Vi phạm tại Trường Đại học Trưng Vương đã được khắc phục thế nào?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT có kết luận chỉ ra những tồn tại, sai phạm trong công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường Đại học Trưng Vương.

Sinh viên Trường Đại học Trưng Vương.
Sinh viên Trường Đại học Trưng Vương.

Hội đồng trường, Ban giám hiệu Trường Đại học Trưng Vương tổ chức họp kiểm điểm đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng (trong thời kỳ thanh tra) có liên quan đến hạn chế, thiếu sót, xác định trách nhiệm đối với trưởng các đơn vị nêu tại kết luận thanh tra.

Một số vi phạm

Thanh tra Bộ GD&ĐT có Kết luận số 03 (ngày 25/1/2024) chỉ ra hàng loạt những tồn tại, sai phạm trong công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường Đại học Trưng Vương (trụ sở ở Tam Dương, Vĩnh Phúc).

Kết luận thanh tra đánh giá, Trường Đại học Trưng Vương đã kiện toàn Hội đồng trường và Ban giám hiệu theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, đồng thời đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục và được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Trường Đại học Vinh) công nhận năm 2023.

Nhà trường đã xây dựng được hệ thống văn bản, quy định nội bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, tổ chức tuyển sinh, đào tạo các trình độ hiện tại của trường. Đồng thời, thực hiện công khai thông tin tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra một số vi phạm của Trường Đại học Trưng Vương trong quá trình thực hiện tuyển sinh, quản lý đào tạo. Trong đó có vi phạm về công tác tuyển sinh; tổ chức quản lý đào tạo; bảo đảm điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu đào tạo ngành tại thời điểm thanh tra.

Trong đó, về tổ chức tuyển sinh, thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2020, 2021 của Trường Đại học Trưng Vương thông tin về phương thức chưa đúng theo đề án đã công bố.

“Hành vi thông báo tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin năm 2020, năm 2021 và năm 2022 của Trường Đại học Trưng Vương vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục...”, Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu.

Về kết quả tuyển sinh, năm 2020, trường tuyển đại học vừa làm vừa học khối ngành III 747 sinh viên/100 chỉ tiêu thông báo, vượt 647 chỉ tiêu (tương đương 647%); khối ngành VI trường tuyển 34 sinh viên/30 chỉ tiêu thông báo, vượt 4 chỉ tiêu (tương đương 13,3%).

Năm 2021, trường tuyển đại học liên thông vừa làm vừa học là 108 sinh viên/54 chỉ tiêu theo năng lực tuyển sinh, vượt 54 chỉ tiêu (tương đương 100%). Cũng trong năm 2021, ngành Luật Kinh tế trình độ thạc sĩ, Trường Đại học Trưng Vương tuyển sinh vượt chỉ tiêu và Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 169 (29/12/2022) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trường Đại học Trưng Vương về hành vi vi phạm này.

Năm 2022, lĩnh vực sức khỏe hệ vừa làm vừa học, Trường Đại học Trưng Vương tuyển 536 sinh viên/64 chỉ tiêu vượt 472 chỉ tiêu (tương đương vượt 737,5%). Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, mất cân đối trong công tác tuyển sinh giữa trình độ đại học chính quy và đại học vừa làm vừa học.

Bên cạnh công tác tuyển sinh, Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra hàng loạt tồn tại trong công tác tổ chức quản lý đào tạo. Đơn cử, chương trình đào tạo ngành điều dưỡng chưa đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 111/2017 của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe.

Đến thời điểm thanh tra, Trường Đại học Trưng Vương chưa thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hồ sơ của một số sinh viên, học viên trúng tuyển nhập học chưa đủ giấy tờ theo quy định của quy chế tuyển sinh, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.

Trường Đại học Trưng Vương cũng sử dụng giáo trình/sách của cơ sở giáo dục khác đã xuất bản và được trường đưa vào trong đề cương chi tiết môn học cùng chương trình đào tạo.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra, tỷ lệ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy trong chương trình đào tạo chưa đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT... Trường Đại học Trưng Vương thực hiện đào tạo tại địa điểm Hà Nội là vi phạm quy định.

Trước những tồn tại, vi phạm trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác tuyển sinh và các khoa liên quan của nhà trường.

Học sinh quan tâm đến công tác tuyển sinh của Trường Đại học Trưng Vương.

Học sinh quan tâm đến công tác tuyển sinh của Trường Đại học Trưng Vương.

Kiểm điểm, khắc phục tồn tại

Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị các biện pháp xử lý, trong đó xử lý về hành chính: Yêu cầu Trường Đại học Trưng Vương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm (nếu có) của cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo. Báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ GD&ĐT sau 30 ngày kể từ ngày kết luận được ban hành.

Vậy với những sai phạm, thiếu sót như Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra, Trường Đại học Trưng Vương đã khắc phục xử lý như thế nào? Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trịnh Minh Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã có Báo cáo số 79 gửi Thanh tra Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện Kết luận số 03 (ngày 25/1/2024) của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, ngay sau khi có kết luận Thanh tra, Hội đồng trường, Ban giám hiệu Trường Đại học Trưng Vương họp tổ chức kiểm điểm đối với Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng (trong thời kỳ thanh tra) có liên quan đến hạn chế, thiếu sót nêu tại kết luận thanh tra.

Đồng thời, tổ chức họp xác định trách nhiệm đối với trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan. Đơn cử như Phòng Đào tạo, Phòng Thanh tra - Pháp chế, các khoa và đơn vị, cá nhân có liên quan đến hạn chế, thiếu sót.

“Trường Đại học Trưng Vương đã thực hiện nộp số tiền 130 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 17 ngày 2/2/2024 của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT...”, ông Trịnh Minh Trường thông tin.

Về công tác quản lý đào tạo trình độ đại học theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Trưng Vương đã bổ sung đội ngũ giảng viên các ngành nói chung và ngành điều dưỡng nói riêng đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Cụ thể, giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng để đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về quy chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và đào tạo.

Trong đó giảng viên thỉnh giảng tính theo năm học chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo. Với giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần chương trình đào tạo.

Với đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Trưng Vương đã giao Phòng Đào tạo tham mưu xác định chỉ tiêu, xây dựng đề án tuyển sinh đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.

Đại diện Ban giám hiệu Trường Đại học Trưng Vương cũng nhấn mạnh rằng, nhà trường thực hiện nghiêm kết luận Thanh tra Bộ GD&ĐT. Đồng thời đã và đang làm tốt công tác giáo dục và đào tạo cho sinh viên. Vì vậy, tân sinh viên tới đây cũng như sinh viên đang theo học yên tâm về chất lượng giáo dục và đào tạo tại nhà trường.

Theo thông báo tuyển sinh, năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Trung Vương sẽ tuyển sinh 14 chương trình đào tạo với 2 phương thức tuyển sinh. Cụ thể, nhà trường xét tuyển kết quả học tập bậc THPT của 2 học kỳ lớp 12 hoặc 3 học kỳ (học kỳ I, II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) được ghi trong học bạ hoặc chứng nhận tương đương, bên cạnh đó là xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ