Nếu lật giở những cuốn album ảnh ngày xưa, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các cô thời ấy dịu dàng khép nép bên cạnh người đàn ông của mình mỗi khi được họ chở đằng sau xe máy hay xe đạp.
Hai chân của họ bao giờ cũng chỉ để sang một bên chứ không ngồi "chàng hảng" sang cả hai bên như thời nay. Bạn có biết vì sao lại như vậy không?
Phụ nữ thời xưa khi được chở đi chỉ ngồi một bên.
Vì chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Á Đông nên thời xưa, người phụ nữ miền Nam đã được giáo dục rất kỹ trong việc giữ gìn nết na ngay từ khi còn nhỏ.
Cách đi đứng phải thế nào, cách ăn nói phải ra sao, tất cả những điều đó đều thể hiện cái nết của người phụ nữ. Vì thế, nếu bắt gặp những cô thiếu nữ ra đường mà đi đứng hùng hổ, thiếu ý tứ, cười nói lớn tiếng, không biết dùng tay hay khăn mùi xoa để che miệng... thì họ sẽ bị đánh giá là đồ con gái mất nết.
Trái lại, những cô gái kín đáo, dịu dàng, ăn nói nhu mì, lễ phép, biết kính trên nhường dưới, gọi dạ bảo vâng... luôn được xem là con nhà gia giáo, tức là được gia đình giáo dục tử tế đàng hoàng, dù có làm gì cũng không vượt khỏi khuôn khổ những phép tắc lễ nghi trong gia đình.
Người xưa rất coi trọng sự nết na ý tứ của người phụ nữ.
Sự ý tứ thể hiện trong cách họ đi đứng và ngồi trên xe.
Những sự giáo dục như vậy dần dần ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ, và ảnh hưởng rất nhiều đến cả cách họ ngồi trên xe khi các phương tiện giao thông được du nhập ồ ạt vào Việt Nam.
Thời đó, người ta quan niệm rằng những cái gì kín đáo trên cơ thể người con gái đều phải được giữ gìn và bảo vệ, vì thế nếu được chồng hay người yêu chở đi trên xe, họ phải khép chân lại để ngồi một bên, nhất định không được ngồi dạng hai chân "chàng hảng" sang hai bên.
Và thế là hình ảnh những nàng thiếu nữ đưa tay kéo tà áo dài, khép nép ngồi lên yên xe để được "đèo" đi đã trở thành ấn tượng khó phai trong lòng những chàng trai mới lớn thời đó.
Cách ngồi này tất nhiên gây khó khăn cho họ, vì không giữ được thăng bằng. Nếu di chuyển trên quãng đường dài, gồ ghề thì người sẽ rất ê và mỏi, khi xuống xe thường bị tê chân. Nhưng biết làm sao được, vì con nhà gia giáo là phải như thế.
Nếu di chuyển trên một quãng đường dài thì kiểu ngồi này sẽ rất mỏi.
Nếu ngồi hai chân hai bên sẽ bị đánh giá là thiếu ý tứ.
Tất nhiên với những cô nàng tinh nghịch không muốn làm theo khuôn phép thì họ vẫn tự nhiên ngồi "chàng hảng" khi được bạn bè "đèo" đi. Có điều họ sẽ khôn khéo tránh xa khỏi ánh mắt người lớn để khỏi bị rầy la là con gái hư thân mất nết hay thiếu ý tứ.
Ngồi sau xe là thế, còn nếu tự lái xe thì sao? Tất nhiên trong trường hợp này thì dù có gia giáo đến mấy, phụ nữ vẫn không thể ngồi một bên rồi.
Họ được phép ngồi hai bên nhưng hai chân không được mở rộng mà phải khép lại, đồng thời tay phải giữ lấy vạt áo dài để chúng không bị cuốn vào dây xích hay bị gió thổi bay phần phật, để lộ cơ thể trước mắt người đi đường. Nhất định phải giữ ý tứ ngay cả khi lái xe.
Nếu tự lái xe thì phụ nữ thời xưa cũng phải khép chân lại, nếu không nắm giữ tà áo dài thì phải lót trên yên.
Thời nay thì những quan niệm xưa cũ đã bị mai một nhiều. Phụ nữ không còn bị gò bó trong những phép tắc lễ nghi cứng nhắc mà được thoải mái hơn trong chuyện đi đứng và ăn mặc.
Vì thế hầu như không còn ai ngồi một bên khi được chở ra đường nữa, ngoại trừ một số người phụ nữ lớn tuổi ở thế hệ trước, hay các lần diện đồ như váy ngắn mà thôi.