Vị khách bí ẩn và màn đấu giá kịch tích cho bức họa đắt nhất thế giới

Alex Rotter, nhân viên nhà đấu giá Christie"s, tưởng mình đã nghe lầm khi ở đầu dây bên kia khách hàng yêu cầu anh ra giá 400 triệu USD cho bức họa "Salvador Mundi" của Da Vinci.

Alex Rotter (phải) ăn mừng cùng đồng nghiệp sau khi bán thành công bức họa Salvator Mundi của Leonardo da Vinci với mức giá kỷ lục 450,3 triệu USD. Ảnh: Getty.
Alex Rotter (phải) ăn mừng cùng đồng nghiệp sau khi bán thành công bức họa Salvator Mundi của Leonardo da Vinci với mức giá kỷ lục 450,3 triệu USD. Ảnh: Getty.

Vào một ngày tháng 11/2017 tại nhà đấu giá Christie"s ở New York, Alex Rotter thốt ra một cái giá chưa ai từng nghe thấy ở một buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật: "Bốn trăm triệu".

Đơn vị tiền tệ là những đồng dollar Mỹ, và cái giá đó được trả cho một trong những bức tranh cuối cùng của danh họa Leonardo da Vinci được sở hữu tư nhân. Nhiều người quá kinh ngạc với mức giá này đến mức những âm thanh được tạo ra từ điệu bộ há hốc miệng bất ngờ hoàn toàn có thể nghe thấy.

Không tin vào tai mình

Sau những âm thanh đó là tiếng đập búa dứt khoát của người điều hành cuộc đấu giá, và những tiếng vỗ tay vang lên rộn ràng.

Sau khi cộng các chi phí, bức họa Salvator Mundi được bán với giá 450,3 triệu USD, khiến nó trở thành bức tranh đắt giá nhất lịch sử.

Song người mua bức tranh không phải là Rotter, và đến tận bây giờ, 2 năm sau cuộc đấu giá lịch sử, vẫn chưa có thông tin chính thức về người đã bỏ ra số tiền lớn như vậy, mặc dù có những thông tin chưa được xác minh cho rằng người đó chính là thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia.

Và cũng giống như mọi người, cảm giác của Rotter là vô cùng kinh ngạc.

"Tôi nghĩ là khi chúng tôi chạm mốc 200 triệu USD thì mọi thứ sẽ kết thúc, sau đó tôi nghĩ là mọi thứ sẽ kết thúc ở 300 triệu USD, vì theo lẽ tự nhiên thì là thế", Rotter chia sẻ.

"Thật sự là tôi không rõ là khách hàng của tôi sẽ sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu. Tôi đã phải hỏi lại người đó rằng "Bạn có thật sự muốn không?" để cho người đó biết rõ về số tiền phải bỏ ra tiếp theo", Rotter cho biết.

"Thường thì tôi sẽ chỉ hỏi xem họ có đồng ý ra giá tiếp không, nhưng lần này tôi phải nói rõ rằng số tiền đã lên tới 300 triệu USD. Tôi hỏi họ: "300 triệu USD đấy, bạn có muốn ra giá 300 triệu USD bây giờ không?"".

"Khi đến mức độ này thì bạn không thể mắc lỗi - bạn không thể mắc sai lầm", Rotter nói thêm.

Mặc dù Christie"s có truyền thống về việc bảo vệ danh tính khách hàng, các thông tin cho rằng người trực tiếp ra giá là hoàng tử Saudi Badr bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan Al Saud, một người thân thiết với thái tử Mohammed bin Salman.

"Tôi không còn khái niệm về thời gian nữa, bạn có thể nói với tôi rằng tất cả chỉ diễn ra trong 2 phút. Đó là một trong những khoảnh khắc phấn khích nhất trong 20 năm kinh nghiệm của tôi", Rotter cho biết. Trên thực tế, cuộc đấu giá kéo dài 18 phút.

Vi khach bi an va man dau gia kich tich cho buc hoa dat nhat the gioi hinh anh 2
Bức Salvator Mundi được cho là đang nằm trên du thuyền Serene của thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: AP.

Công việc không dành cho người yếu tim

Sinh ra tại Áo, Rotter hiện là người đứng đầu mảng nghệ thuật đương đại và hậu chiến của Christie"s sau khi chuyển đến nhà đấu giá này từ hãng đối thủ là Sotheby"s vào năm 2016.

Người đàn ông 45 tuổi không thể tiết lộ thêm chi tiết về cuộc đấu giá bức họa "Salvator Mundi", nhưng những chia sẻ của anh về công việc trong một ngày đấu giá cho thấy sự căng thẳng, kịch tính và áp lực khi phải đưa ra quyết định về số tiền khổng lồ trong thời gian ít ỏi.

Những gì Rotter phải làm là tường thuật lại cho khách hàng của mình qua điện thoại những gì diễn ra trong buổi đấu giá, theo thời gian thực cũng như dự đoán các đối thủ có thể trả giá bao nhiêu. Mặc dù vậy, danh tính của những người mua qua điện thoại hoàn toàn được giấu kín.

Ở đầu dây bên kia hầu hết là khách hàng lâu năm, vì vậy Rotter cũng phải đưa ra lời khuyên cho họ: tác phẩm tương tự được bán ở mức giá nào, liệu có một cuộc chiến trả giá xảy ra hay không.

Tất nhiên là Rotter cũng có động lực riêng để làm điều này, bán đấu giá là ngành dựa trên hoa hồng, và số tiền mà một nhân viên đấu giá của Christie"s như Rotter có thể có được sẽ vào khoảng từ 13 đến 30% mức giá cuối cùng.

Điều làm những người ở bên ngoài thế giới này ngạc nhiên, là đôi khi những khách hàng không có con số cố định cho mức tiền họ sẽ bỏ ra.

"Tôi đã gặp những người nói rằng, "Alex, hãy mua nó đi, tôi không quan tâm giá cao như thế nào", nhưng cũng có những người nói rằng, "Tôi có giới hạn, nhưng đừng hỏi tôi giới hạn đó là gì vì tôi không muốn bị dụ dỗ", Rotter chia sẻ.

"Mỗi người đều có chiến thuật khác nhau. Nhưng tôi cũng nghĩ là có những người bị cuốn theo cuộc đấu giá. Người ta bị thu hút bởi sự cạnh tranh, và trong ngày đấu giá mà bạn tham gia, nó giống như một cuộc đua vậy. Người ta không muốn thua", Rotter nhận định.

Trong những năm gần đây, Rotter đã trở thành khuôn mặt quen thuộc ở "phone bank" trong các cuộc đấu giá, nơi một hàng dài những người như Rotter phục vụ khách hàng trả giá qua điện thoại.

Vi khach bi an va man dau gia kich tich cho buc hoa dat nhat the gioi hinh anh 3
Phone bank - nơi các nhân viên của nhà đấu giá trao đổi với khách hàng qua điện thoại. Ảnh: AFP.

Tháng 11 năm ngoái, Rotter có thêm một kỷ lục thế giới khi giúp khách hàng của mình mua thành công bức tranh Portrait of an Artist của họa sĩ David Hockney với giá 90,3 triệu USD.

Mức giá này cao hơn so với mong muốn 80 triệu USD mà nhà đấu giá Christie"s dự kiến thu về. Christie"s cũng có chiến thuật của riêng họ khi đưa ra mức giá khởi điểm rất thấp, chỉ 20 triệu USD, thay vì một mức giá bằng 30-50% giá mong muốn như thường lệ.

Canh bạc này đã đem lại hiệu quả lớn. "Rốt cuộc chúng tôi đạt được kết quả bằng cách bắt đầu với mức giá thấp để lôi cuốn khách hàng", Rotter nói.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ