Vị chúa Trịnh nổi tiếng ăn chơi, sống dưới hầm đất

GD&TĐ - Ăn chơi sa đọa, hãm hại trung thần, bóc lột nhân dân, chúa Trịnh Giang bị sét đánh suýt chết.

Phủ chúa Trịnh. Ảnh: ITN
Phủ chúa Trịnh. Ảnh: ITN

Về sau, chúa Trịnh Giang mắc bệnh “kinh quý”, bị phế ngôi, phải sống dưới lòng đất suốt thời gian dài.

Trịnh Giang (1711 - 1762) còn có tên là Trịnh Khương, thụy hiệu là Dụ Tổ Thuận vương, chúa Trịnh thứ 6, con trai cả của chúa Trịnh Cương. Ông trị vì từ năm 1729 đến năm 1740.

Nức tiếng ăn chơi

Năm 17 tuổi, Trịnh Giang được phong làm Khâm sai Tiết chế các xứ thủy bộ, nắm việc chính sự, cơ mật, chính thức được công nhận là người sẽ nối ngôi Chúa.

Để bồi dưỡng con, Trịnh Cương cho nhiều danh nho có tiếng làm thầy dạy, trong đó có Nguyễn Công Hãng, người tài giỏi, tính tình thẳng thắn, được cử giữ chức Bảo phó.

Tuy được dạy dỗ cẩn thận, Trịnh Giang lại tỏ ra là kẻ bất tài, ham chơi hưởng lạc. Biết rõ tính cách của Trịnh Giang nên Nguyễn Công Hãng bí mật dâng sớ lên chúa Trịnh Cương rằng: “Trịnh Giang là người ươn hèn, không thể gánh vác ngôi Chúa”.

Chúa Trịnh Cương nghe theo, có ý muốn phế nhưng chần chừ chưa kịp quyết thì mất vào tháng 10 năm 1729 trên đường đi tuần ở Như Kinh. Trịnh Giang được lên ngôi Chúa.

Lên ngôi được một năm, Trịnh Giang cho sửa chữa, xây dựng hai ngôi chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) và Sùng Nghiêm (Chí Linh, Hải Dương).

Để tu sửa hai ngôi chùa này, phải dỡ lấy gỗ ở phủ Cổ Bi thả xuống sông chở về xuôi. Công việc khó khăn, chúa Trịnh hạ lệnh cho dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh phải gánh vác, khơi đường sông để vận tải, kéo gỗ, xẻ đá, hàng vạn người thường xuyên phải làm việc suốt đêm, không được nghỉ ngơi.

Đầu năm 1736, Trịnh Giang lại cho xây chùa Hồ Thiên ở trấn Kinh Bắc và chùa Hương Hải ở trấn Hải Dương, bắt dân tiếp tục phục dịch. Tiếp đó là xây từ đường, phủ đệ ở các làng ngoại thích như Tử Dương và My Thữ cực kỳ nguy nga, tráng lệ khiến người dân bị ức hiếp hà khắc, người làm ruộng, người đi buôn mất hết nghề nghiệp, nhân dân trở nên khốn cùng. Khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi.

Trước cảnh điêu linh đó, chúa lại ra lệnh tăng thuế và cho phép buôn bán quan tước, ai có tiền nộp sẽ được cất nhắc các chức phẩm. Theo sách “Cương mục” của nhà Nguyễn, Trịnh Giang cho bán chức, bán tước công khai, quan, dân ai nộp tiền sẽ được cất nhắc cho chức phẩm:

“Các quan trong triều từ lục phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan tiền sẽ được thăng chức một bậc. Nhân dân ai nộp 2.800 quan được bổ thụ Tri phủ, nộp 1.800 quan được bổ thụ Tri huyện. Trong khoảng từ năm 1736 đến năm 1740, Trịnh Giang đã 4 lần cho phép quan lại được nộp tiền để thăng chức và người dân nộp tiền để được bổ làm quan”.

chua trinh noi tieng an choi song duoi ham dat (2).jpg
Tượng chúa Trịnh Giang. Ảnh: ITN.

Sống dưới hầm đất

Ăn chơi sa đọa, Trịnh Giang không còn nghe theo các đại thần trong triều. Thay vào đó lại nghe lời thái giám Hoàng Công Phụ, cất nhắc nhiều vị trí cho những kẻ bất tài làm quan do viên thái giám này giới thiệu.

Biết chuyện Nguyễn Công Hãng dâng bản tấu truất ngôi thế tử của mình, Trịnh Giang cũng tìm cách giết đi. Không lâu sau, Trịnh Giang lại thể hiện uy quyền, ra lệnh đình chỉ xây dựng cung vua Lê. Tự phong mình làm Nguyên soái, thống quốc chính, Uy Nam vương. Cho thay đổi, luân chuyển các quan trấn thủ vì sợ “các viên trấn thủ trị nhậm ở trấn lâu ngày, được lòng quân và dân sẽ sinh ra việc biến động”.

Các chính sách tích cực thời Trịnh Cương đều bị Trịnh Giang thay đổi hết, chính sự Đàng Ngoài ngày một rối ren và đen tối, quyền lực của vua Lê ngày càng thu hẹp, người lên tiếng can ngăn đều bị trừng phạt. Như Thái thường tự khanh Bùi Sĩ Tiêm bị bãi chức đuổi về quê. Sau công thần, Trịnh Giang tiếp tục cho phế truất, giết chết vua Lê Duy Phường, lập Lê Duy Thận lên ngôi (Lê Ý Tông).

Trịnh Giang còn đặt lệ khi chúa ra coi chầu, đi tuần du hoặc xuất phát đều phải có phường nhạc tấu nhạc inh ỏi, có cờ lệnh đi trước dẫn đường. Khi chúa đi ngủ, khi thức dậy đều phải bắn ba tiếng súng báo hiệu…

Trước đây triều đình có hai ban văn võ, nay thái giám lộng hành, Trịnh Giang vì mê chơi bời nghe theo thái giám liền đặt thêm một ban nữa gọi là “Giám ban”.

Dù chỉ là các vị trí thái giám phục dịch trong cung, nhưng lại cho “Giám ban” này ngang hàng với ban văn võ nên ai muốn vào “Giám ban” cũng phải trải qua kỳ thi. Các quan văn võ thấy rất hổ thẹn vì còn thua cả thái giám mà không ai dám nói gì vì sợ bị hãm hại.

Hoạn quan trong triều ra sức thao túng triều đình còn Trịnh Giang chỉ chú tâm ăn chơi vô độ, bỏ bê việc triều chính, quyền hành dần nằm trong tay Thái giám Hoàng Công Phụ.

Ăn chơi sa đọa, không hiểu sao, một hôm Trịnh Giang bị sét đánh suýt chết, mắc bệnh “kinh quý”, tinh thần bất định, thường xuyên hoảng hốt, sợ hãi. Thấy vậy, phe của Hoàng Công Phụ lừa chúa rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất”.

Nhân đó các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì, Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm đất, không dám ra ngoài. Được dịp, Hoàng Công Phụ càng có dịp lộng quyền, tác oai tác quái.

Sử sách cho biết “Hoàng Công Phụ cùng thân đảng lộng hành trộm cầm quyền... Không ngày nào không có đại thần bị đuổi, bị giết. Ngoài ra lại bị mật cáo phải tội, những kẻ thù oán nhau lại dùng kế hãm hại nhau. Nhiều nhà bị bắt bớ, gia sản bị cướp hết sạch”.

Chứng kiến cảnh điêu linh, triều thần muốn đưa em là Trịnh Doanh lên thay, nhưng Hoàng Công Phụ ngăn cản nên không làm được gì. Năm 1740, nhân lúc Hoàng Công Phụ đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên cho tập hợp đại thần lật đổ ông để đưa người em là Trịnh Doanh lên ngôi Chúa.

Trịnh Giang mất ngôi, bọn hoạn quan chống lại đều bị diệt sạch. Sau khi bị phế truất, Trịnh Giang bị giam lỏng ở cung Thưởng Trì cho đến khi qua đời năm 1762, hưởng thọ 51 tuổi.

Đánh giá về Trịnh Giang, 2 sử gia Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng nhận xét: “Giang là kẻ vô cùng bạo ngược, không việc gì là không làm: Sát hại công thần, tự cho thi tiến sĩ ở phủ đường... giết vua nọ lập vua kia...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mai Xuân Quyết gia nhập CLB Bình Định sau khi chia tay Nam Định.

Tiền vệ Nam Định gia nhập CLB Bình Định

GD&TĐ -Đội bóng đất Võ chiêu mộ tiền vệ Mai Xuân Quyết từ câu lạc bộ Nam Định sau khi hợp đồng của cầu thủ này với đội chủ sân Thiên Trường đáo hạn.