Một hình thức lễ nghi cần được quảng bá

Một hình thức lễ nghi cần được quảng bá

(GD&TĐ) - Trong những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm, bên cạnh những hoạt động lớn trên cả nước chào mừng 38 năm Ngày toàn thắng 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, có một hoạt động tuy chỉ diễn ra tại một địa phương nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó gắn với tình cảm thiêng liêng của cả dân tộc về chủ quyền đất nước, đó là lễ hội mà người dân địa phương quen gọi là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Cội nguồn của nghi lễ truyền thống này bắt đầu từ đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Điều làm cho không ít người trong chúng ta ngạc nhiên, đó là nghi thức này đã có từ 400 trăm năm nay, được truyền đời qua nhiều thế hệ. 

Một nghi thức trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn
Một nghi thức trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Internet

Hằng năm, cộng đồng dân cư trên các xã thuộc huyện đảo Lý Sơn đã hành lễ nhằm tri ân những con người đã từng tham gia trong đội hùng binh Hoàng Sa, vâng mệnh triều đình lênh đênh trên biển cả với những chiếc thuyền nan mỏng manh vượt sóng lớn ra quần đảo Hoàng Sa khai thác sản vật, đánh bắt hải sản, đo đạc lập bản đồ cắm mốc chủ quyền, khẳng định lãnh hải của Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã không trở về.

Từ một lễ hội của một địa phương, năm 2013 này, với việc được nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã mang tầm vóc quốc gia. Lẽ ra việc công nhận này phải được diễn ra sớm hơn, góp một tiếng nói đầy sức nặng của lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trong thời điểm rất nhạy cảm hiện nay, khi vấn đề biển Đông đang được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.

Vấn đề là làm sao để hoạt động mang tính lễ nghi chính thức này được quảng bá rộng rãi trong cả nước, nhất là với thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức chủ quyền và sẵn sàng hành động tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Mặc dù hệ thống phương tiện thông tin đại chúng đã quảng bá khá đậm và rộng rãi về lễ và các hoạt động liên quan– không chỉ riêng ở Quảng Ngãi mà gần như hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung – tuy nhiên, việc tuyên truyền vẫn còn nằm trong khuôn khổ những ngày diễn ra nghi thức lễ. Sau những hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi và rầm rộ này, công việc tiếp theo để tuyên truyền chiều sâu đòi hỏi phải có lộ trình, bài bản để trở thành một dấu ấn tri thức lịch sử cho học sinh các lứa tuổi, các cấp học ngành học. Những người có trách nhiệm của ngành khoa học lịch sử nước nhà và những người làm công tác giảng dạy lịch sử cần có sự phối hợp để biên soạn một cách giản lược, hấp dẫn những lễ nghi truyền thống mang nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia qua các triều đại, các thời kỳ, trong đó có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Những nội dung này cần được bổ sung vào các chương, mục phù hợp trong chương trình, sách giáo khoa để làm sinh động cho các tiết học lịch sử, mở rộng thêm kiến thức của các em về một vùng lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Những người làm bảo tàng cũng cần bổ sung hình ảnh, hiện vật, nội dung thuyết minh về hình thức lễ nghi này tại bảo tàng các địa phương trong cả nước để hình ảnh Hoàng Sa luôn hiển hiện trong tâm thức, tình cảm của các em. 

Gần đây, các thầy cô giáo ở Quảng Ngãi đã có những tiết học tại bảo tàng, trong đó có những nội dung liên quan đến các hải đội Hoàng Sa. Nhưng đâu phải chỉ thầy cô giáo và các em học sinh Quảng Ngãi? Sau 38 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc còn đang day dứt chúng ta, đó là Hoàng Sa. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá, truyền thụ kiến thức về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cần được coi là công việc của cả nước chứ không phải của riêng một địa phương.  

Hương Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ