Vì sao bệnh nhân tim mạch thường mất ngủ?

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã tiến rất gần đến nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ ở các bệnh nhân tim mạch.

Những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim thường có sự suy giảm về mức độ melatonin trong máu. Ảnh minh họa.
Những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim thường có sự suy giảm về mức độ melatonin trong máu. Ảnh minh họa.

Rất có thể, “thủ phạm” là một nhóm dây thần kinh bị tổn thương.

Kết quả đột phá

Một bài báo được công bố trên tạp chí science.com cho biết, những người mắc bệnh tim mạch còn gặp phải vấn đề về giấc ngủ. Sau nhiều nghiên cứu, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được mối liên hệ trực tiếp của tình trạng này. Lý do là bệnh tim nhiều khả năng phá vỡ quá trình sản xuất hormone giấc ngủ melatonin trong não bằng cách gây tổn thương một nhóm dây thần kinh.

Theo mô tả, những dây thần kinh này được phát hiện ở cổ, thuộc hệ thống thần kinh tự trị, với chức năng điều chỉnh chính như nhịp thở và nhịp tim. Các dây thần kinh này khởi đầu từ nhóm thân cổ trên (SCG), kết nối với cả tim và tuyến tùng, bộ phận có vị trí nằm sâu bên trong não bộ.

Đặc biệt, tuyến tùng vẫn được xem là cơ quan khá “bí ẩn”, có chức năng chính là sản xuất và điều chỉnh một số loại hormone, như bài tiết ra melatonin có vai trò điều chỉnh nhịp sinh học trong cơ thể, phát các tín hiệu như buồn ngủ, thức dậy, mệt mỏi hay tỉnh táo trong ngày…

Các vấn đề về tim mạch đều có thể làm chậm quá trình tạo ra melatonin trong cơ thể. Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Stefan Engelhardt (Đại học Kỹ thuật Munich) cho biết: “Để dễ hình dung thì hiện tượng này giống như công tắc điện. Với bệnh nhân tim mạch gặp phải rối loạn giấc ngủ, điều đó giống như việc một dây dẫn gặp vấn đề dẫn đến cháy hộp công tắc rồi lan sang dây khác”.

Trong khi đó, trợ lý giáo sư khoa học y tế tại Đại học Columbia, bà Brooke Aggarwal chia sẻ rằng thành quả thu được từ nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng và kịp thời trong điều trị, phục hồi bệnh nhân tim mạch.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đã mở ra hướng đi mới để giải thích rõ vì sao những người mắc bệnh tim, tiền sử tim mạch dễ bị rối loạn giấc ngủ, đồng thời chuyên gia Brooke Aggarwal nhấn mạnh, các thử nghiệm lâm sàng cần phải được tiến hành trong tương lai để có những phương pháp chữa trị xuất phát từ cơ chế này.

Khó ngủ là một triệu chứng phụ thường thấy của bệnh tim. Hơn 73% số người suy tim phải đối mặt rối loạn giấc ngủ, điều đó khiến cho quá trình chữa bệnh, hồi phục khó khăn và kéo dài hơn. Các nghiên cứu trước đây đã hiểu suy giảm melatonin giảm ở những người mắc bệnh tim khiến họ mất ngủ, song các nhà khoa học chưa tìm ra lý do giải thích thỏa đáng.

Trong nghiên cứu mới, Giáo sư Stefan Engelhardt và các cộng sự phân tích các mẫu mô não từ những bệnh nhân mắc bệnh tim đã qua đời và từ những người không mắc bệnh tim. Từ những kết quả thu được, các nhà khoa học thấy rằng, số lượng sợi thần kinh hoặc sợi trục trong SCG của những người mắc bệnh tim ít hơn so với người không mắc bệnh tim.

Thậm chí, SCG của những người mắc bệnh tim có sự biến dạng, hoặc xuất hiện sẹo. Điều đó cho thấy nó bị tổn nghiêm trọng.

Nhóm dây thần kinh ở hạch thần kinh cổ (SCG) được nối với tuyến tùng ở trong não. Ảnh minh họa.

Nhóm dây thần kinh ở hạch thần kinh cổ (SCG) được nối với tuyến tùng ở trong não. Ảnh minh họa.

Cần thêm luận cứ khoa học

Với những thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học phát hiện ra tại SCG của chuột mắc bệnh tim, hệ thần kinh của loài gặm nhấm này cũng thể hiện những dấu hiệu của sẹo, tổn thương. Những con chuột mắc bệnh cũng có ít melatonin trong máu hơn so với những con chuột khỏe mạnh.

Nhịp sinh học, quá trình diễn ra trong cơ thể, điều hành cách cơ thể phản ứng với ngày và đêm của loài này cũng bị can thiệp, điều đó được thể hiện qua sự thay đổi của tỉ lệ trao đổi chất và mức độ hoạt động của chuột.

Mặc dù vậy, kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Stefan Engelhardt đứng đầu mới chỉ được tiến hành trên diện hẹp, 16 người và cùng một số thí nghiệm khác trên loài chuột.

Thế nên, những phát hiện mang tính “đột phá” này vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu các cơ chế thúc đẩy tế bào miễn dịch đến SCG. Điều này có thể liên quan đến việc nghiên cứu các tế bào thần kinh liên kết tim và tủy sống.

Nhưng với những gì đạt được, Giáo sư Stefan Engelhardt và các cộng sự tin tưởng sẽ mang đến hướng đi mới cho việc phát triển các loại thuốc điều trị chứng rối loạn giấc ngủ do bệnh tim gây ra.

“Điều chúng tôi cần làm ở giai đoạn kế tiếp là tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên để xác định rõ vai trò của can thiệp bằng melatonin trong việc điều trị rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân mắc bệnh tim mãn tính. Nếu thành công, thì rất nhiều bệnh nhân tim sẽ tránh được những tác dụng phụ từ thuốc ngủ thông thường” - Giáo sư Stefan Engelhardt cho biết.

Melatonin là một trong những hormone của tuyến tùng có khả năng điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể, giúp kiểm soát được chu kỳ giấc ngủ hàng ngày. Trên thực tế, chất lượng giấc ngủ có tỉ lệ thuận với lượng melanin được sản xuất ra ở tuyến tùng. Ở những người bị rối loạn giấc ngủ như bệnh nhân tim mạch, melatonin giúp làm giảm thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ, thúc đẩy việc bắt đầu một giấc ngủ mới.

Theo science.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.