Chuyện đời ông vua hay chữ và hiếu thảo bậc nhất sử Việt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tự Đức được biết đến là ông vua hiếu thảo bậc nhất sử Việt.

Khiêm Lăng dưới chân đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Xuân, TP Huế), nơi chôn cất vua Tự Đức. Ảnh: ITN.
Khiêm Lăng dưới chân đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Xuân, TP Huế), nơi chôn cất vua Tự Đức. Ảnh: ITN.

Trong 36 năm ngồi trên ngai vàng triều Nguyễn, cứ ngày lẻ vua Tự Đức thiết triều, còn ngày chẵn đến vấn an mẹ.

Vua Tự Đức (1829 - 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Thì, con của vua Thiệu Trị và thái hậu Từ Dũ (Phạm Thị Hằng). Nổi tiếng hiếu thảo nên vua Tự Đức thường rất nghe lời mẹ. Thậm chí, những lời mẹ dạy, ông còn ghi chép cẩn thận vào cuốn sách “Từ huấn lục”.

Dâng roi để mẹ đánh đòn

Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, trong suốt 36 năm làm vua, cứ ngày lẻ vua thiết triều, còn ngày chẵn đến vấn an mẹ mình tại cung Diên Thọ. Cho đến nay, nhiều câu chuyện về lòng hiếu thảo của vua Tự Đức vẫn còn được sử sách ghi chép lại. Trong đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện vua từng dâng roi mây để mẹ đánh đòn.

Sử sách kể lại rằng, một hôm rảnh việc nước, vua đi săn tại rừng Thuận Trực (Thừa Thiên Huế), gặp phải khi nước lụt không về được, trong khi chỉ còn hai ngày nữa có kị (giỗ) vua Thiệu Trị. Thấy vua chưa về, Đức Từ Dũ (có sách ghi Từ Dụ) nóng ruột, phải sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước.

Biết làm thái hậu lo lắng, vua Tự Đức dong thuyền về vào khoảng nửa đêm, giữa dòng nước chảy xiết. Về đến cung, nhà vua vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng.

Vua Tự Đức bèn lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất roi mây mà ban rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”. Vua lạy tạ lui về, ngay trong đêm ấy, vua đã thức rất khuya tại điện Càn Thành để phê thưởng cho các quan đi hầu ngự.

Trong một lần khác, do không được khỏe nên vua hơi thưa việc coi chầu, cho diễn tuồng để mua vui, quan lại vào bệ kiến tâu việc bị gặp khó. Bực bội vì chuyện đó, đại thần Phạm Phú Thứ đã dâng sớ với nhiều từ ngữ chỉ trích khá nặng, hạch vui ham chơi, lười biếng, khuyên can vua “nên tự cường, đừng trễ nhác… hãy nghĩ đến tiền nhân, siêng năng mà nên thịnh trị”.

Đọc xong sớ, vua Tự Đức cảm thấy bị xúc phạm, rất tức giận, bèn giao cho đình thần định tội. Một số quan lại trong triều đã hùa theo kết tội Phạm Phú Thứ cho vừa lòng vua. Phạm Phú Thứ bị cách chức, phát vãng vào Thừa Nông làm lính.

Sau này, khi biết tin, bà Từ Dũ đã giáo huấn vua rằng “…người ta thương vua nên mới giận… một người biết nói thẳng khó tìm, chứ bao nhiêu người bẩm bẩm dạ dạ chắc gì đã trung thành với vua”. Nghe lời giáo huấn của mẹ, thấy phải, hôm sau, vua đã ra chỉ phục chức cho Phạm Phú Thứ.

Tranh vẽ vua Tự Đức bởi L.Ruffier. Ảnh: ITN.

Tranh vẽ vua Tự Đức bởi L.Ruffier. Ảnh: ITN.

Tự dựng bia mộ cho mình

Tự Đức là ông vua trị vì lâu nhất của triều Nguyễn (36 năm), được biết đến là ông vua hay chữ, ham học hỏi, hiếu thảo, chuyên tâm trị nước. Những lúc không thiết triều, ông thường làm việc tại điện Cần Chánh.

Tại đây, vua sẽ xem tất cả phiếu sớ từ khắp nước gửi về, sau đó, châu phê cho các Nha, Bộ thi hành. Trong các tập “Châu bản triều Nguyễn” đều thấy vua đã đọc rất kỹ các tấu sớ, thận trọng từng lời phê, cũng như cách giải quyết chính sự.

Tuy vậy, Tự Đức cũng bị xem là ông vua thiếu quyết đoán, thủ cựu. Giữa xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, coi trọng buôn bán… ông lại xem nhẹ việc giao thương, không có nhiều hiểu biết về thế giới bên ngoài, dị ứng, bài trừ văn hóa ngoại lai, trọng văn, khinh võ, ngại đổi mới trước những đề nghị của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tưởng Tộ…

Đến khi thực dân Pháp chiếm mất Gia Định, vua mới nghĩ tới việc đúc súng, đóng tàu, cử người đi học tiếng nước ngoài…

Chính điều này đã làm cho triều Nguyễn dưới thời ông bị cản trở phát triển, đánh mất cơ hội đổi mới, dẫn tới lạc hậu, suy yếu dần, cuối cùng bị thực dân Pháp xâm chiếm. Đó vừa là “tội” vừa là bi kịch của ông vua “hay chữ và hiếu thảo” này. Với hoàng tộc, ông cũng mang “tội” lớn vì không có con, để anh em tranh giành ngôi báu dẫn tới chịu nỗi đau “răng cắn lưỡi”.

Tháng 7/1883, vua Tự Đức băng hà khi mới chỉ 54 tuổi. Vua được an táng tại Khiêm Lăng. Trước khi mất, vua đã cho dựng một tấm bia đá rất lớn, khắc bài văn do chính mình soạn.

Thông thường, con cái sẽ dựng bia cho cha mẹ, nhưng Tự Đức vì không có con nên phải đích thân dựng bia mộ cho mình, cũng qua đó mà thổ lộ với hậu thế về nỗi lòng của ông với những lời lẽ chân thành:

“Các triều đã dày công khó nhọc mở mang đất đai, bỗng nhiên một sớm thấy giao cho địch. Ta cùng với bề tôi thân cận chẳng làm sao hơn, chỉ còn biết nhìn nhau mà nuốt nước mắt đành đắc tội với tôn miếu và thiên hạ.

Ôi! Dốt nát mà quen sống yêu ổn, mông muội mà ở chốn nhà cao cửa rộng, chẳng biết phòng bị, tôi tài tướng giỏi cũng đã tàn tạ hơn phân nửa, mấy ai có thể khôi phục lại lời di huấn về việc canh giữ biên cương của cha ta để giúp ta bước khỏi vòng tội lỗi”.

Nổi tiếng là người đam mê văn chương từ nhỏ, đương thời, vua Tự Đức đã để lại rất nhiều thơ văn, với khoảng 4.000 tác phẩm. Tiểu biểu như bộ “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” gồm hàng trăm bài thơ về các nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng viết nhiều bài thơ trường thiên bằng chữ Nôm để dạy đạo lý cho dân như “Luận ngữ diễn ca”, “Thập điều”, “Tự học diễn ca”… Rất thích lịch sử nên ông đã chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ