Chó con sinh ra đã có sẵn khả năng đọc cử chỉ của con người, như biết đâu là thức ăn khi chúng ta chỉ tay cho chúng, ngay cả khi không được huấn luyện cụ thể. Mặt khác, tỉ lệ sói con hành động theo những cử chỉ của chúng ta thấp tới mức không thể coi là bản năng.
“Những chú chó sinh ra với khả năng bẩm sinh này để hiểu rằng chúng ta đang giao tiếp với chúng và chúng ta đang cố gắng hợp tác với chúng”, tác giả chính của nghiên cứu Hannah Salomons, nghiên cứu sinh tiến sĩ về nhận thức xã hội tại Đại học Duke ở Bắc Carolina, cho biết.
“Nghiên cứu này thực sự củng cố bằng chứng cho thấy khả năng đặc biệt của loài chó trong khả năng nhận thức xã hội là sản phẩm của quá trình thuần hóa”, tác giả cao cấp của nghiên cứu Brian Hare, giáo sư nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Dukecho biết.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh các kỹ năng nhận thức của 44 con chó và 37 con chó sói từ 5 - 18 tuần tuổi. Những chú sói con, được sinh ra và lớn lên tại Trung tâm Khoa học Động vật Hoang dã ở Stacy, Minnesota, gần như thường xuyên tiếp xúc với con người ngay sau khi sinh. Những người chăm sóc dành phần lớn thời gian trong ngày với chúng, cho chúng ăn bằng tay và ngủ cùng chúng vào ban đêm.
Ngược lại, những chú chó con ở với mẹ của chúng cho đến khi chúng được 6 tuần tuổi và ở với bạn cùng lứa cho đến khi được 8 tuần tuổi. Trong thời gian này, chúng chỉ có những tương tác ngắn với con người. Sau 8 tuần, những con chó con đã đến sống với gia đình người, mặc dù hầu hết những con chó con trong nghiên cứu đã được kiểm tra kỹ năng nhận thức trước khi được nhận nuôi.
Trong một bài kiểm tra nhận thức, các nhà nghiên cứu đã giấu thức ăn vào một trong hai chiếc bát, sau đó chỉ tay và nhìn về phía bát có thức ăn, hoặc đặt một khối bên cạnh nó, để cho chú chó hay sói con biết vị trí của thức ăn.
Chó con có khả năng tiếp nhận các tín hiệu của con người và đi thẳng đến bát đựng thức ăn cao gấp đôi so với sói con. Và nhiều chú chó con đã làm theo tín hiệu được đưa ra trong lần thử đầu tiên mà chưa trải qua bất kỳ khóa huấn luyện cụ thể nào.
Trong một thử nghiệm khác, những chú chó và sói con được cho một hộp đựng thức ăn đậy kín để chúng không thể tự mở. Tuy nhiên, những con sói con thường cố gắng tự mở hộp trong khi những con chó con dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp bằng mắt với con người, trông chờ vào sự giúp đỡ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chó con có khả năng tiếp cận người lạ cao gấp 30 lần so với sói con, mặc dù những chú chó con tiếp xúc tương đối ít với con người trong thời gian đầu.
“Với những chú chó con mà chúng tôi đã làm việc cùng, nếu bạn bước vào chuồng của chúng, chúng sẽ tụ tập xung quanh và muốn trèo lên người bạn cũng như liếm mặt bạn, trong khi hầu hết sói con chạy vào góc và trốn”, Salomons nói. Không có sự khác biệt giữa hai loài trong các nhiệm vụ nhận thức phi xã hội, chẳng hạn như kiểm tra trí nhớ.
Những phát hiện này ủng hộ “giả thuyết thuần hóa” hay giả thuyết rằng tổ tiên gốc sói của loài chó được chọn lọc vì sự thân thiện và gần gũi của chúng đối với con người, và qua nhiều thế hệ những con vật này đã truyền lại gen mang tính hợp tác với con người của chúng, cuối cùng trở thành những con chó được thuần hóa.