiến nhiều quốc gia mất lòng tin vào phương Tây và thúc đẩy sự quan tâm đến BRICS.

Tổng thống Putin tham dự cuộc họp thượng đỉnh BRICS trực tuyến.
Tổng thống Putin tham dự cuộc họp thượng đỉnh BRICS trực tuyến.

Cựu Thượng nghị sĩ Richard Black bang Virginia đưa ra ý kiến trên và cho rằng BRICS như một giải pháp thay thế cho quyền bá chủ của phương Tây.

Ông cho rằng "dự đoán thảm khốc" về nền kinh tế Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đã không thành hiện thực. Thay vào đó, tài chính của Nga đã vượt qua mọi kỳ vọng và cơ sở công nghiệp của nước này phát triển mạnh mẽ trong khi châu Âu lại thu hẹp.

Theo ông Richard Black, mặc dù những nỗ lực cô lập Nga đã ảnh hưởng đến quốc gia này, nhưng từ đó, Nga đã lấy lại được phần lớn ảnh hưởng ngoại giao của mình bằng cách củng cố mối quan hệ với châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phá vỡ các thỏa thuận thương mại, phá vỡ các mô hình thương mại toàn cầu và làm suy yếu chủ quyền các quốc gia "đã khiến nhiều quốc gia mất lòng tin" vào phương Tây.

Trong khi đó, "mong muốn thay thế quyền bá chủ của phương Tây đang thúc đẩy sự quan tâm lớn đối với BRICS, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng", ông Black lập luận.

Các động thái cấm Nga khỏi SWIFT và tịch thu tài sản do những người Nga nổi tiếng sở hữu "làm tăng thêm sự bất an này", ông nói thêm.

Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh rằng chính việc đóng băng và tịch thu tiền gửi ngân hàng của Nga đã bộc lộ rõ ​​ràng nhất sự mong manh của cái gọi là “trật tự dựa trên luật lệ” thực sự.

Các quốc gia ở Nam Bán cầu cảm thấy lo lắng rằng “Mỹ và Anh có thể tống tiền họ bằng cách đe dọa đóng băng tiền gửi ngân hàng của chính họ", ông Black nói.

Chuyên gia trên khẳng định, việc phương Tây phá đường ống Nord Stream ngày 26/9/2022 đã giáng một đòn tàn khốc vào các nền kinh tế châu Âu, gây tổn hại cho họ nhiều hơn là chính nước Nga.

Việc phá hủy một cách vô trách nhiệm các động mạch quan trọng này cho thấy sự coi thường các lợi ích quốc gia thậm chí của những đồng minh Mỹ thân cận nhất.

Ông kết luận rằng, tất cả những hành động trên đã khiến các quốc gia lo lắng về các giải pháp thay thế để bảo vệ tự do, thịnh vượng, an ninh và độc lập của họ.

BRICS có thể không thay thế các hệ thống tài chính phương Tây trong tương lai gần, nhưng nếu không cải cách các chính sách của mình, Mỹ có thể thấy đây là mối đe dọa tài chính thực sự trong tương lai. Tiềm năng đó khiến BRICS trở thành một sức mạnh với những mối quan tâm không thể bị bỏ qua.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, sự kiện quan trọng của Nga khi giữ chức chủ tịch hiệp hội, được tổ chức tại Kazan ngày 22-24/10. Vào ngày thứ hai của hội nghị này, những người tham gia đã thông qua Tuyên bố Kazan.

Trong số các vấn đề quan trọng khác, tuyên bố trên nêu bật sự phát triển của nhóm và lập trường của nhóm về các vấn đề toàn cầu và giải quyết các cuộc khủng hoảng, gồm ở Ukraine và Trung Đông.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.