Lần đầu tiên tuyển sinh chương trình Quản trị công nghệ giáo dục

GD&TĐ - Năm học 2019, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) bắt đầu tuyển sinh chương trình Quản trị công nghệ giáo dục với 55 chỉ tiêu. Hiện đây là cơ sở giáo dục ĐH duy nhất tại Việt Nam đào tạo chương trình này.

Sinh viên Trường ĐH Giáo dục sử dụng bảng tương tác, kính VR trong dạy học, thiết kế bài giảng
Sinh viên Trường ĐH Giáo dục sử dụng bảng tương tác, kính VR trong dạy học, thiết kế bài giảng

TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục) – cho biết: Điểm mới hấp dẫn sinh viên theo học chương trình này chính là phần thực tập chuyên ngành được tiến hành tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tập đoàn giáo dục, công ty thiết bị trường học và một số cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ giáo dục... theo tiếp cận học tập trải nghiệm, nghiên cứu và thực hành hội nhập sâu vào nghề nghiệp ngay từ học kì 6.

Bám sát nhu cầu công việc hiện nay và tương lai trong các nhà trường, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ, đáp ứng các yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực làm việc và khởi nghiệp, chương trình Quản trị công nghệ giáo dục được triển khai linh hoạt, mềm dẻo (kết hợp học tập hỗn hợp Blended Learning) theo mô hình phối thuộc giữa Trường ĐH Giáo dục, ĐH Công nghệ, Viện Công nghệ thông tin trong ĐHQGHN với các hệ chính qui, bằng thứ hai và vừa làm vừa học.

Theo TS Tôn Quang Cường, năm 2018, Trường ĐH Giáo dục đã ban hành chương trình đào tạo cử nhân Quản trị công nghệ giáo dục (gồm 136 tín chỉ) được thực hiện theo hướng áp dụng các công nghệ mới trong giáo dục, dạy học tích cực, tăng cường thực hành, dạy học dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, khuyến khích tạo ra các sản phẩm đầu ra có khả năng ứng dụng cao.

Chương trình triển khai theo hướng tăng thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, thảo luận, thực hành theo mô hình dự án học tập, tạo sản phẩm ứng dụng cụ thể.

Sinh viên Trường ĐH Giáo dục sử dụng bảng tương tác trong dạy học, thiết kế bài giảng
Sinh viên Trường ĐH Giáo dục sử dụng bảng tương tác trong dạy học, thiết kế bài giảng 

Sinh viên có thể lựa chọn một trong 2 hướng ngành trong giai đoạn học tập của mình (vào học kì 5 và 6), đó là: Quản trị hệ thống thông tin trong giáo dục và đào tạo trực tuyến, ứng dụng các công nghệ mới trong nhà trường; hoặc Thiết kế, phát triển và quản trị công nghệ giáo dục thông minh.

Với hệ thống kiến thức, kĩ năng và những trải nghiệm nghề nghiệp ngay trong giai đoạn học tập ở Trường ĐH Giáo dục, sau khi tốt nghiệp người học có thể đảm nhận ngay các vị trí việc làm cụ thể sau:

Chuyên viên quản trị hệ thống công nghệ trong giáo dục tại các cơ quan quản lí giáo dục, cơ sở giáo dục, các bậc/cấp học;

Quản trị viên hệ thống giáo dục (hệ thống CNTT, thiết bị trong nhà trường), đào tạo trực tuyến;

Nghiên cứu viên thiết kế, phát triển nội dung, học liệu số (web, video, truyền thông đa phương tiện trong giáo dục…) tại các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong giáo dục;

Chuyên viên/quản trị viên ứng dụng công nghệ giáo dục trong quản lý hành chính và triển khai dạy học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo (cấp phổ thông, bậc cao đẳng, đại học, trường dạy nghề…);

Chuyên viên/quản trị viên trong các tập đoàn, cơ sở giáo dục trong nước, công ty nước ngoài hoạt động về lĩnh vực liên quan (phát triển các hệ thống học liệu điện tử, lập trình, khai thác phần mềm giáo dục, hệ thống thiết bị giáo dục thông minh…);

Nhà phát triển ứng dụng - “Apps developer”, chuyên viên phát triển ứng dụng trên thiết bị di động, phát triển các Start-up trong lĩnh vực giáo dục…;

Cử nhân Quản trị Công nghệ giáo dục có khả năng học tập và nghiên cứu tiếp ở các bậc học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) thuộc các chuyên ngành liên quan về giáo dục, quản lí giáo dục tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.