Không chỉ là một đại thần nổi tiếng phục vụ qua 7 đời vua triều Nguyễn, Bùi Văn Dị còn là nhà khoa bảng duy nhất trong lịch sử được ban đỗ từ Phó bảng lên Tiến sĩ và được khắc tên riêng trên một bia.
Vị Phó bảng yêu nước
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chiêm trũng vùng Đông Nam châu thổ sông Hồng, nối nghiệp nhà, Bùi Văn Dị đã được thân phụ hướng theo con đường khoa cử chính thống và sớm bộc lộ tư chất thông minh của mình.
Cả cuộc đời hoạt động và quan lộ của mình, Bùi Văn Dị đã phụng sự trải qua 7 đời vua triều Nguyễn: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái.
Các tư liệu lịch sử và dòng họ Bùi ở làng Châu Cầu (nay thuộc TP Phủ Lý, Hà Nam) đều thống nhất, Bùi Văn Dị còn được gọi là Bùi Dị, tự là Ân Niên, sinh ngày 28 tháng 3 năm Quý Tỵ (tức 17 tháng 5 năm 1833) trong một gia đình nho học, có bố là Bùi Văn Hy, từng đỗ Tú tài thời vua Minh Mạng.
Bùi Văn Dị đỗ Tú tài, Cử nhân khá sớm - khoảng năm 1855, nhưng mãi đến năm Tự Đức thứ 18 nhằm khoa Ất Sửu (1865) ông mới vào Huế dự thi Hội. Sau đó, kỳ thi Đình diễn ra và ông đạt học vị Phó bảng cùng người em con ông chú ruột là Bùi Văn Quế.
Sau khi thi đỗ, Bùi Văn Dị được bổ làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng (thuộc tỉnh Bắc Ninh xưa) rồi làm Án sát Ninh Bình. Sau đó, ông được triệu về kinh đô Huế, giữ chức Nội các sự vụ Thị lang bộ Lễ, tiếp theo là Tham tri bộ Lại. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), ông được cử ra lo việc chống ngăn.
Từ năm 1876 - 1878, ông được cử làm Chánh sứ, dẫn đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc). Cuối năm 1878, ông lại được sung vào Nội các, lại được cử duyệt quyển thi Hội, thi Đình.
Năm 1881, ông nhận chức Quản lý Thương bạc sự vụ đại thần. Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông dâng sớ xin quyết đánh trả, và được làm Phó Kinh lược sứ Bắc Kỳ.
Ở đất Bắc, Bùi Văn Dị đối đầu với đối phương một vài trận, nhưng nổi tiếng là trận Gia Lâm, ông đã cùng với Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, Nguyễn Cao, Trần Xuân Soạn cùng hợp quân để tập kích quân Pháp đang ấn ra ngoại vi Hà Nội vào ngày 19 - 20 tháng 2 âm lịch (27 - 28 tháng 3 năm 1883).
Kết cục, phía đối phương chết và bị thương gần 30 quân, số lính còn lại phải kéo nhau xuống tàu rút chạy về cố thủ ở Đồn Thủy. Được tin cậy, ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh.
Năm 1883, triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước với Pháp (Hòa ước Quý Mùi), ra lệnh ông và một số tướng lĩnh khác phải bãi binh. Ông buồn rầu, chán nản lấy cớ bệnh xin từ chối chức Tổng đốc Ninh – Thái.
Đầu năm 1884, ông lại được triệu về triều làm giảng quan chuyên giảng sách cho vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi. Năm 1885, ông bị ốm phải đi dưỡng bệnh tại Hải Quật (Yên Định, Thanh Hóa). Đến năm 1887, ông lại được triệu vào kinh làm giảng quan cho vua Đồng Khánh, rồi dần đảm đương nhiều chức vụ khác.
Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889), ông xin thôi giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại và Phụ chính đại thần, mà chỉ còn giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán.
Bùi Văn Dị là vị Phó bảng duy nhất trong lịch sử được dựng bia Tiến sĩ. Ảnh minh họa. |
Trường hợp hiếm của lịch sử khoa bảng
Một số nguồn sử liệu ghi rằng, khoảng thời gian 1889, nhà vua sắc tứ cho ông đỗ Tiến sĩ, bởi khoa thi Hội năm Ất Sửu (1865) ông đã đỗ trúng cách vào hạng chính, lẽ ra phải là Tiến sĩ, nhưng không hiểu sao khi vào thi Đình, ông lại bị xếp xuống Phó bảng.
Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” NXB Khoa học 1993, PGS.TS Ngô Đức Thọ chủ biên đã chép: “Năm Thành Thái thứ 2 (1890), ông dự thi Hội, chánh bảng trúng cách, được ban đồng Tiến sĩ”.
Lần giở lịch sử vào năm Thành Thái thứ 2 (1890) không có khoa thi. Vua Thành Thái xét trong hàng quan chức thấy Bùi Văn Dị có nhiều đóng góp, tuy chỉ có học vị Phó bảng nhưng có những kỳ thi Hội ông được nhà vua cử vào hàng ngũ quan trường duyệt quyển.
Xét công lao và thực tài, lại vâng mệnh chỉ của Thái hoàng thái hậu Từ Dũ, vua Thành Thái đặc cách gia ân ban cho Bùi Văn Dị học vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân của khoa thi năm Ất Sửu niên hiệu Tự Đức 18 (1865). Để chứng tỏ đặc ân này không mang tính hình thức, triều đình ban cho ông đủ nghi thức áo, mũ, cân đai... như một vị Tiến sĩ tân khoa, đồng thời cho dựng riêng một tấm bia Tiến sĩ ở tại Văn miếu Huế ghi rõ hành trạng, tên tuổi của ông.
Như vậy, Bùi Văn Dị là vị Phó bảng duy nhất trong lịch sử khoa bảng được dựng bia Tiến sĩ. Thông tin này từng gây bàn cãi tranh luận trong giới lịch sử về tính thực hư. Tuy nhiên, dựa vào 32 tấm bia Tiến sĩ ở Văn miếu Huế có thể dễ dàng xác định tính chính danh.
Cụ thể, thời Minh Mạng (1820 - 1840) có 6 bia khắc tên 56 Tiến sĩ trong 6 khoa thi Hội. Thời Thiệu Trị (1841 - 1847) có 5 bia khắc tên 48 Tiến sĩ. Thời Tự Đức (1848 - 1883) có 10 bia khắc tên 91 Tiến sĩ. Thời Kiến Phúc (1884) chỉ có 1 bia khắc tên chung của 14 Tiến sĩ của 2 khoa thời Tự Đức và 1 khoa thời Kiến Phúc.
Sang thời Thành Thái (1889 - 1907) có 6 bia khắc tên 59 Tiến sĩ của 7 khoa và 1 tấm bia đặc biệt (số hiệu 24) dựng năm 1890 dành riêng để khắc bài dụ cho phép Bùi Ân Niên (Bùi Văn Dị) đã đỗ Phó bảng khoa 1865 nay được đổi ra đỗ “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân”. Thời Duy Tân có 2 bia khắc tên 10 Tiến sĩ, thời Khải Định có 2 bia khắc tên 14 Tiến sĩ.
Như vậy, tổng 32 bia ở Văn miếu Huế, triều đình nhà Nguyễn cho khắc tên 293 Tiến sĩ, gồm 292 người đỗ hạng Chánh bảng trong 39 khoa thi Hội và 1 người (Bùi Văn Dị) được đặc ân nâng từ hạng Phó bảng (khoa thi 1865) lên hạng Chánh bảng (1890) - một mình một bảng.
Tác gia có tiếng thời Nguyễn
Một trong những tài liệu lưu trữ về danh sĩ Bùi Văn Dị tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. |
Khoa cử triều Nguyễn được giới sử gia đánh giá là hết sức nghiêm túc và công bằng. Trong tất cả các khoa thi từng diễn ra, giám khảo và thí sinh vi phạm quy định đều bị giáng phạt nặng.
Con em của hoàng tộc, hay trọng thần theo điển lệ tập phong ấn tước như: Vương, công, hầu, bá, tử, nam. Còn các học hàm, học vị như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân, Tú tài nếu thi không đỗ thì dù người đó là con ai, ở cương vị nào cũng không được ban tặng.
Bởi thế, sự kiện Bùi Văn Dị được ân xét từ Phó bảng lên Tiến sĩ không chỉ thể hiện sự công bằng, mà còn là trường hợp vô tiền khoáng hậu của lịch sử khoa bảng vốn rất nghiêm ngặt của triều Nguyễn. Điều này cũng chứng minh tài năng xứng đáng của Bùi Văn Dị.
Không chỉ là một đại thần liêm chính, Bùi Văn Dị còn là một danh sĩ, một tác gia nổi tiếng đương thời. Không chỉ là người lo việc tổng duyệt bộ sách gồm 300 bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức, bản thân ông còn để lại nhiều trước tác giá trị cho hậu thế.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Văn Dị gồm: “Vạn lý hành ngâm” gồm 275 bài thơ được sáng tác trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc, “Dụ hiên thi thảo” gồm những bài thơ khi đi bôn ba lo việc quân vụ ở Bắc Kỳ, “Tốn Am thi thảo”, “Tốn Am thi sao”, “Du hiên tùng bút” - tập bút ký với 4,5 vạn chữ ghi những hiểu biết về Trung Quốc lúc bấy giờ, “Trĩ Chu thù xướng tập” gồm 50 bài xướng họa với các danh sĩ Trung Quốc - được in ngay tại Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn là tác giả của “Thời chính tạp biên”, “Trung châu thù ứng tập”, đồng tác giả bộ sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ”.
Năm 2014, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “Danh nhân Bùi Văn Dị trong lịch sử - văn hóa Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX” để làm rõ và vinh danh những đóng góp của danh sĩ Bùi Văn Dị trong sự nghiệp 30 năm làm quan triều Nguyễn.
Hội thảo khẳng định danh nhân Bùi Văn Dị có tiếng là vị quan thanh liêm, hết lòng vì nước vì dân. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng đều thể hiện trách nhiệm của một vị đại thần mẫu mực, một lòng phụng sự dân tộc. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ lớn thế kỷ 19 và của cả dân tộc.
Thơ ông tình ý sâu xa, thanh sảng, có lắm bài hay. Những câu đối của ông truy điệu Hoàng Diệu, Bùi Viện đạt đến tuyệt diệu. Thơ ông viết về thiên nhiên, phản ánh cuộc sống thật lúc bấy giờ... Nhìn chung, chúng đều mang một âm hưởng trầm buồn, hiếm hoi lắm mới có một niềm vui bất chợt đến. Nhưng dù buồn hay dù vui, thơ ông đều là tiếng nói chân thật của một tâm hồn giàu chất thơ.
32 bia ở Văn miếu Huế khắc tên 293 Tiến sĩ thì riêng Bùi Văn Dị một mình một bia. |
“Theo ghi chép của Cao Xuân Dục trong “Quốc triều khoa bảng lục”, có tất cả 269 người đỗ Phó bảng, nhưng trong số đó có 2 Phó bảng của chính khoa Tân Hợi (1851) là Nguyễn Thái và Vũ Duy Thanh đã đi thi tiếp và đỗ Chánh bảng khoa Cát sĩ tổ chức cùng năm 1851, và 1 Phó bảng đặc biệt là Bùi Văn Dị nên Phó bảng của triều Nguyễn chính xác là 266 người”.