Theo đó, với những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra loại khí cực độc là cacbon monoxit (hay còn gọi là CO). Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích cho da và mắt.
Trong cơ thể con người, CO có khả năng gắn với Hb cao gấp 200 – 250 lần so với khí Oxy, tạo thành HbCO (Cacboxy Hemoglobin), làm giảm lượng Oxy trong máu đến các bộ phận như tim, não…
Ngoài ra, một phần nhỏ CO hòa tan vào huyết tương, gắn với Myoglobin làm giảm sức co bóp cơ tim. Nguy hiểm hơn, tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương não vĩnh viễn; tổn thương tim, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hoặc hôn mê, tử vong…
ThS BS. Nguyễn Khánh Dương - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có thể có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức…
Đặc biệt, với những người đang ngủ hoặc đang say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào. Do vậy, khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc; mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm; nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu khí CO.
Oxy được xem là “thuốc giải độc” cho các trường hợp ngộ độc khí CO, nên khi sơ cứu, người nhà nên cho nạn nhân thở mặt nạ oxy ngay. Nếu nạn nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn, phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất".
Để không bị cảm lạnh, bác sĩ Dương khuyến cáo người dân, đặc biệt là sản phụ nên nằm ở những nơi tránh gió, không nên ra ngoài khi nhiệt độ giảm mạnh vào sáng và tối, mặc đồ giữ ấm, đội mũ, mang vớ với chất liệu thoáng nhẹ, tạo cảm giác dễ chịu.
Ngoài ra, để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc khí CO khác, chúng ta không nên đặt lò than để sưởi ấm trong phòng ngủ, không ngủ trong garage ô tô hoặc để máy nổ, máy phát điện ở nơi kín gió (tầng hầm, gầm cầu thang…).