Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng

GD&TĐ - Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động “Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”.

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm biểu dương và tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề cao.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm biểu dương và tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề cao.

Lý do đề xuất Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Ngày 4/10 là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là ngày được tổ chức thống nhất trong toàn quốc với mục đích biểu dương và tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề cao, kỹ năng nghề xuất sắc.

Bộ LĐ,TB&XH cho biết, Liên Hợp Quốc ngày càng quan tâm đến đề cao vai trò, tôn vinh người lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động trẻ. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 15/7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới kể từ năm 2014.

Hằng năm, một số nước trên thế giới tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia và Tuần lễ Kỹ năng quốc gia. Cụ thể như nước Úc tổ chức Tuần lễ Kỹ năng quốc gia, nước Anh tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia…

Đồng thời, vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu. Đây là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Việt Nam đã tham gia Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới với 84 tổ chức thành viên từ trên 60 quốc gia, trong đó có nhiều nước phát triển. Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức. Trong đó khuyến khích tổ chức các hoạt động và sự kiện để kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Vai trò, giá trị của lực lượng lao động và trình độ kỹ năng của người lao động đã được tổ chức này công nhận.

Nước ta đã có những ngày kỷ niệm để tôn vinh người lao động trong một số lĩnh vực ngành, nghề như: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2); Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6); Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Bên cạnh đó, hằng năm có các sự kiện tôn vinh người lao động nói chung nhân Ngày Quốc tế lao động (1/5).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một ngày cụ thể tôn vinh kỹ năng lao động ở tất cả các lĩnh vực ngành, nghề. Do đó, việc có “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” là hết sức cần thiết vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới. Đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ,TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ngày 1/10/2020 về việc lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. 

Nâng tầm kỹ năng lao động phục hồi và ổn định sau đại dịch

Ngày Kỹ năng năng lao động năm 2021 hướng theo thông điệp “Đồng hành nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề”. Đặc biệt là đặt trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng to lớn bởi đại dịch Covid-19 mà trực tiếp là thị trường lao động và việc làm của người lao động. Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, chuỗi cung ứng lao động đã tạo nhiều thách thức đối với người lao động. Điều này xảy ra ở trong cả giai đoạn ứng phó lẫn phục hồi sau đại dịch.

Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ tới thế giới việc làm và tạo ra các “khoảng trống” về kỹ năng. Điều đó đòi hỏi người lao động cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Có như vậy mới giúp người lao động ổn định, duy trì và chuyển đổi việc làm.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã trình đề xuất Chủ tịch nước gửi thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Trong bức thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi toàn thể người lao động trong cả nước không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc.

Chủ tịch nước cũng cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kỹ năng lao động. Trên thực tiễn, lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, người lao động Việt Nam luôn phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, góp phần đưa nước ta sớm chiến thắng dịch bệnh và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng trong giai đoạn tới” - Chủ tịch nước khẳng định trong bức thư.

Thư kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào đúng ngày 4/10 năm nay thể hiện sự chia sẻ, thấu hiểu. Đó cũng là cam kết của toàn bộ hệ thống chính trị sẽ thực hiện những giải pháp tốt nhất giúp lao động học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời ổn định cuộc sống và sản xuất không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà còn trong yêu cầu của thời kỳ mới. Ở đó, khoa học kỹ thuật và dịch chuyển lao động luôn là thách thức nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để những lao động có kỹ năng nghề nghiệp giỏi sẽ được tôn vinh xứng đáng.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu trình Chính phủ các chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể. Điều này nhằm quyết liệt đổi mới công tác phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời thực hiện tốt chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ