Từ chuột, sư tử biển đến khỉ, ngựa, nhưng chó luôn là “diễn viên” được ưa thích vì trí thông minh của chúng. Nổi tiếng nhất trong số này là Don - chú chó biết nói tiếng người, được xem như một kỳ quan khoa học.
Bỗng dưng biết nói
Sinh ra ở thị trấn Theerhütte (Đức) năm 1905, Don là một chú chó săn màu nâu sẫm, thuộc sở hữu của Martin Ebers và Martha Haberland, làm nghề giữ rừng. Một ngày nọ, các chủ nhân của con vật này vô cùng kinh ngạc khi nghe nó nói… tiếng người. Theo họ, ban đầu Don nói được 6 từ và có thể xâu chuỗi lại để đưa ra câu yêu cầu hoặc ý kiến.
New York Times ra ngày 20/11/1910, có đăng bài viết về Don: Đầu tiên, chuyện chó biết nói bị mọi người xem là một trò đùa, nhưng trong suốt cả tuần sau đó, Thiershütte là điểm đến của những người hiếu kỳ, họ tin rằng Don là một con chó kỳ diệu thực sự.
Trong số này có các phóng viên, họ đến Thiershütte để phỏng vấn con chó. Người giữ rừng, Ebers, khẳng định Don bắt đầu nói vào năm 1905, mà không hề được huấn luyện dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngày nọ, con vật đi tới bàn, nơi cả gia đình đang dùng bữa, và ông hỏi: “Mày muốn một cái gì đó, phải không?”. Nó đã làm mọi người kinh ngạc, khi trả lời bằng một giọng nam trầm, “Haben, haben” (Muốn, muốn) - không phải là tiếng sủa hay gầm gừ, mà là giọng nói rõ ràng. Nó nói càng rõ hơn khi được những người chủ quan tâm đến khả năng này của nó.
Không lâu sau, câu chuyện lan truyền khắp nơi. Người ta kể, chú chó nói “Đói” khi được hỏi đang cảm thấy như thế nào. Sau đó, nó học nói được từ “Küchen” (bánh ngọt) và “Ja” và “Nein” (Đúng và Không). Dần dần Don có thể xâu chuỗi một số từ lại với nhau một cách hợp lý để nói “Đói quá, tôi muốn bánh ngọt”, khi một câu hỏi phù hợp được đặt ra cho nó.
Don cũng biết nói ruhe (Yên tĩnh hoặc nghỉ ngơi) và Haberland (tên của chủ của nó). Cuối cùng nó đã đạt được số từ vựng đến 8 từ, tất cả đều bằng tiếng Đức và rất thành thạo trong việc xâu chuỗi lại thành câu.
Tường thuật của phóng viên tờ New York Times đã khiến các nhà chức trách tại Hamburg mở cuộc điều tra liên quan đến Don và kết luận đó là một con chó kỳ diệu. Bắt đầu từ đó, chủ nhân của Don choáng ngợp với các lời đề nghị hấp dẫn từ những người quản lý rạp xiếc và sân khấu tạp kỹ, họ cạnh tranh nhau về số tiền bỏ ra để được quyền sử dụng chú chó này.
Huấn luyện viên loài vật nổi tiếng và là người sáng lập một rạp xiếc, Karl Hagenbeck quyết tâm có được con chó độc đáo này. Ông ta đã trả một khoản tiền lớn để mang Don đi trình diễn ở Hamburg và nó nhanh chóng tạo sự thu hút mạnh mẽ nơi công chúng.
Đến Mỹ lưu diễn
Con chó nói được tiếng Đức này khiến diễn viên tạp kỹ người Mỹ, Willie Hammerstein, mê mẩn, ông nghĩ Don sẽ thành công ở nước ngoài hơn là ở Đức.
Willie đã trả 50.000 USD bằng trái phiếu, tương đương khoảng 1,25 triệu USD ngày nay, cho thương vụ này. Năm 1912, Don lên đường đến Mỹ trên chiếc tàu chở khách SS Kronprinz Wilhelm. Nó được mang ra biểu diễn tại Công viên Paradise Roof của Hammersteintrên đường 42, thành phố New York, thu hút đông đảo công chúng tò mò.
Chẳng mấy chốc, Don trở thành một “ngôi sao” ở Mỹ, từng diễn chung với ảo thuật gia siêu sao Harry Houdini và diễn viên hài Sophie Tucker, cũng như các nghệ sĩ hàng đầu khác trên sân khấu tạp kỹ.
Nó cũng là “diễn viên” nổi tiếng quảng cáo cho Milk-Bone, nhãn hàng bánh quy dành cho chó trong thời gian này. Là một cái tên quen thuộc với công chúng và mặc dù chỉ nói được tiếng Đức, nhưng Don được người Mỹ yêu mến, gọi nó là “hiện tượng chó của thế kỷ”.
Sức hấp dẫn và sự nổi tiếng của chú chó nói tiếng người càng vang xa, khi Don trở thành chủ đề trên các trang báo vào tháng 8/1913. Các phóng viên tường thuật việc Don đã cứu một người đàn ông khỏi chết đuối tại bãi biển Brighton.
Người ta nghe nó hét lớn từ “Help” (Cứu), trước khi bơi ra tiếp cận người đàn ông này. Nạn nhân vòng tay qua cổ Don và cả hai suýt chết đuối, trước khi được một cảnh sát và ba nhân viên cứu hộ đến giúp sức. Sau thành tích trên, nó được tôn vinh, không chỉ là một ngôi sao giải trí và kỳ quan khoa học, mà còn là một anh hùng.
Trong nhiều năm, Don theo đoàn lưu diễn trên khắp nước Mỹ, từ Boston đến San Francisco và các thành phố lớn khác. Nó chẳng những khiến khán giả kinh ngạc, mà còn làm các nhà khoa học và chuyên gia về động vật bối rối. Lúc về già, Don trở về Đức nghỉ hưu cho đến khi qua đời vào năm 1915. Những lời cuối cùng của chú chó dường như là “Gửi lời tạm biệt đến người bạn thân Loney Haskell của tôi”.
Mặc dù có rất nhiều người chứng thực khả năng nói tiếng người của chú chó Don, trong đó có cả những nhà khoa học uy tín, nhưng không khỏi có những người hoài nghi. Họ cho rằng thực tế nó chỉ phát ra những âm thanh lạ và mọi người nghe ra những gì họ nghĩ, thông qua sức mạnh của gợi ý.
Tuy nhiên, chưa ai vạch trần được tiếng nói của con chó này là ngụy tạo, khiến người ta tự hỏi điều gì đang xảy ra với chú chó tuyệt vời này.
Đây là sự lừa bịp tinh vi hay là một kỳ quan trong thế giới loài vật? Bất kể như thế nào, chú chó Don đã đi vào lịch sử như một trong những con vật biết nói tiếng người kỳ lạ nhất chưa từng có.