Sáng nay tôi vô tình nghe được câu chuyện giữa người mẹ và cậu bé tầm 4 tuổi. Mẹ cậu bảo: "Đừng ăn mì gói nữa, nó là kho chất độc đó con!". Cậu bé hỏi mẹ: "Kho chất độc là gì vậy mẹ?". Người mẹ đáp: "Là ăn vào sẽ chết, hiểu chưa nào?".
Tuy nhiên, sau đó, cậu bé nhìn thấy bố ăn mì gói và sáng hôm qua mẹ cậu bận quá cũng nấu 1 tô mì cho cậu bé. Cậu bé nhận ra rằng: "Sao mình ăn mì mà không chết? Phải chăng mẹ đang nói dối!". Hệ quả là trẻ đòi ăn nhiều hơn và mãnh liệt hơn.
Đây là một tình huống thật, nhưng là một hình ảnh ẩn dụ khá thường gặp cho những lời cấm đoán "không có ý nghĩa giáo dục".
Một tình huống khác có thể bạn sẽ gặp khá nhiều và mang tính nguy hiểm như trẻ vô tình uống thuốc quá liều (thường những loại thuốc ngọt và có mùi thơm), mặc dù trước đó nghe bạn cấm, nhưng trẻ vẫn thấy bạn uống khi bệnh.
Hôm nay bạn cấm trẻ ăn mì nhưng hôm sau chính bố mẹ lại ăn thì trẻ sẽ nghĩ rằng những lời đe dọa của mẹ là nói dối (Ảnh minh họa).
Sự cấm đoán không mang lại ý nghĩa giáo dục
Cha mẹ vô tình dùng sự cấm đoán với mục đích ngăn trẻ làm điều gì đó, nhưng thực tế nó lại ảnh hưởng ngược lại. Càng cấm đoán, trẻ càng muốn làm nhiều hơn, thậm chí phản kháng lại và đi ngược những cấm đoán của cha mẹ.
Đó là chia sẻ của TS Rollins, ĐH bang Pennsylvania, Mỹ. Điều này được giải thích là do sự hình thành "mong muốn tự do" của trẻ khi trẻ nhận ra điều cấm đoán là không đúng và không căn cứ, ít nhất là trẻ đã nhận ra hoặc tìm thấy một lí do để phản biện điều bạn đang cấm đoán.
Cha mẹ lạm dụng lời cấm đoán có thể làm trẻ khó chấp nhận đánh giá khách quan từ người khác và từ nhiều nguồn khác, chỉ chấp nhận ý kiến chủ quan của bản thân khi trẻ lớn.
Khi nào cấm, khi nào không?
Sự cấm đoán của cha mẹ chỉ nên áp dụng để ngăn 1 hành động/hành vi hoặc sự việc mang tính nguy hiểm đến bản thân trẻ hay người khác xung quanh trẻ và nó luôn là tạm thời. Trẻ cũng cần được biết là nó chỉ là sự cấm tạm thời thôi.
Ví dụ: "Bước xuống xe, con phải đứng yên đến lúc mẹ có thể nắm tay con". Điều này cho trẻ biết đây là 1 lời cảnh báo về sự nguy hiểm và có hiệu lực đến khi mẹ nắm tay mình.
Hoặc một ví dụ về cấm trẻ tự ý uống thuốc: "Thuốc này là của mẹ, con không được tự ý lấy, chỉ khi mẹ nhờ con lấy". Thông điệp cần rõ ràng để trẻ nhận ra vấn đề.
Quay lại ví dụ "ăn mì gói gây hại", nó sẽ là ví dụ tốt cho chúng ta nói về quan điểm và sự thật. Trẻ con cần được dạy sự thật chứ không phải quan điểm bởi vì chính trẻ mới tự hình thành quan điểm của mình dựa trên sự thật. Đó mới là cách chúng ta giáo dục trẻ.
Giống như khi chúng ta nói ăn mì gói là gây hại, là không tốt, tức là đang thể hiện quan điểm. Trên thực tế, trẻ vẫn nhìn thấy hầu như ai cũng sẽ hoặc đang ăn mì gói. Khi trò chuyện với trẻ, bạn nên cho trẻ biết sự thật và để trẻ nhận ra đánh giá, quan niệm của mình.
Cha mẹ lạm dụng lời cấm đoán có thể làm trẻ khó chấp nhận đánh giá khách quan từ người khác và từ nhiều nguồn khác (Ảnh minh họa).
Gợi ý 1 số cách bố mẹ có thể nói với con trong 1 số tình huống thường gặp
1. Con bạn rất thích mì gói
Bạn cần cho trẻ biết rằng ngoài mì có nhiều món khác, tại sao con không thử đa dạng hơn là bạn quy tội "ác" cho mì gói để cấm đoán điều trẻ thích.
Gợi ý: Mì gói cũng là một thực phẩm hàng ngày của chúng ta bởi vì mì gói cũng cung cấp nguồn tinh bột. Con biết tinh bột cũng có ở cơm, ở khoai tây và ở bánh mì. Vậy 1 tuần con nên chia sẻ các thực phẩm đa dạng chứa tinh bột với mì gói đúng không nào?
2. Trẻ biếng ăn và không chịu ăn gì, chỉ chịu ăn mì hoặc bún
Đừng quá lúng túng, mà hãy thông thái tìm chìa khóa để giúp trẻ ăn đa dạng từ cái trẻ đang thích. Hãy nghĩ đến giải pháp về cách phối hợp như thêm rau củ quả hoặc thịt cá.
3. Trẻ thích ăn bánh kẹo thì làm thế nào để trẻ con hiểu về bánh kẹo, từ đó có thể tự rút ra nhận thức cho bản thân
Có thể dùng hình ảnh trực quan để kiểm soát sở thích ăn kẹo ngọt của trẻ thay vì cấm đoán (Ảnh minh họa).
Thực tế, trẻ con bé nào cũng thích bánh kẹo, rất khó cấm được, trừ khi bạn không giới thiệu bánh kẹo cho trẻ trước 5 tuổi. Khi đó, trẻ không hình thành liên kết gắn bó với vị ngọt và béo của bánh kẹo thì trẻ sẽ không ăn, ít ăn hay có thể kiểm soát được lượng ăn. Nhưng nếu trẻ đã biết đến bánh kẹo trước độ tuổi trên thì gần như rất khó.
Bạn có thể dùng hình ảnh trực quan để giúp trẻ nhận ra "Tại sao chúng ta nên hạn chế ăn 1 viên/ngày hoặc 3 viên/tuần và phải đánh răng sau mỗi lần ăn". Có thể dùng hình ảnh con sâu trên răng và chiếc răng bị lỗ khuyết.
Đừng dọa trẻ là sâu răng con sẽ gặp bác sĩ mà đơn giản chỉ cần nói: "Nếu con ăn nhiều hơn lượng này, thì răng con có thể bị con sâu nhỏ xíu đục 1 cái lỗ và chúng ta cần đến gặp bác sĩ để bắt con sâu". Thông điệp rõ ràng này sẽ cho trẻ biết điều gì cần làm để tốt hơn.
4. Bạn lo lắng vì mì gây nóng cho cơ thể, có hóa chất gây ung thư hoặc ăn mì có oxalic gây hại thận
Với trẻ, khi bạn gieo vào tiềm thức của trẻ những điều này, trẻ chưa có đủ nhận thức để hiểu, do đó tìm kiếm sự phủ định rất nhanh và khi đó trẻ cảm thấy không đúng.
Thực tế, mì gói ra đời năm 1958 tại Nhật và với bằng chứng khoa học đến nay, những quan điểm như gây nóng, ung thư hay hại thận khi ăn mì gói là chưa có căn cứ để chứng minh (Theo báo cáo gần đây của nhóm TS Sikander, ĐH Lahore).
Hoặc bạn lo ngại việc mì sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Thật ra với công nghệ sản xuất hiện đại thì dầu chiên mì được bổ sung mới liên tục khi các lượt mì đi qua chảo chiên. Chất lượng dầu cũng được đo kiểm kỹ càng vì Luật Việt Nam hay Ủy ban tiêu chuẩn Quốc tế Codex đều đưa ra các tiêu chuẩn về mức độ oxy hóa của dầu dựa trên chỉ số Acid Value (AV).
Việc đưa ra quan điểm chưa có căn cứ sẽ không tốt bằng việc hướng dẫn trẻ cách tự tìm quan điểm cho mình.
Với trẻ con, chúng luôn cần được dạy về sự thật, trẻ sẽ tự hình thành quan điểm của riêng trẻ dựa trên sự thật. Nếu làm tốt điều này, trẻ sẽ là người có tư duy phán đoán và nhận định khách quan. Cấm đoán cũng cần dựa trên sự thật, cấm đoán dựa trên quan điểm sẽ làm trẻ dễ phủ định và trở nên khó nghe lời.
Nhà giáo dục người Mỹ, bà Mona Crane từng chia sẻ: "Có 3 cách để bạn hoàn tất 1 điều gì đó: 1. Hãy làm nó ngay! 2. Thuê ai đó làm cho bạn. 3. Cứ cấm con bạn làm".