Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia. Phương án 1 chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày. Phương án 2 chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.
Đối với đề xuất kiểm soát quảng cáo rượu bia, Bộ Y tế đề xuất cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức. Các tổ chức, cá nhân không được thực hiện nội dung quảng cáo có thông tin, hình ảnh uống, thúc đẩy uống rượu, bia; thông tin không chính xác, không có cơ sở khoa học về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe; thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.
Dự thảo cũng quy định không quảng cáo rượu, bia trong các chương trình thể thao, văn hóa… dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; trên các phương tiện, sản phẩm quảng cáo dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai; trên các phương tiện giao thông; trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày; không quảng cáo trong khoảng cách 200m so với các cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, lý giải, tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng rượu bia đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia.
Cụ thể, mỗi người Việt bình quân hiện nay tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Tỷ lệ nam giới uống rượu bia cũng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người tiêu thụ 7 lít cồn mỗi năm. Trên thế giới, mức tiêu thụ này chỉ tăng từ 6,1 lít lên 6,2 lít và ổn định trong 15 năm qua. Hiện, Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu bia.
Đặc biệt, người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm.
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, nghiên cứu về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2016 cho thấy, mỗi ngày, nam giới “nạp” vào người hơn 5 ly tiêu chuẩn (mỗi ly tiêu chuẩn chứa 10 gram cồn). Trên thế giới, chỉ Việt Nam, Bồ Đào Nha và các nước bán đảo Balkan có mức tiêu thụ này.
Nguyên nhân được chỉ ra là do việc mua rượu bia ở Việt Nam quá dễ dàng. Dù bất kỳ thời điểm hay số lượng như thế nào, người có nhu cầu đều được đáp ứng. Trong khi nhiều nước trên thế giới để được phép uống rượu, bia rất khó khăn.
Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng cho rằng, xét trên góc độ lợi ích của cộng đồng, việc quy định thời gian bán và kiểm soát quảng cáo rượu bia là cần thiết do rượu bia chứa cồn gây nghiện, và đã được tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết cơ quan của cơ thể.
Trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 5/2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cũng cho biết, hiện nay, chúng ta đang thực hiện xử phạt các vi phạm giao thông sau khi sử dụng rượu bia theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 trong tháng 6/2019.