Trước đó thầy đã là tác giả của hơn 100 đầu sách tham khảo môn Hóa học. Từ thực tiễn dạy học, viết sách, PGS. TS Cao Cự Giác quan niệm, là người thầy, phải biết dắt học sinh vào trang sách rồi giúp các em bước ra cuộc sống.
Cơ duyên với sư phạm và viết sách
Thầy Cao Cự Giác (Trường ĐH Vinh) chia sẻ, mình đến với trường sư phạm như một cơ duyên và lựa chọn không thể nào khác. Khi còn là học sinh THPT tại huyện Diễn Châu, (Nghệ An), Cao Cự Giác thi vào đại học như là con đường lập nghiệp duy nhất. Nhưng do chưa có định hướng, nên cậu học trò trường làng quyết định thi vào Trường ĐH Kinh tế Kế hoạch (ĐH Kinh tế Quốc dân sau này), để “thoát ly” nghề nông.
"Nhưng sau 1 năm là sinh viên kinh tế, tôi thấy mình không phù hợp. Ví dụ đơn giản nhất là tôi đi mua bất cứ cái gì cũng đắt hơn người khác. Kinh tế có lẽ không phải là con đường mà tôi không giỏi. Trong khi tôi thích việc dạy học, chia sẻ kiến thức với người khác. Vì vậy, năm sau đó, tôi thi lại vào Khoa Sư phạm Hóa – Trường Đại học Sư phạm Vinh”, thầy Cao Cự Giác nhớ lại.
Tốt nghiệp bằng đỏ, tân cử nhân sư phạm được giữ lại trường Đại học làm giảng viên, và tham gia nhiều lớp luyện thi khối A cho học sinh phổ thông. Chính những năm tháng cả dạy sinh viên sư phạm lẫn học sinh phổ thông đã cho thầy Giác nhiều kinh nghiệm thực tế lẫn lý luận đối với môn Hoá học. Thầy bắt đầu viết sách từ sách tham khảo môn Hóa học. Số lượng sách tham khảo mà thầy viết đến nay đã trên 100 cuốn, trong đó nhiều sách do NXB Giáo dục phát hành.
Bắt đầu từ năm 2014, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” đã đi vào Nghị quyết số 88. Thời điểm đó, thầy Cao Cự Giác đã ấp ủ ý định viết SGK. Nhưng phải đến năm 2018 khi Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua thì NXB Giáo dục mới chính thức “đặt hàng” thầy viết sách KHTN và môn Hóa học.
“Khi được giao nhiệm vụ Tổng chủ biên, tôi vừa mừng, vừa vui nhưng cũng không tránh khỏi những áp lực bởi như chúng ta đã biết, hầu hết tổ chủ biên các đầu sách của các bộ sách giáo khoa mới đều là những người đầu ngành, có tên tuổi và tôi dường như là người trẻ nhất.
Viết sách cũng không thể là công việc và trí tuệ của 1 cá nhân. Vì vậy, tôi đã quy tụ nhóm giảng viên giỏi ở Trường Đại học Vinh tham gia. Sau này, cuốn sách không còn tính chất vùng miền và sách được dùng cho cả nước thì nhóm tác giả đã được mở rộng với nhiều giảng viên đại học ở trong Nam, ngoài Bắc”, thầy Cao Cự Giác cho hay.
Cũng theo PGS. TS Cao Cự Giác, để xây dựng một bộ SGK, trước hết cần xây dựng được triết lý và phương pháp tiếp cận. Bộ sách của thầy và các cộng sự, việc tiếp cận được thực hiện theo phương thức từ các hoạt động trải nghiệm thực tế và sau đó, sẽ tiếp tục xây dựng lý thuyết học tập. Bằng cách này, học sinh từ việc vận dụng những điều trong thực tế để áp dụng trong sách giáo khoa theo hướng tiếp cận khoa học, sau đó sẽ quay trở lại vận dụng vào trong cuộc sống.
Ngay như bộ sách lớp 10 mà thầy và nhóm tác giả xây dựng cũng có cách đi mới so với sách hiện hành. Kiến thức không được đưa ra ngay từ đầu mà nó được hình thành qua một chuỗi các câu hỏi và học sinh sẽ từng bước đi tìm câu trả lời.
Với cách bố trí bài học như thế này, sẽ khác rất nhiều với sách giáo khoa trước kia. Trước đây việc trình bày một bài học thường sẽ gắn với rất nhiều văn bản, định nghĩa và giải thích rất chi tiết. Nay công việc đó, lại để cho học trò tự tìm hiểu nhưng giáo viên sẽ đặt câu hỏi để có thể cảm nhận được bài học, tự so sánh giữa các phần trong bài học…
Người thầy phải hướng đến học sinh là trung tâm
Theo PGS. TS. NGƯT Cao Cự Giác chia sẻ, trước khi làm sách thầy phải làm học trò và phải đọc lại toàn bộ chương trình Vật lý – Sinh học. Rất nhiều bài học, trước khi lên sách, đã được thực nghiệm giảng dạy nhiều lần và sau đó được thảo luận, rút kinh nghiệm.
Một trong những điểm khác trong SGK mới là có mục tiêu bài học. Đây cũng chính là những yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu cũng chính là cam kết của người dạy và người học, nghĩa là người học đọc xong bài sẽ phân tích được, nêu được, giải thích được.
“Tôi vẫn nói vui rằng, giáo viên hiện nay phải nỗ lực khi giảng bài, bởi nếu dạy không đúng phụ huynh có thể “kiện” vì con chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Và giáo dục cũng cần phải tiến tới điều đó, nghĩa là cần phải “sòng phẳng” với nhau. Người làm sách phải cam kết, học sinh học xong sẽ đạt được điều đó và thầy cô cũng phải dạy cho tốt. Cách dạy này có thể lúc đầu sẽ khó nhưng sau quen sẽ thấy dễ và học sinh hứng thú…”, thầy Cao Cự Giác nói.
Vấn đề ngại nhất chính việc tổ chức dạy học trong điều kiện mới. Ngoài những vấn đề khách quan về cơ sở vật chất, điều kiện dạy học của từng trường, thì lý do chủ quan là giáo viên hiện nay chưa được đào tạo bài bản dạy tích hợp. Trong đó có giáo viên dạy bộ môn Khoa học tự nhiên.
Vì vậy, trong quá trình tập huấn cho giáo viên dạy chương trình SGK mới, thầy Giác và nhóm tác giả đã được gợi ý sách được viết với một triết lý nghiên cứu các quy luật tự nhiên và cái này chung cho tất cả các môn khoa học. Giáo viên cần bám vào điều này để triển khai những vấn đề cụ thể thì sẽ thấy việc dạy nhẹ nhàng, tránh việc học sách tích hợp nhưng lại dạy đơn môn như một số trường hiện nay. Hơn nữa các hiện tượng trong tự nhiên đều được tích hợp dưới dạng ứng dụng với nhiều bộ môn khác nhau. Và nếu liên hệ tốt thì điều này sẽ rất thú vị.
Thầy Cao Cự Giác cho rằng: “Cùng với sự thay đổi từ chương trình, người thầy hiện nay phải là người dắt học sinh từ cuộc sống đi vào trang sách, rồi lại dắt các em từ trang sách ra ngoài cuộc sống với nhưng kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đã được giới thiệu, giải thích, áp dụng. Điều này cũng đúng với định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 là phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực, đổi mới, và thay đổi trước hết từ quan điểm dạy học của mình”.