Chạy “nước rút”
Vẫn biết số lượng hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT trên hệ thống sẽ phải lọc ảo, nhưng với nhiều trường và thí sinh, xét tuyển bằng phương thức này đang là lựa chọn tối ưu, khi thỏa mãn được mọi tiêu chí từ hai phía.
Ghi nhận nhanh về phương án tuyển sinh của nhiều trường ĐH - CĐ trên địa bàn TPHCM, tới thời điểm này, ngoài trường thuộc ĐHQG TPHCM, các trường còn lại đều sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT cho mùa tuyển sinh năm 2020 - 2021. Trường ít dành ra 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, trường nhiều tới 70% tổng chỉ tiêu.
Năm học 2020 - 2021, năm học đầu tiên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thực hiện xét tuyển bằng học bạ THPT với khoảng 40 - 50% tổng chỉ tiêu. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc nhà trường thêm phương thức tuyển sinh này nhằm thích ứng với bối cảnh mới khi Bộ GD&ĐT không còn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Mặt khác, chất lượng giáo dục bậc học phổ thông trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây đã có sự chuyển biến rất rõ nét về chất lượng đào tạo, cũng như chất lượng giáo dục toàn diện là nguyên nhân khiến nhà trường chọn phương thức này.
Dành tới 70% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT, Trường ĐH Mở TPHCM gần như đặt trọn niềm tin chất lượng đầu vào nguồn tuyển của mình ở chất lượng giáo dục THPT. Năm học 2019 - 2020, chỉ riêng xét tuyển bằng phương thức tuyển thẳng học sinh giỏi, Trường ĐH Mở TPHCM tuyển được 2/3 tổng chỉ tiêu. Do đó, năm nay, việc nhà trường dành 70% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT cho thấy, Hội đồng tuyển sinh tin vào kết quả học tập của học sinh.
Hàng loạt các trường đại học ngoài công lập như: ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng, ĐH Kinh tế - Tài chính, ĐH Văn Hiến… cũng có điều chỉnh về tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Đơn cử, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ, ĐH Văn Hiến dành 40%, ĐH Lạc Hồng cũng dành 60% tổng chỉ tiêu.
Về phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, gần như các trường đều sử dụng 2 phương thức: Xét tổng điểm trung bình lớp 12 của tổ hợp 3 môn từ đủ 18 điểm trở lên và xét tổng điểm của 5 học kỳ liên tiếp (học kỳ I, II lớp 10; học kỳ I, II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.
Thông tin chúng tôi ghi nhận được, số lượng hồ sơ thí sinh nộp xét tuyển bằng phương thức học bạ khá cao. Nhiều trường đã ghi nhận mức hồ sơ ở con số 5.000 - 7.000 (cả 2 hình thức online và trực tiếp). Cá biệt có trường đã đạt xấp xỉ gần 9.000 hồ sơ, còn thấp nhất cũng đạt trên 2.000 bộ.
Chất lượng giáo dục THPT được thừa nhận
Đánh giá về sự dịch chuyển lớn trong phương thức tuyển sinh năm học 2020 - 2021, TS Trần Đình Lý cho rằng, đó là xu thế tất yếu và phù hợp với Luật GD ĐH năm 2018 về tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Kỳ thi THPT quốc gia không còn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương, việc học sinh được sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển vào đại học là hoàn toàn đúng và giảm tính may rủi của một kỳ thi. Đánh giá năng lực, kết quả học tập phải trải qua một quá trình chứ không thể là một kỳ thi. Việc “làm đẹp học bạ” không phải là không có nguy cơ xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, không thể là đa số và càng không thể vì một vài nơi, vài cá nhân để xảy ra tình trạng đó (nếu có) mà chúng ta bác bỏ một phương thức đánh giá kết quả học tập và xét tuyển phù hợp và đúng đắn. Đó là sai lầm” – TS Trần Đình Lý chia sẻ.
“Thực tế các trường đại học vẫn xem trọng quy trình đào tạo và chất lượng đầu ra của mình nhiều hơn. Chưa kể hiện nay, công tác chuẩn hóa, kiểm định chất lượng các ngành đào tạo, chương trình đào tạo… đều có đầu ra tối thiểu nên những lo ngại trên không quá lớn. Bởi mỗi trường sẽ có biện pháp hậu kiểm khác nhau nhưng đều phục vụ mục đích là lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất đối với ngành đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo của từng trường” – TS Trần Đình Lý nói.
Về băn khăn sẽ có thí sinh trúng tuyển bằng hình thức “làm đẹp học bạ” theo TS Trần Đình Lý, em đó chắc chắn sẽ bị sàng lọc trong quá trình học đại học. Vì, các trường ĐH đều lấy chất lượng đào tạo là vấn đề then chốt, sự tồn tại của trường.
TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng nhìn nhận: Về phía các cơ sở đào tạo, xét tuyển bằng điểm học bạ giúp họ có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình học tập của sinh viên trong suốt các năm THPT.
Mặt khác, kết quả thi THPT không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ năng lực thực chất của các em, vì nhiều thí sinh học lệch, thậm chí còn “đánh lụi” đáp án trong quá trình làm bài thi nhưng điểm vẫn cao do may mắn ngẫu nhiên. Trong những trường hợp như vậy, xét tuyển bằng học bạ sẽ giúp cơ sở đào tạo có thêm thông tin để đánh giá chất lượng đầu vào.
“Trong xu thế phát triển hiện nay, ngoài kỹ năng chuyên môn, người lao động phải có nhiều kỹ năng khác: Cảm xúc, hợp tác, đàm phán… Việc học đều các môn là một lợi thế để các em có thể tiếp thu nhanh các kỹ năng có kiến thức liên quan. Lúc này, xét học bạ (bằng cách lấy điểm trung bình chung các năm) là giải pháp hay cho việc tìm ra những sinh viên có hiểu biết tương đối đồng đều giữa các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và kỹ thuật công nghệ”, TS Nguyễn Vũ Quỳnh nói
Không riêng gì các trường tư, việc xét tuyển đại học bằng hình thức học bạ cũng diễn ra ở cơ sở đại học công lập. Điều này chứng tỏ, những cơ sở này cũng thấy rõ lợi ích của hình thức xét tuyển học bạ trong việc chọn cho mình những hạt giống tốt ngay từ đầu. - TS Nguyễn Vũ Quỳnh