Vị Hoàng giáp văn võ song toàn, là bố vợ đại thi hào Nguyễn Du

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không chỉ là bố vợ của đại thi hào Nguyễn Du, Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục còn là nhà khoa bảng nức tiếng dùng tài văn võ trị yên phản loạn.

Chùa thôn Gạo, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ, Thái Bình) ngày nay - quê vợ đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh minh họa: INT.
Chùa thôn Gạo, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ, Thái Bình) ngày nay - quê vợ đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh minh họa: INT.

Đang chịu tang vẫn dẫn quân dẹp loạn

Đoàn Nguyễn Thục (1718 - 1775) người làng Hải Yên, huyện Quỳnh Côi, nay là làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ - Thái Bình). Tên thật của ông là Đoàn Duy Tĩnh, sau vì kỵ huý hiệu chúa Trịnh Sâm là Tĩnh vương nên đổi thành Đoàn Nguyễn Thục.

Sử liệu đăng khoa lục cho biết, vào năm 1752 đời vua Lê Hiển Tông, Đoàn Nguyễn Thục đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khi 35 tuổi - đỗ Á nguyên sau Đình nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Thân (1752) ghi rằng: “Mùa Đông năm Nhâm Thân thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đô đốc Thiêm sự trí sĩ khởi phục ngũ lão Vinh Quận công Đặng Đình Trứ làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Phó Đô Ngự sử Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh làm Quyền Tri Cống cử, Bồi tụng Hàn lâm viện Thừa chỉ Đạo Phái bá Dương Công Chú làm Giám thí.

Qua bốn trường, lấy trúng cách bọn Lê Quý Đôn 6 người. Tháng 12 Điện thí. Ban cho bọn Lê Quý Đôn đỗ Cập đệ và Xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên lên đá để truyền tới lâu dài”.

Khoảng năm 1768, Đoàn Nguyễn Thục giữ chức Hiệu thư Đông các, kiêm chức Thiêm đô Ngự sử. Ông là người cương trực, uy phong khảng khái, giữ khí tiết khi làm quan trong triều, không kiêng nể che đậy – kể cả với bạn đồng liêu Dương Trọng Tế.

Lúc đó, Tiến sĩ Dương Trọng Tế bị tội ở nhà, vì có công bí mật tố cáo Trịnh Lệ và Tiến sĩ Phạm Huy Cơ mưu phản nên được bổ dụng và thăng chức. Đoàn Nguyễn Thục ghét tính hiểm ác nên dâng thư lên Trịnh Sâm, đề nghị không nên thăng chức cho Dương Trọng Tế. Trịnh Sâm khen ngợi ông và thưởng bạc, nhưng vẫn không đổi quyết định bổ dụng Dương Trọng Tế.

Vì có tang nên Đoàn Nguyễn Thục từ chức, sau đó ông được hai lần triệu ra làm quan nhưng đều từ chối. Thế nhưng, gặp lúc trong nước có cuộc nổi loạn của Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật ở Hưng Hóa, ông lại dâng biểu xin tình nguyện ra trận. Được Trịnh Sâm ban kiếm báu, ông thống lĩnh các đạo quân ở Hưng Hóa, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Sơn Tây lên đường tiến đánh căn cứ họ Hoàng.

Khi Hoàng Công Chất mất, con là Hoàng Công Toản lên thay. Quân Trịnh phá tan quân nổi dậy, san phẳng hào lũy. Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam. Đoàn Nguyễn Thục ổn định tình hình địa phương rồi rút quân. Về tới kinh đô, ông xin từ chức về nhà để tang cho trọn vẹn.

Năm 1770, triều đình lại đánh Lê Duy Mật cát cứ ở Trấn Ninh. Đoàn Nguyễn Thục lại được giao làm Giám quân. Vì tham gia trận có công, ông được thăng làm Thiêm Đô ngự sử.

Năm 1771, ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, khi trở về được phong làm Phó Đô ngự sử, tước Quỳnh Xuyên bá. 3 năm sau, Hoàng Ngũ Phúc cầm đại quân đi đánh Đàng Trong, ông được cử làm Đốc thị Nghệ An, coi việc lương thưởng, nhưng vì không đồng ý người phụ tá khi bàn việc công, ông liền dâng sớ xin về trí sĩ.

Sau khi dẹp loạn cha con Hoàng Công Chất, Đoàn Nguyễn Thục lại được phái đi dẹp cuộc nổi loạn của Lê Duy Mật. Ảnh minh họa: INT.

Sau khi dẹp loạn cha con Hoàng Công Chất, Đoàn Nguyễn Thục lại được phái đi dẹp cuộc nổi loạn của Lê Duy Mật. Ảnh minh họa: INT.

Gia đình hay chữ

Khi đi sứ về, Đoàn Nguyễn Thục có soạn bộ sách “Đoàn Hoàng giáp phụng sứ tập”, được Phan Huy Chú đọc nhận xét là “lời thơ tao nhã, thanh tao phóng khoáng. Tả cảnh hồn nhiên, nhẹ nhõm và siêu thoát, đáng gọi là danh gia”.

Con trai ông là Đoàn Nguyễn Tuấn đỗ Hương cống đời Lê, ra giúp Tây Sơn làm đến chức Tả thị lang bộ Lại, tước Hải Phái bá. Có đi sứ Trung Quốc năm 1790 và có tập thơ nhan đề “Hải Ông tập”.

Năm Kỷ Dậu (1789), sau trận Đống Đa, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Năm sau, mùa Hạ năm Canh Tuất (1790), Đoàn Nguyễn Tuấn được cử tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Thanh cầu phong. Tài bang giao và tài thơ xướng họa của Đoàn Nguyễn Tuấn đã được danh sĩ nhà Thanh nể phục, khi về nước ông đã được phong tước hầu.

Qua những trang thơ để lại ta được biết Đoàn Nguyễn Tuấn là con người phong nhã, giản dị, ưa thơ. Ông hăm hở đem chí hướng và tài năng phụng sự Tây Sơn, cống hiến của ông chủ yếu về chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao.

Khi vua Quang Trung mất đột ngột, triều đình lủng củng, ông cáo quan về quê. Nhà Tây Sơn mất, Gia Long lên ngôi năm 1802, nhiều người ra làm quan nhưng ông thì yên phận nơi quê nhà, lấy ngâm vịnh để di dưỡng tinh thần.

Sách Tây Sơn lược thuật cho biết, ở trong làng mình, ông đã từng làm một ngôi nhà sàn ở giữa vườn hoa gọi là Phong Nguyệt sào (tổ gió trăng) để thường đến đây ngâm vịnh cùng nhiều danh sĩ Bắc Hà, tự nhận mình là Sào Ông. Hải Ông thi tập gồm 242 bài đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong số ít tác gia văn học thời Tây Sơn.

Phải đặt Đoàn Nguyễn Tuấn vào hoàn cảnh gia đình nội ngoại truyền đời ăn lộc nhà Lê, anh em và bè bạn đồng liêu đang mưu chống Tây Sơn hoặc chạy theo Lê Chiêu Thống hoặc tìm đường ẩn dật thì Đoàn Nguyễn Tuấn đã dũng cảm tìm đường vào Phú Xuân yết kiến Nguyễn Huệ, mới thấy hết tầm trí tuệ và nhãn quan chính trị sáng suốt của ông.

Một người bạn tâm giao của Đoàn Nguyễn Tuấn là Ngô Thì Nhậm nhận xét rằng: “Biết cái đang tiến triển làm cho nó tiến triển lên, có thể gọi là đến chỗ cơ tri vậy. Biết cái đang kết thúc mà làm cho nó kết thúc đi có thể gọi là đạt đến chỗ bảo tồn chữ nghĩa vậy. Xúc tiến cái đang tiến triển và đẩy nhanh cái đang kết thúc, đạo chính là ở đấy”.

Trong triều đại Tây Sơn, Đoàn Nguyễn Tuấn sở trường về văn, phò tá hai triều vua ở lĩnh vực viết thư, thảo hịch, thiết lập và khẳng định điển nhã, bang giao. Sự nghiệp để đời được trân trọng hơn cả của Đoàn Nguyễn Tuấn không chỉ là việc ông theo Tây Sơn, phò giúp Tây Sơn, mà còn là sự nghiệp văn chương.

Ngoài một số lượng lớn ca ngợi chiến thắng, ca ngợi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là mệnh mạch văn chương tự hào về đất nước. Trong kho tàng thơ văn bang giao với các triều đại phương Bắc, thơ Đoàn Nguyễn Tuấn có nét sắc sảo riêng, thoáng đạt hơn khi xướng họa với các danh sĩ nhà Thanh.

Hai cha con làm quan ở hai triều đại khác nhau, nhưng tài văn chương, cái khí chất thanh nhã mà không hèn kém khi đi sứ đã khiến người đương thời phải kính phục.

Tác phẩm 'Thi tập' của Đoàn Nguyễn Tuấn trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Tác phẩm 'Thi tập' của Đoàn Nguyễn Tuấn trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Bố vợ đại thi hào Nguyễn Du

Dù nổi tiếng với tài văn võ, gia đình dòng dõi thi thư, nhưng ít ai biết Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục còn là bố vợ của đại thi hào Nguyễn Du.

Chuyện vào năm Canh Tý (1780), Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du đang làm Trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và bị giam ở nhà Châu Quận công. Lúc này Nguyễn Du được một người thân của Nguyễn Nghiễm là Đoàn Nguyễn Tuấn – con trai Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục đón về Sơn Nam Hạ (Nam Định) nuôi ăn học.

Năm Nhâm Dần (1782) Trịnh Sâm mất, kiêu binh phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Hai anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản được làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.

Đại thi hào Nguyễn Du chính là con rể của Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục.

Đại thi hào Nguyễn Du chính là con rể của Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục.

Năm Quý Mão (1783) Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đỗ Tam trường. Ông lấy vợ là Đoàn Nguyễn Thị Huệ - con gái Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục, được tập ấm chức Chánh thủ hiệu quân hùng hậu của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Cũng trong năm này anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đề (sinh 1761) đỗ đầu kỳ thi Hương ở điện Phụng Thiên và Nguyễn Khản đầu năm thăng chức Thiếu Bảo, cuối năm thăng chức Tham tụng.

Tháng 2 năm 1784, kiêu binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá, Nguyễn Khản phải trốn lên ở với em là Nguyễn Điều đang là trấn thủ Sơn Tây. Đến năm 1786 thì Nguyễn Khản bị mắc bệnh rồi chết ở Thăng Long.

Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với nhà Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại. Lúc này Nguyễn Du về ở quê vợ (Quỳnh Côi - Thái Bình).

Với đại thi hào Nguyễn Du, Đoàn Nguyễn Thục vừa là một nhà khoa bảng lớn, vừa là tấm gương kiên dũng trước mọi sóng gió thời cuộc; với Đoàn Nguyễn Tuấn vừa là anh vợ vừa là bạn thơ thân thiết.

Tuy ở họ có chí hướng khác nhau, người phò nhà Lê, kẻ phò Tây Sơn, người mưu giúp nhà Nguyễn – nhưng điểm chung ở họ chính là dùng tài năng và đức độ của mình để phò vua cứu nước, và để lại cho đời danh tiếng về lòng chính nghĩa cùng những tác phẩm bất hủ.

Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú nhận định về Đoàn Nguyễn Thục: “Ông học vấn rộng rãi, phong thể khí độ chững chạc, dọc ngang văn võ, việc gì cũng làm được… Ông tiến lui có lẽ phải, không khuất tất để cầu cạnh. Tiết tháo cương trực như thế càng làm cho người đời hâm mộ”.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ