Sách “Việt Nam phong tục” của học giả Phan Kế Bính, in năm 1915, trong phần thứ nhất nói về phong tục trong gia tộc, chương về Tang ma, có viết: “Hôm cất ma gọi là ngày phát dẫn. Hôm ấy, con cháu, anh em và người quen biết đều đi đưa cả. Cha mất thì con trai chống gậy tre, mẹ mất thì chống gậy vông. Con trai nào mất trước rồi thì con trai người ấy phải chống thay cho cha, hoặc con nào đi vắng thì treo cái gậy ấy ở đầu đòn đại dư (tức đòn lớn để khiêng quan tài)”. Cũng theo phong tục thời xưa, thì nhà nào không có con trai thì ai vào ăn thừa tự phải chống gậy.
Theo sách “Đất lề quê thói - phong tục Việt Nam” của Nhất Thanh, thì trong lễ tang của người Việt, con cháu đi theo linh cữu, con trai đội mũ chống gậy.
Lần ngược về các tài liệu xưa hơn, thì trước đây, các vấn đề tang ma, các cụ thường viện dẫn theo sách “Thọ Mai gia lễ”. Tác giả sách “Thọ Mai gia lễ” là Hồ Sĩ Tân hiệu Thọ Mai (1690 - 1760), người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông đậu tiến sĩ năm 1721, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 đời vua Lê Dụ Tông, rồi làm quan đến chức Hàn lâm Thị chế.
Sách “Thọ Mai gia lễ” được ông biên soạn theo “Chu Công gia lễ”, tức các quy chế về tang lễ của Chu Công thời nhà Chu bên Trung Quốc, nhưng có nhiều chi tiết không rập khuôn theo phong tục Trung Quốc, mà đã được các thế hệ người Việt điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện nước ta, qua nhiều năm đã trở thành phong tục truyền thống. Theo sách này, tang phục được sử dụng trong tang lễ gồm mũ tang, khăn tang, quần áo tang, dây tang, giầy tang kèm các đồ tang khác như gậy tang.
Còn trước thời Lê Trung hưng của tiến sĩ Hồ Sĩ Tân, chúng ta chưa tìm thấy tài liệu nào quy định về việc chống gậy trong tang lễ của người Việt.
Mặc dù vậy, trong bộ hình luật của triều Nguyễn, tức “Hoàng Việt luật lệ”, được ban hành theo lệnh của vua Gia Long, hoàn thành và được áp dụng từ năm 1813 (do đó còn gọi là Luật Gia Long) có phần giải thích về quy chế tang phục trong tang lễ ông bà, cha mẹ như sau:
“Đối với việc chống gậy mà khóc, đối với tang cha, người ta dùng khúc trúc với những cái mắt bên ngoài của nó như một tượng trưng, cha là trời đối với con, trúc tròn giống như trời, trúc không thay đổi suốt bốn mùa trong năm, vì nỗi buồn thương của con khóc cha giống như qua mùa nóng lạnh không bao giờ thay đổi.
Đối với tang mẹ thì gậy làm bằng cây ngô đồng, vì chữ đồng là tên cây cũng có nghĩa là đồng tâm, chung nhau, nghĩa là trái tim của con đặt vào người mẹ cũng ngang hàng với cha. Ngoài cây không có mắt, các mắt đều ở bên trong tượng trưng cho sự giữ gìn. Phân nửa trên của cây vót tròn, theo dạng vòng tròn, phần dưới của cây đẽo thành hình vuông theo hình của đất (thời xưa quan niệm trời tròn, đất vuông). Gỗ dù trúc hay cây không khác nhau đều lấy phần gốc, chống xuống”.
“Hoàng Việt luật lệ” viết rõ về quy cách gậy tang: “Chiều dài của gậy phải ngang tới trái tim. Người con hiếu xót thương cha mẹ không kể xiết, thân thể gầy bệnh, gậy giúp cho người bệnh, bệnh phát từ tim, nên gậy phải dài tới ngang tim”.
Ngoài chống gậy, tang phục của người Việt còn có mũ tang, vòng rơm cho người con trai đội trên đầu, có quai đeo xuống cằm. Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, mũ rơm để bảo vệ đầu, tránh cho người con quá đau buồn vì mất cha mẹ, khóc ngất đập đầu vào các vật cứng, gây chấn thương. Cây gậy chống cũng để đảm bảo an toàn cho tang chủ như vậy. Mũ được bện bằng rơm vì đây là vật liệu sẵn có khắp xung quanh nơi ở của người Việt.
Quy định của “Hoàng Việt luật lệ” cũng nói thêm rằng, người con trai khi đưa tang cha mẹ, giày mang dưới chân bện bằng cỏ rơm. Theo quy định từ xưa, khi tổ chức tang lễ, tang phục phải đơn sơ, giản dị, áo quần may dùng vải thô, may sổ gấu, do đó không được dùng giày dép bền đẹp, nên giày bằng cỏ rơm có thể bảo vệ được bàn chân của tang chủ khỏi việc dẫm gai, gạch đá sắc nhọn trên đường đưa tang.
Từ những nghi thức này, cùng với quan niệm “trọng nam khinh nữ” cổ hủ thời phong kiến, mà người Việt mới có những câu thành ngữ như “có thằng chống gậy” để nói về mong muốn có đứa con trai “nối dõi tông đường”, sau này lo việc tang tế cho cha mẹ và thờ phụng tổ tiên.
Xã hội ngày nay đang ngày càng văn minh, tiến bộ, việc tổ chức đám tang cũng đang được cải tiến cho phù hợp với nếp sống mới. Dù trong các đám tang tổ chức ở thành phố, mọi người thường mặc đồ đen, việc mặc tang phục xô gai ít dần, nhưng vẫn có nhiều gia đình người con đội mũ rơm, chống gậy đứng bên linh cữu, hoặc đặt cạnh bàn thờ người đã khuất cây gậy có treo mũ rơm trên đầu gậy theo truyền thống.
Cùng với sự đi lên của văn hóa, xu hướng trọng nam khinh nữ ngày càng giảm bớt, các gia đình trẻ ngày nay thường chỉ dừng lại ở một, hai con, dù gái hay trai đều yêu thương, nuôi dạy bình đẳng như nhau, tâm lý “kiếm thằng chống gậy” ngày càng nhòa dần và chắc rằng sẽ không còn ảnh hưởng đến người Việt trong thời gian sắp tới.