Vì sao dự án đường vào bản hơn 25 tỷ đồng ở Thanh Hóa bị 'đóng băng'?

GD&TĐ - Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án nâng cấp đường giao thông bản Pượn. UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư.

Người dân đi lại rất vất vả vì con đường thi công dở dang phải dừng lại.
Người dân đi lại rất vất vả vì con đường thi công dở dang phải dừng lại.

Dự án nâng cấp đường giao thông nông thôn ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng, hiện đang dở dang, dừng thi công vì vướng đất rừng tự nhiên.

Bản Pượn (40 hộ dân với 183 nhân khẩu), là vùng xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất nhì của xã Trung Sơn, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa. Bao năm qua, người dân bản Pượn phải sống trong cảnh nghèo khó, do không có điện quốc gia, đường đi lối lại vô cùng trắc trở.

Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án nâng cấp đường giao thông bản Pượn. UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2021. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa hoàn thành và đã bị ngừng thi công.

Theo quan sát, tuyến đường vào bản Pượn hiện nay có nhiều hạng mục thi công dang dở, bừa bộn và nhếch nhác. Nhiều đống đất, đá đổ bề bộn ở ven đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa người dân luôn gặp khó khi di chuyển qua tuyến đường này.

Bà Phạm Thị Thỏa, cho biết hàng ngày bà phải đi trên con đường này để làm nương, chăm sóc rừng luồng.

Dự án đường giao thông vào bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) đang bỏ dở.

Dự án đường giao thông vào bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) đang bỏ dở.

“Năm 2019, khi thấy người ta đưa máy móc lên để làm đường, chúng tôi mừng lắm. Nhưng không hiểu vì sao mà họ làm dở dang rồi bỏ đấy từ lâu rồi. Bây giờ, nó nhếch nhác, bụi bặm vào ngày nắng và rất lầy lội mỗi khi trời mưa, người dân đi lại càng thêm vất vả. Người dân ở đây rất mong mỏi con đường này sớm hoàn thành, để thuận tiện trong việc đi lại”, bà Thỏa nói.

Ông Trương Đức Văn, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn, cho biết: Bản Pượn cách trường 7km đường đồi dốc, qua khe, suối. Do đó, học sinh ở bản Pượn đi học ở Trường THCS được hưởng chế độ bán trú của Nhà nước hỗ trợ.

“Nhà trường có 16 học sinh (từ lớp 6 đến lớp 9) là con, em đồng bào người Thái ở bản Pượn. Học sinh phải đi qua công trình thi công bỏ hoang khiến nhà trường lo lắng cho sự an toàn của các em”, ông Văn chia sẻ.

Được biết, nguyên nhân ngừng dự án vì, khi triển khai được 2/3 khối lượng, chủ đầu tư phát hiện có đoạn tuyến đi qua 0,88 ha đất rừng tự nhiên. Do đó, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu ngừng thi công, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành Trung ương.

Ông Phạm Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết, chính quyền và người dân địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần, mong sớm giải quyết vướng mắc, để hoàn thành con đường này cho người dân đi lại thuận tiện hơn”, ông Diện thông tin.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: UBND huyện chưa chuyển được mục đích sử dụng đất rừng, nên phải tạm dừng dự án. Thời gian tới huyện sẽ khảo sát, đề xuất cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh một phần hướng tuyến của dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.