Du lịch sinh thái: Đừng tưởng thú nuôi nhốt không dữ

Du lịch sinh thái: Đừng tưởng thú nuôi nhốt không dữ

Nổi giận bất cứ lúc nào

Theo TS Phạm Trọng Ảnh, nguyên cán bộ Phòng Động vật có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cách an toàn nhất là giữ khoản cách với các loài thú dữ. TS Phạm Trọng Ảnh cho biết, hổ có 2 loài, trong tự nhiên và được nuôi nhốt. Hổ tự nhiên thường trở nên hung dữ khi đang trong thời kỳ nuôi con, khi bị dồn vào thế bị săn đuổi. 

Ngoài ra, những con hổ có tiền sử tấn công, ăn thịt người thì sẽ hình thành thói quen, thường tìm con người làm thức ăn. Tuy nhiên, không phải con hổ nào trong tự nhiên cũng tấn công người. Hơn nữa, hổ tự nhiên bây giờ ở Việt Nam rất hiếm, các nhà khoa học tính toán chỉ có khoảng trên 30 cá thể, trong nhiều năm trở lại đây không có trường hợp loài hổ này tấn công người.

Điều đáng lưu tâm là các loài thú dữ được nuôi nhốt như hổ, báo, gấu. "Một con hổ, gấu nằm im không có nghĩa là chúng vô hại. Khi tham quan các vườn thú, nhiều người thấy chúng nằm im rất hiền lành, nên tìm cách lại gần, điều này rất nguy hiểm. Thú dữ khi bị nuôi nhốt rất hiếm khi thể hiện các phản ứng tự nhiên như giận dữ, vui vẻ. Nhưng chúng lại có thể "nổi giận" bất cứ lúc nào mà không có biểu hiện gì báo trước, đặc biệt là gấu. Chúng có thể bất ngờ tát rất nhanh vào mặt người ở gần", TS Phạm Trọng Ảnh cho biết.

Hành động này của các loài thú dữ được lý giải vì chúng bị ức chế, dồn ép, môi trường sống quá chật hẹp hoặc động vật đến thời kỳ động dục, thay đổi trong tâm sinh lý, hoặc đang trong cơn đói. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một con thú đang nằm im bỗng nhiên tấn công người. Trường hợp du khách bị tấn công ở Khu du lịch Trại Bò (Nghệ An) cũng như vậy.

Cách ly với cả thú nhỏ

Có những con thú được nuôi dưỡng từ lúc mới sinh, đa phần thú dưới 1 tuổi thường hiền lành, con người có thể tiếp xúc, ve vuốt mà không gây nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi thú đã đến tuổi trưởng thành, khoảng trên 1 tuổi, chúng có thể tấn công con người bất cứ lúc nào, trừ trường hợp đó là thú đã được huấn luyện để làm xiếc, được điều khiển bằng những thiết bị chuyên dụng.

Các loài thú ăn thịt, trong tuyến nước bọt của chúng có rất nhiều vi khuẩn nhằm mục đích tiêu hóa được thức ăn. TS Phạm Trọng Ảnh cho biết, khi bị các loài thú này cắn, nếu không được xử trí kịp thời thì khả năng bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử là rất lớn. "Khi đi vào vườn thú tham quan, cách tốt nhất để giữ an toàn là tuân thủ đúng quy định của vườn thú. Không lại gần những con thú dữ được cảnh báo nguy hiểm vì bất cứ lý do gì", TS Phạm Trọng Ảnh đưa ra lời khuyên.

Không cho trẻ em chơi với chó dữ

Nghỉ hè, một nguy cơ nữa đối với trẻ là tai nạn khi chơi cùng thú nuôi. Trung tá Nguyễn Trung Kiên, chuyên đào tạo chó nghiệp vụ, Phó trưởng Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, nhiều trường hợp trẻ bị chó tấn công rất thương tâm. Trong đó chó ngao là một trong những giống được thuần hóa muộn nhất. 

Đây là giống chó hoang dã vô cùng hung dữ. Tuy vậy, khi đã thuần hóa thì ít khi chúng cắn người. Tuy nhiên có câu "hàm chó, vó ngựa", khi đã nuôi con gì cũng phải đề phòng khả năng bị chúng tấn công, đặc biệt là các giống chó có nguồn gốc là hung dữ. Việc chó bỗng dưng tấn công chủ có thể do nhiều nguyên nhân mà con người không biết được.

"Chúng có thể bất ngờ trở nên hung dữ do một vài yếu tố tác động nào đó làm thay đổi sinh lý. Chó ngao đã thuần hóa về cơ bản là hiền lành, thông minh, biết nghe lệnh chủ. Điều nguy hiểm là con người, kể cả chủ nuôi cũng không thể biết được lúc nào chúng chuẩn bị "lên cơn điên", sẵn sàng tấn công. Do đó, việc nuôi chó dữ trong nhà cần hết sức cẩn thận, tránh những tai nạn đáng tiếc", trung tá Kiên cho biết.

Theo Trung tá Kiên, hè là thời điểm dịch dại bùng phát nên chó rất dễ phát cuồng cắn người vô cớ. Các gia đình phải tiêm phòng dại định kỳ cho chó đầy đủ. Khi bị chó cắn vào vùng nhiều dây thần kinh như gần đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục, lòng bàn tay… cần đi tiêm phòng vắc-xin ngay. Nếu bị chó cắn vào các bộ phận khác của cơ thể có thể trì hoãn tiêm phòng nhưng phải theo dõi sát sức khỏe của con vật. Nếu không theo dõi được hoặc chó chết trong vòng 10 ngày thì phải tiêm phòng. Người dân tuyệt đối không điều trị chó cắn bằng thuốc nam, không tự chữa… bởi khi đã lên cơn dại, bệnh nhân vô phương cứu chữa.

Đối với những gia đình nuôi chó dữ làm cảnh, nhất thiết không được trẻ em chơi đùa với chó. Trẻ em là đối tượng không có sức phản kháng để tự bảo vệ, không nhận biết được mức độ nguy hiểm khi sờ, nắm vào người chó. Nhiều khi, hành động khua chân múa tay của trẻ nhỏ lại làm chó tưởng đó là miếng mồi nên cắn xé. Dù con chó có được cho là hiền lành thế nào cũng không được cho trẻ em nô giỡn chơi đùa cùng, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, chó phải được xích lại vào một khu, cho vào cũi khi có người lạ vào nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.