Vị giáo sư của luật học và cộng đồng Pháp ngữ

GD&TĐ - Vừa qua, Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM đã trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho Viện sĩ - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG TPHCM. Ông là người có quốc tịch Việt Nam trở thành thành viên đầu tiên của Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp.

Ông Vincent Floreani - Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho Viện sĩ - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện
Ông Vincent Floreani - Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho Viện sĩ - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện

Viện sĩ Nguyễn Ngọc Điện là một nhà khoa học có nhiều hoạt động tích cực trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác Pháp ngữ tại Việt Nam, là thành viên của Hội đồng Khoa học Cơ quan Đại học Pháp ngữ AUF, thành viên của Ủy ban định hướng chiến lược AUF và là Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học sử dụng tiếng Pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tài Hoa Trẻ đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nhân sự kiện ông được trao Huân chương cao quí của nước Pháp.

PV: Thưa PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, cơ duyên nào đưa ông đến với nước Pháp để đạt được Huân chương Cành cọ Hàn lâm - một phần thưởng cao quý mà Chính phủ Pháp chỉ dành tặng cho những cá nhân có những đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa nghệ thuật?

Viện sĩ PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện:Tôi bắt đầu sự nghiệp chuyên môn của mình, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, bằng nghề công chứng. Đây là một nghề mang đậm dấu ấn của văn hóa pháp lý Pháp, thể hiện qua việc tổ chức và vận hành của hệ thống công chứng theo kiểu Pháp tại Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa.

Trong quá trình hành nghề, tôi có dịp tiếp xúc với di sản do công chứng Pháp để lại, đặc biệt là các chứng thư công chứng được lưu trữ nguyên vẹn tại các kho lưu trữ. Qua các chứng thư đó, tôi biết ít nhiều về luật của Pháp, càng trở nên tò mò, muốn tìm hiểu kỹ. Vậy là tôi tìm cách đến Pháp để học tập, nghiên cứu… Tôi được học bổng của Chính phủ Pháp đi thực tập nghề công chứng tại Pháp vào năm 1993. Cuộc “phiêu lưu” đó đánh dấu sự dấn thân của tôi vào hành trình chinh phục tri thức khoa học luật, sau đó là các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo, dẫn đến các thành tựu ngày hôm nay.

* Khi lần đầu đến nước Pháp, tiếp xúc văn hóa, nền giáo dục Pháp, ông ấn tượng về điều gì nhất?

- Ấn tượng đầu tiên là tính cởi mở, thân thiện, hào hiệp và thanh lịch của người Pháp. Người ta hay nói về thói kỳ thị của người phương Tây đối với người da màu, bao gồm người châu Á. Tuy nhiên, tôi chỉ ghi nhận được điều đó như hiện tượng cá biệt. Suốt thời gian sinh sống, học tập ở Pháp và cả sau này, khi thường xuyên trở lại Pháp để giảng dạy, tôi luôn có được sự hỗ trợ và hợp tác nhiệt tình, không vụ lợi của những người bạn Pháp.

Cuộc sống của người Pháp vừa có chiều sâu, vừa được tổ chức tươm tất. Họ thích cái đẹp toàn diện, cả bên ngoài và bên trong. Có thể về tác phong công nghiệp, người Pháp không bằng người Mỹ, nhưng về tính chính xác, chặt chẽ, họ không thua kém.

Nền giáo dục của Pháp mang đậm dấu ấn di sản văn hoá của châu Âu, cả về phương pháp cũng như về nội dung giáo dục, chú trọng rèn luyện các phẩm chất của cá nhân, đặc biệt là tính tự chủ, độc lập.

* Giáo sư gặp khó khăn thuận lợi gì trong quá trình hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác Pháp ngữ tại Việt Nam?

- Khó khăn lớn nhất, và có lẽ cũng là duy nhất, là số người quan tâm đến tiếng Pháp và văn hóa Pháp quá ít. Một trong những lý do chính có thể là do tiếng Pháp quá khó so với tiếng Anh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp rất tốt đẹp và điều đó tạo thuận lợi cho việc triển khai các chương trình hợp tác. Đặc biệt trong lĩnh vực luật học, giữa 2 nước có nhiều điểm tương đồng. Riêng luật dân sự, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm luật của Pháp, do đó, các đối tác về luật của hai nước có thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong quá trình xác lập, thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo.

* Là người Việt Nam đầu tiên và là thành viên duy nhất đến từ châu Á trở thành viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp, Giáo sư mong muốn thực hiện điều gì ở vai trò này?

- Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp là một tổ chức bác học có thiên hướng phát triển quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa Pháp và các nước có sử dụng tiếng Pháp, đặc biệt là những nước từng là thuộc địa của Pháp, như Việt Nam. Với vai trò thành viên của Viện, tôi mong muốn góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu học thuật giữa Việt Nam và Pháp cũng như các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực luật học. Tôi cũng mong muốn có thể góp một phần nhỏ bé của mình, với tư cách là nhà luật học Việt Nam, vào việc phát huy các giá trị chung của nhân loại, thông qua việc tham gia vào các hoạt động chuyên môn của Viện.

* Là người khá am hiểu về nước Pháp, nhất là giáo dục Pháp, ông có lời khuyên nào cho du học sinh Việt Nam tại Pháp?

- Người ta thường kể các câu chuyện về việc người Mỹ bắt bẻ người Việt về lỗi nói sai tiếng Anh với thái độ coi thường. Người Pháp thường không có thói xấu đó. Họ sẵn sàng sửa sai cho người nước ngoài về lỗi phát âm hay ngữ pháp nhưng với thái độ lịch thiệp, theo kiểu Pháp.

Bởi vậy, muốn học giỏi ở Pháp, điều cần thiết là phải mạnh dạn giao tiếp với người bản địa. Khi sống ở Pháp, không nên tìm kiếm các cộng đồng người Việt để gia nhập vào đó theo kiểu sống trên ốc đảo. Trái lại, nên sống với người Pháp: ăn thức ăn của người bản địa, ở trong khu dân cư của người bản địa và kết bạn với họ.

* Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

“Ông Nguyễn Ngọc Điện là một giáo sư đại học mà tiếng tăm vượt ra khỏi phạm vi đất nước của ông. Một giáo sư đại học sáng chói, ông đã và đang dùng cả sự nghiệp của mình để bảo vệ hai điều: Điều thứ nhất là luật học và điều thứ hai là mở ra một tầm nhìn mới: tầm nhìn ở góc độ Cộng đồng Pháp ngữ… để trong trường hợp nào đi nữa, tiếng Pháp không đánh mất linh hồn của mình”

Giáo sư Jean Du Bois De Gaudusson (Pháp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.