Bạn có để ý không, mỗi đứa trẻ luôn có một món đồ yêu thích nhất của mình. Đó có thể là gấu bông, búp bê, siêu nhân, xe ô tô hay tấm thiệp bạn tặng, bộ quần áo ông bà mua cho… Thấy con cứ thích mãi một món đồ, dù đã cũ nhưng vẫn không chịu bỏ đi khiến nhiều ông bố bà mẹ bực mình.
Nhưng theo các nhà tâm lý học, đối với trẻ, những món đồ chơi đó không đơn giản là một đồ vật, mà nó chính là tri kỷ mà trẻ đã nảy sinh mối quan hệ liên kết. Đây được gọi là hiện tượng Hiệu ứng sở hữu (Endowment effect).
Hiệu ứng sở hữu là gì?
Tiến sĩ Daniel Kahneman – một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Israel, người đã thắng giải Nobel Kinh tế năm 2002, giải thích rằng hiệu ứng sở hữu miêu tả xu hướng con người thường trân trọng những thứ họ sở hữu hơn những thứ mà họ không sở hữu.
Nói một cách dễ hiểu, khi sử dụng đồ vật đó một thời gian thì sẽ có một sự liên kết giữa bản thân người sở hữu với những thứ được họ coi là "của mình".
Điều này lý giải vì sao chúng ta, đặc biệt là trẻ em, lại có xu hướng quý trọng những món đồ vật mà mình sở hữu từ bé. Bởi sự tương tác ngay từ lúc còn nhỏ đã tạo nên điều đặc biệt, độc đáo và duy nhất cho món đồ khiến giá trị của chúng cũng được nâng cao. Do đó, bất kỳ đề nghị nào như bỏ đồ vật đó đi đều bị trẻ từ chối.
Vì sao con lại không đồng ý vứt bỏ những món đồ chơi đã cũ?
Có một lần, một nhiếp ảnh gia tự do tên là Foster Huntington đã đặt một câu hỏi rằng: "Nếu nhà bị cháy, bạn sẽ mang theo những gì?". Kết quả, ông nhận được câu trả lời dưới dạng ảnh của hơn 5.000 người từ khắp nơi trên thế giới gửi về.
Tất cả mọi thứ họ mang theo đều được xếp gọn gàng như những món tài sản quý báu nhất khi được chụp ảnh, bao gồm: hộ chiếu, chìa khóa xe, máy ảnh, máy tính xách tay và cả những món đồ mang giá trị tinh thần như: thú nhồi bông, ảnh và quà tặng của gia đình.
Nhiều người đã phải thốt lên rằng "Tại sao lại lấy thú nhồi bông, ảnh, quà tặng trong khi nhà đang cháy nhỉ?" khi nhìn thấy kết quả.
Tiến sĩ Kiara Timpano - giáo sư tâm lý học công tác tại trường Đại học Miami (Mỹ) cho biết: "Mặc dù khi lớn lên, chúng ta không cần gấu bông nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là sự gắn bó với chúng mất đi. Gấu bông đối với trẻ em không đơn thuần là đồ chơi, nó còn là vật gợi nhớ về bố mẹ hay những người thân khác.
Sự tương tác với gấu bông như chơi đùa hay ôm ấp mang lại cho trẻ sự ấm áp và cảm giác an toàn như người thân bên cạnh".
Chính vì thế, mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều đặt tên cho đồ chơi của mình và xem chúng như một con người có cảm xúc, suy nghĩ, cần được chăm sóc và quan tâm. Đây được gọi là hành động nhân hóa (anthropomorphised).
Tuy nhiên, không phải bất kỳ món đồ chơi nào cũng được trẻ nhân hóa. Con chỉ nhân hóa đồ vật mà mình có cảm xúc mãnh liệt nhất. Việc này khiến con cảm thấy mình phải có trách nhiệm với những món đồ nên việc rời xa chúng là điều rất khó khăn.
Tiến sĩ Timpano cũng chia sẻ thêm: "Khi trẻ lớn lên, nhu cầu đối với những đồ vật đó thường giảm đi, nhưng điều này không có nghĩa là sự gắn bó với chúng cũng giảm theo. Khi một đứa trẻ lớn lên, con có thể không cần ôm gấu bông của mình để tự trấn an trong "cơn giông bão", song gấu bông lại chứa đầy những kỷ niệm đẹp và nó đã tồn tại quá lâu trong cuộc sống của con đến mức con xem như một người thân của mình".
Đây chính là lý do vì sao mà cho dù món đồ chơi đó hư hỏng, cũ kỹ nhưng trẻ vẫn cương quyết cất giữ. Vậy nên, thay vì la mắng, ép buộc hay lén lút bỏ mất đồ chơi, thú bông của con, cha mẹ nên tôn trọng con, tôn trọng cảm xúc của con.