Hôn nhân là đi cùng nhau đến tuổi già. Để có thể vượt qua năm tháng, chính câu nói đơn giản mà chúng ta không nghĩ tới: "Có anh/em ở đây rồi" mới thực sự có sức mạnh.
Thần tượng của hàng triệu người, Lương Gia Huy là một người chồng mẫu mực nổi tiếng trong ngành giải trí. Bất kể đi đâu, ông đều nắm chặt tay vợ Giang Gia Niên.
Trong 30 năm qua, ông chưa bao giờ buông tay vợ trong những bức ảnh xuất hiện trước ống kính.
Lương Gia Huy - tài tử trong lòng bao người hâm mộ - hơn 30 năm luôn nắm tay vợ. Ảnh: Abulouwang. |
Giang Gia Niên đến tuổi này vóc dáng xồ xề, người hâm mộ cảm thấy cô "không xứng đáng với Lương Gia Huy".
Tuy nhiên, mỗi lần nghe câu đó, tài tử chỉ mỉm cười, không bao giờ quan tâm đến ánh mắt người ngoài. "Vợ tôi khi còn trẻ rất xinh đẹp và ngày càng xinh đẹp hơn trong tâm trí tôi. Đôi khi tôi sẽ lén nhìn cô ấy ngủ", Lương Gia Huy từng chia sẻ.
Một phần sự nâng niu của Lương Gia Huy dành cho vợ đến từ một câu nói của Giang Gia Niên thủa chồng gặp khó khăn. Đó là thời điểm thị trường lớn của phim Hong Kong là ở Đài Loan nhưng tại đây có những quy định rất khắt khe, cấm các diễn viên từng đóng phim ở đại lục (Trung Quốc) xuất hiện trên màn ảnh.
Lương Gia Huy trở thành "kẻ tội đồ" và bị các nhà làm phim ở quê nhà tẩy chay trong suốt nhiều năm, dẫn đến việc phải bán hàng rong mưu sinh.
Giang Gia Niên ngày đó là một đạo diễn đã dũng cảm mời Gia Huy đóng phim. Bà an ủi: "Yên tâm, em sẽ đi cùng anh".
Khi Lương Gia Huy bị xã hội đen bắt, bà bị giam lỏng ở khách sạn, một mình đơn thương độc mã, nhưng bà đã thương lượng với ông chủ "thế giới ngầm" và gọi điện cho Gia Huy nói rằng: "Đừng sợ, có em ở đây rồi".
Vợ chồng Lương Gia Huy - Giang Gia Niên thời trẻ. Ảnh: Abolouwang. |
Sau cuộc giải cứu, Gia Huy đã khóc trước mặt vợ. "Có em ở đây rồi" thực sự là một câu nói có sức mạnh nhất với hôn nhân của cặp vợ chồng.
"Chúng tôi đã yêu nhau được 30 năm. Tôi chỉ yêu một mình em. Trước khi gặp em, tôi là một hòn đảo cô lập. Sau khi em cùng đồng hành bên cạnh đã cho tôi một bộ giáp không có gì sánh được.
Khi tôi kiệt sức, tôi muốn buông bỏ mọi gánh nặng và không còn phải đối mặt với sự hỗn loạn của thế giới. Ở phía sau đã có đôi tay của em giữ tôi, bảo vệ tôi và xuất hiện đúng lúc rồi nói rằng: "Có em ở đây rồi", nó chiến thắng một ngàn câu nói".
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Tiền Chung Thư nhờ có người vợ, nhà văn nổi tiếng Dương Giáng, mà suốt một đời gắn với biệt danh "kẻ ngốc vụng về".
Khi Dương Giáng nằm viện, Tiền Chung Thư sống một mình. Hôm nay ông làm đổ lọ mực đen lên khăn trải bàn, hôm sau lại đập vỡ đèn hay sập cánh cửa. Nhiều người nghĩ không thể sống với một người đàn ông như vậy, nhưng Dương Giáng không nghĩ thế. Bà luôn nói nhỏ nhẹ: "Không sao đâu, em sẽ mang đi giặt". "Mực nước đấy", "Mực nước cũng có thể giặt được"...
Mỗi lần đến viện thăm vợ, nhìn ông thật khốn khổ, nhưng nghe xong lời vợ, ông lại mỉm cười, yên tâm quay về. Hết lần này đến lần khác, Chung Thư rất tin tưởng câu "không sao đâu" của Dương Giáng.
Trong tâm trí ông, cũng chỉ có một người là Dương Giáng mới có thể bao dung mình. Ở tuổi 70, ông viết một bức thư tình cho vợ:
"Trước khi tôi gặp em, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc kết hôn. Tôi đã cưới em trong nhiều thập kỷ, nhưng không bao giờ hối hận về điều này, cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc cưới những người phụ nữ khác".
Tiền Chung Thư và vợ. Ảnh: Abolouwang. |
3 chữ "anh yêu em", "em yêu anh" có lẽ đã phai mờ theo thời gian. Nó quá trống rỗng, có cũng như không, giống như hoa hồng và nến chỉ để tô điểm cho thêm phần lãng mạn, nhưng không thể chống lại những thời khắc mong manh của hôn nhân.
Một nhà văn từng nói "Tổn thương của người đàn ông đối với phụ nữ không nhất định vì có người khác, mà là làm họ thất vọng khi mong chờ một điều gì đó và không được giúp khi yếu đuối. Đàn ông cũng có những phút yếu đuối cần người phụ nữ bên cạnh".
Thực sự trong hôn nhân, lời nói thẳng có sức mạnh hơn lời thề thốt. "Anh ở đây", "em ở đây" mang đến sự an tâm, bình lặng. Có đôi lúc chúng ta thấy không thể chịu đựng nổi người bạn đời, nhưng nhờ câu nói này mà vẫn sẽ sẵn sàng cùng nhau đi đến phần đời còn lại.