Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa

GD&TĐ - Thanh Hoá là tỉnh thứ 4 trong cả nước vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Khu kinh tế Nghi Sơn (Ảnh- BTH ).
Khu kinh tế Nghi Sơn (Ảnh- BTH ).

Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với Quyết định này, Thanh Hóa trở thành tỉnh thứ 4 trong cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng như đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn…

Đồng thời, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Cùng với đó là phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho nhân dân.

Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng; nông nghiệp quy mô lớn; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo... Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Quy hoạch cũng đưa ra phương án đến năm 2030, quy hoạch, sắp xếp, bố trí 100% hộ dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai, những hộ dân sống rải rác, di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi. Rà soát, bố trí các quỹ đất để giao đất cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất và các hộ không có đất ở, thiếu đất ở.

Về phương án phát triển đô thị, đến năm 2030, toàn tỉnh có 47 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP Thanh Hóa), 2 đô thị loại III (TP Sầm Sơn; TP Nghi Sơn), 4 đô thị loại IV bao gồm huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn và thành lập mới thêm 3 thị xã: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Quảng Xương.

Quy hoạch đề ra Phương án xây dựng 5 vùng liên huyện và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực cùng các hành lang kinh tế. Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha. Phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5 ha. Sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872 ha.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65 ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.