Vi khuẩn Salmonella có thể gây tử vong và cách phòng tránh

GD&TĐ - Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ đến rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Vi khuẩn Salmonella sống được hai đến ba tháng trong nước đá.
Vi khuẩn Salmonella sống được hai đến ba tháng trong nước đá.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, Salmonella là một loại vi khuẩn sống trong phủ tạng của gia cầm, gia súc và tràn vào thịt khi những con vật này bị mổ.

Salmonella là một trong những thủ phạm chính gây ngộ độc thực phẩm vào mùa hè. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ đến rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

“Thủ phạm” gây ngộ độc thực phẩm

Mới đây, 387 học sinh Trường Ischool Nha Trang phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại trường. Tối ngày 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) cho thấy, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, Salmonella là một loại vi khuẩn sống trong phủ tạng của gia cầm, gia súc và tràn vào thịt khi những con vật này bị mổ.

Chúng cũng có mặt ở phân và dễ dàng “đột nhập” vào trứng gia cầm qua những lỗ nhỏ li ti ở vỏ. Salmonella là một trong những thủ phạm chính gây ngộ độc thực phẩm vào mùa hè. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ đến rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

“Bất cứ nguồn thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, trứng và hải sản và một số loại trái cây, rau quả đều có thể bị nhiễm Salmonella.

Do vậy, mọi người nên tránh ăn những loại thịt gia súc, gia cầm hay trứng sống hay chưa được nấu chín, hoặc các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng. Danh sách các thực phẩm có khả năng nhiễm Salmonella cũng bao gồm những loại được chế biến tại gia đình như sốt mayonnaise, bánh quy và kem”, TS Hồng Sơn cho biết.

Theo Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, quá trình nấu thức ăn chín kỹ có thể tiêu diệt Salmonella. Việc rửa rau quả là hết sức cần thiết trước khi chế biến. Tuy nhiên, quá trình này hầu như không thể loại bỏ được vi khuẩn Salmonella, nhất là trong giai đoạn có dịch bệnh.

Do vậy, người dân nên bỏ những thực phẩm mà thấy nghi ngờ về độ an toàn. Ngoài ra, khi các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên ăn những thực phẩm nhất định trong mùa dịch, thì có nghĩa là không nên ăn thực phẩm đó ngay cả khi đã nấu chín.

TS.BS Trương Hồng Sơn dẫn chứng, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo, mọi người nên tuân theo một số quy tắc thực hành để phòng ngộ độc thực phẩm. Trong đó, cần rửa tay sạch bằng xà phòng và nước trước, sau khi chế biến thức ăn.

Đồng thời, rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước đang chảy, không rửa trong bồn hay chậu. Sử dụng thớt và các dụng cụ nhà bếp riêng để chế biến thực phẩm sống và chín.

Vi khuẩn có ở nguồn ngoài thực phẩm

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước hai đến ba tuần, trong phân hai đến ba tháng. Trong nước đá, Salmonella sống được hai đến ba tháng. Chúng bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2 - 3 tuần; hoặc hai đến ba tháng ở 2 - 20% người nhiễm.

Bên cạnh thực phẩm, vi khuẩn Salmonella cũng xuất hiện ở một số nguồn khác. Cụ thể, những vật nuôi trong nhà có thể chứa vi khuẩn Salmonella trong ruột. Do vậy, phân của những động vật này có thể là nguồn lây nhiễm.

Một số loài động vật bao gồm: Rùa, rắn và những loài bò sát khác, gà và chim. Người dân được khuyến cáo luôn luôn rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với những động vật này, hay chất thải của chúng.

“Các triệu chứng của nhiễm vi khuẩn Salmonella bao gồm đau bụng, tiêu chảy và sốt. Triệu chứng thường khởi phát từ 12 - 72 giờ sau ăn. Phần lớn bệnh nhân chỉ cần bù nước và tự hồi phục trong vòng 4 - 7 ngày mà không cần thiết phải can thiệp y khoa. Những người bị tiêu chảy nặng sẽ cần phải truyền dịch đường tĩnh mạch”, TS Sơn cho biết.

Ngoài ra, người khỏe mạnh nhiễm vi khuẩn này không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh, trừ khi vi khuẩn từ ruột phát tán ra các cơ quan khác. Những trường hợp ngộ độc nặng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu.

TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo, để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái.

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu có điều kiện, nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh.

Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, cần cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Người đang bị một bệnh nhiễm khuẩn không nên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (chuẩn bị, chế biến, nấu nướng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ