(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT đã quy định về thời lượng dành cho giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường là 4 tiết/tuần (2 tiết chính khoá và 2 tiết ngoại khoá để học sinh tự tập các môn mà mình yêu thích). Nhưng hầu hết các trường học hiện nay chỉ thực hiện được 2 tiết học chính khoá, 2 tiết học ngoại khoá chưa thực hiện được; dẫn đến hiệu quả thực tế về GDTC trong học sinh chưa đảm bảo. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng thực tế cho thấy hiện học sinh thường coi trọng việc học văn hoá, còn việc học môn thể dục vẫn luôn bị xem nhẹ.
Bởi chỉ là “môn phụ”?
Tập luyện thể thao là một quá trình đòi hỏi tập luyện liên tục, thường xuyên mới đem lại hiệu quả nên việc bố trí 2 tiết chính khoá trong 1 tuần học là tương đối ít. Để GDTC trong học sinh đạt hiệu quả cao điều đầu tiên các nhà trường cần phải sắp xếp tăng cường thời lượng cho GDTC, đưa những môn thể thao học sinh yêu thích nhằm đảm bảo cân bằng giáo dục trí và lực trong học sinh.
Hiện nay, phần lớn các HS, phụ huynh học sinh và thậm chí ngay cả một số giáo viên vẫn chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của GDTC. Họ coi GDTC trong trường học chỉ là môn “phụ” nên các giờ thể dục thường không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, lực lượng giáo viên thể dục phân bố chưa hợp lý ở các trường học còn đang là vấn đề khó khăn. Hầu hết các giáo viên thể dục chính khoá hiện nay dạy tất cả những môn học trong nhà trường như: điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ (nếu có)... mà chưa có thầy cô giáo chuyên dạy từng môn.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện tại các trường học còn thiếu thốn (rất ít trường học có sân bãi dành riêng cho môn thể dục) cũng là vấn đề khó khăn trong việc GDTC. Ở hầu hết các trường học, quỹ đất rất hạn chế thường chỉ đáp ứng yêu cầu học văn hoá nên ít có diện tích dành cho thể dục thể thao. Những khoảng sân dành cho đá cầu, nhảy dây trong sân trường thì có thể, nhưng những sân tập bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá hay cầu lông thì thường không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có trường còn phải cho học sinh ra vườn hoa, vỉa hè để học môn thể dục. Chính việc không có điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi nên càng hạn chế việc tập luyện thể thao trong các em học sinh.
Hiện rất ít trường có sân bãi dành riêng cho môn học GDTC cho các em học sinh. Ảnh: T. Toàn |
Hơn thế, hiện nội dung chương trình GDTC trong trường học còn nghèo nàn, ngoài các nội dung của điền kinh và thể dục: nhảy cao, nhảy xa, nhảy dây, chạy, đẩy tạ, các bài tập thể dục... rất ít trường có điều kiện giảng dạy các môn bóng cho học sinh (các môn bóng có sức thu hút học sinh tham gia tập luyện đông hơn rất nhiều). Tình trạng có em học sinh bị ngất vì chạy cự ly dài, chấn thương bởi những hố cát không đủ tiêu chuẩn... vẫn thường gặp. Điều đó tạo ác cảm trong các em và trong phụ huynh học sinh đối với môn học này. Trong khi đó, nội dung các môn học văn hoá lại quá nhiều (học ở trường, rồi học thêm... kể cả những ngày nghỉ) đã chiếm hết thời gian của HS nên thời gian dành cho thể thao không có cũng là điều dễ hiểu.
Đổi mới để hấp dẫn
Thể chất là một trong 4 mục tiêu giáo dục con người toàn diện của xã hội ta hiện nay (đức – trí - thể - mỹ), là cơ sở để tiếp nhận những mặt giáo dục còn lại. GDTC trong trường học góp phần bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn, đồng thời GDTC trong trường học phần nào còn làm cho các em học sinh năng động, hưng phấn hơn trong học tập, là giây phút giảm tải những áp lực trong học văn hoá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, tập luyện thể thao là một quá trình đòi hỏi tập luyện liên tục, thường xuyên mới đem lại hiệu quả nên việc bố trí 2 tiết chính khoá trong 1 tuần học như hiện nay là tương đối ít. Theo ông, để GDTC cho học sinh đạt hiệu quả cao điều đầu tiên các nhà trường, các bậc phụ huynh cần thiết giảm việc dạy thêm, học thêm để tăng thời lượng cho các em luyện tập thể thao, đưa những môn thể thao học sinh yêu thích (các môn bóng) đảm bảo cân bằng giáo dục trí và lực trong các em.
“Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân về vai trò của GDTC, đặc biệt trong học sinh cần được các cấp quan tâm đầu tư hơn nữa. Hơn thế, các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần vào cuộc, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền theo một định hướng, kế hoạch cụ thể để các bậc phụ huynh và các em học sinh hiểu được sự cần thiết của môn học này để từ đó các em thấy sự cần thiết phải rèn luyện thể thao như học các môn chính khoá”, ông Ngũ Duy Anh nhấn mạnh.
GDTC cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước là sự nghiệp của toàn xã hội, rất cần sự phối hợp của các ban, ngành, các cơ quan hữu quan, cùng đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược... Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác GDTC cho học sinh của ngành TDTT và ngành giáo dục để đưa ra những chiến lược phát triển lâu dài.
Nam Khánh