Quảng Trị: Chính quyền "bó tay" trước nạn cát tặc?

GD&TĐ - Ở một số xã vùng ven của 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) nạn khai thác cát trắng trái phép diễn ra rầm rộ, khó kiểm soát...

Một điểm khai thác cát trắng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Triệu Sơn.
Một điểm khai thác cát trắng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Triệu Sơn.

Xới rừng phòng hộ để trộm cát

Việc khai thác cát trắng diễn ra tại các xã vùng ven nằm trên tuyến đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị như: Triệu Sơn, Triệu Lăng, Triệu Trạch, Triệu Vân (huyện Triệu Phong); Hải An và điểm giáp ranh giữa 2 xã Hải Quế và Hải Dương (huyện Hải Lăng). Theo phản ánh của người dân, nạn khai thác diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật.

Tình trạng này đã làm thất thoát nguồn tài nguyên, biến nhiều vùng đất cát rộng lớn thành loạt hố sâu tử thần, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và động vật nuôi. Nó còn làm mất mĩ quan và để lại nhiều hệ lụy về môi trường.

Ghi nhận tại khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Lăng và Triệu Sơn (huyện Triệu Phong), nhiều đồi cát trắng ở đây bị cày xới, khoét thành từng hố sâu từ 1 - 2m với vết xúc còn rất mới.

Những gốc tràm hoa vàng nhiều năm tuổi trong khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Triệu Sơn bị bật gốc, nằm trơ trọi trên mặt đất. Nhiều con đường dẫn vào đồi cát vẫn còn nguyên dấu vết bánh xe cơ giới vận chuyển của các đối tượng xúc trộm cát…

Ở khu rừng phòng hộ đối diện thuộc xã Triệu Lăng cũng xảy ra tình trạng tận thu cát. Cây rừng bị đào xới nằm ngổn ngang, trơ rễ, có khả năng gãy đổ bất cứ lúc nào.

Tương tự, ở khu vực đồi cát trắng được người dân địa phương gọi là đồi Con Voi, giáp ranh giữa 2 xã Hải Dương và Hải Quế (huyện Hải Lăng) cũng đang bị cát tặc cày xới. Nhiều cây rừng tại đồi cát này bị khoét còn trơ gốc nhô lên khỏi mặt đất.

Được biết, loại cát trắng phục vụ cho việc san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa cũng như các công trình khác đang được thị trường ưa chuộng nên có giá bán khá cao.

Cụ thể, cát trắng được mua tại đồi cát với giá từ 200 - 300 nghìn đồng/xe (khoảng 8m3 cát trắng); còn giá bán sẽ tùy theo quãng đường vận chuyển đến địa điểm gần hoặc xa với giá khoảng 1 - 2 triệu đồng/xe. Chỉ cần một ngày khai thác trộm cát trắng vận chuyển đi bán được vài chuyến là có thể kiếm vài triệu đồng.

Chính vì nguồn thu lớn nên nhiều đối tượng đã vào các đồi cát để khai thác trộm cát trắng đi bán. Để che mắt người dân và cơ quan chức năng, các đối tượng khai thác trộm cát trắng rồi lấy bạt phủ lên trên xe khi vận chuyển.

Những người dân ở đây cho hay, nạn khai thác cát trái phép đã diễn ra trong thời gian dài, cả ngày lẫn đêm. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền về sự việc này nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm.

Chính quyền xã “bất lực”?!

Đường dẫn vào đồi cát vẫn còn in hằn các dấu bánh xe cơ giới vào vận chuyển cát.
Đường dẫn vào đồi cát vẫn còn in hằn các dấu bánh xe cơ giới vào vận chuyển cát. 

Ông Nguyễn Hữu Vãn - Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn thừa nhận, tình trạng khai thác trộm cát trắng ở khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Sơn với xã Triệu Lăng đã diễn ra trong thời gian gần đây. Xã cũng đã tổ chức nhiều đợt truy quét, xử phạt hành chính, nhưng tình trạng khai thác trộm cát trắng vẫn chưa được ngăn chặn và khó dẹp dứt điểm.

Lý do là bởi lực lượng chức năng của xã quá mỏng, trong khi đó các đối tượng khai thác trộm cát trắng lại hoạt động chủ yếu vào thời gian khoảng 1 - 4 giờ sáng.

“Khi phát hiện các đối tượng khai thác trộm cát trắng trên địa bàn, xã đã bố trí lực lượng để bắt quả tang thì các đối tượng khai thác trộm cát trắng liền di chuyển sang địa giới hành chính của xã khác nên rất khó xử lý. Còn ban ngày, các đối tượng khai thác trộm cát trắng thường cử người canh chừng, có động tĩnh là lập tức dừng khai thác…

Một khó khăn nữa đó là khi bắt quả tang tại hiện trường mới xử lý được, còn khi cát trắng xúc lên xe chạy trên đường thì lực lượng chức năng của xã không có quyền dừng xe để kiểm tra. Khó khăn như vậy nên từ năm 2021 đến nay, mặc dù xã Triệu Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt truy quét, nhưng chỉ bắt được 3 vụ khai thác trộm cát trắng”, ông Vãn phân bua.

Còn ông Hoàng Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho rằng, khu vực đồi Con Voi nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam. Trước đây, khu vực này thuộc địa phận xã Hải Dương nhưng khi hoạch định lại thì thuộc UBND xã Hải Quế quản lý.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên sau khi cử lực lượng đến hiện trường xác minh, nắm thông tin, lãnh đạo UBND xã Hải Quế khẳng định khu vực đang bị khai thác cát trái phép thuộc địa phận xã Hải Dương (!?).

Theo lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong cho hay, ngày 28/3/2022, huyện tiếp tục có văn bản gửi UBND các xã Triệu Lăng, Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu An yêu cầu các xã nghiêm túc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Trong đó, phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác đất, cát san lấp khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Chủ tịch UBND các xã sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mình quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ