Vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường: Đầy đủ và phù hợp lứa tuổi

GD&TĐ - Theo Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn TS.BS Nguyễn Hương Lan, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào dự án sữa học đường sẽ giúp trẻ em phát triển cân đối cả về thể chất và trí tuệ. Vấn đề quan trọng là sữa đưa vào học đường phải bảo đảm chất lượng và phải kiểm nghiệm xem các vi chất dinh dưỡng có đầy đủ, hàm lượng có phù hợp với lứa tuổi học sinh hay không.

Sữa học đường giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: TG
Sữa học đường giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: TG

- Xin bà cho biết, việc bổ sung vi chất và thực phẩm có ý nghĩa như thế nào với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với HS?

- Vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng và cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu thiếu các vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng tức là bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, phốt pho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng…).

Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn”, do các biểu hiện không rõ khó phát hiện. Chỉ khi các triệu chứng biểu hiện rầm rộ thành bệnh đặc trưng như thiếu máu do thiếu sắt, khô mắt do thiếu vitamin A thì mới được phát hiện. Tuy nhiên, lúc này sự tăng trưởng và phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Đôi khi, thiếu vi chất dinh dưỡng còn để lại những hậu quả nghiêm trọng, không thể hồi phục được. Vì vậy, nếu như thanh toán được vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em.

TS.BS Nguyễn Hương Lan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: TG
  • TS.BS Nguyễn Hương Lan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: TG

Rõ ràng, việc cân đối chất dinh dưỡng và bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn học đường như hoạt động sữa học đường là giải pháp cần được triển khai. Vì trẻ em ở lứa tuổi này cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng trưởng về cân nặng và chiều cao.

- Trong đề án Sữa học đường mà Bộ Y tế khuyến cáo có bổ sung thêm ba vi chất dinh dưỡng, nhưng sản phẩm thực tế lại bổ sung tới 14 vi chất dinh dưỡng, quan điểm của bà như thế nào?

Chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học đến năm 2020 tại Quyết định 1340 ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu: Việc cung cấp phải đáp ứng được sắt, canxi, vitamin D của trẻ em trên 30% vào năm 2020. Quyết định này không cấm việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa để sử dụng cho chương trình “Sữa học đường”. Việc bổ sung các vi chất khác đã nêu trong quyết định là do doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, không được vượt quá so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam ở từng độ tuổi khác nhau. 

- Tôi được biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các bằng chứng việc tăng đa vi chất dinh dưỡng tốt hơn với trẻ em so với chỉ bổ sung đơn chất. Các vi chất được bổ sung vào sữa hiện nay cũng đã được kiến nghị bởi tổ chức tư vấn quốc tế về vi chất dinh dưỡng cho trẻ em. Việc bổ sung này là cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong đề án chương trình Sữa học đường mà Bộ Y tế khuyến cáo có bổ sung thêm ba vi chất dinh dưỡng là vitamin D, canxi và sắt. Vì đây là 3 vi chất tham gia quá trình tăng trưởng chiều cao và phòng chống thiếu máu, thiếu sắt. Đây cũng là 3 vi chất tối thiểu phải có, nhưng ngoài ra trẻ cần được bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng khác như: Vitamin A, kẽm, phốt pho…

- Trên thế giới, các sản phẩm sữa học đường có được bổ sung vi chất dinh dưỡng hay không? Theo bà thì có cần thiết phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường tại Việt Nam?

- Tôi đã đi thăm bữa ăn học đường của Nhật Bản, sữa học đường được triển khai ở Nhật Bản từ năm 1954. Ngoài Nhật Bản ra có rất nhiều các quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Đức… cũng đều triển khai sữa học đường từ rất lâu. Trong sữa học đường của họ đều có bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng. Hiệu quả của dinh dưỡng học đường mà các nước như Nhật Bản đưa vào đã mang lại kết quả rất khả quan, đó là thể chất và chiều cao của các thế hệ được cải thiện rất tốt. Thế nên, việc đưa các vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường tại Việt Nam là rất cần thiết.

- Vậy, việc bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường vượt ngưỡng khuyến cáo của Bộ Y tế có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em hay không?

- Ba vi chất vitamin D, canxi và sắt rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên sự phát triển của trẻ rất cần các vi chất khác như vitamin A, vita min K, kẽm, phốt pho, khoáng chất… Trên thực tế các sữa trên thị trường cũng đã đều được bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng đó. Để đăng ký và được lưu hành trên thị trường thì chắc chắn các hãng sữa đều có sự kiểm định của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

Để trả lời một sản phẩm bổ sung có hàm lượng vi chất dinh dưỡng vượt ngưỡng hay không thì chúng ta phải định lượng hàm lượng của từng vi chất. Và thực tế chúng ta thấy ở các cửa hàng tạp hóa, hay siêu thị có bán rất nhiều sản phẩm sữa bò tươi và thành phần của các sản phẩm sữa đó cũng có mặt rất nhiều vi chất chứ không chỉ riêng Vitamin D, canxi và sắt.

Theo tôi, các sản phẩm bổ sung trước khi được đưa đến người tiêu dùng đều đã được các nhà khoa học nghiên cứu dựa trên nhu cầu khuyến nghị theo từng đối tượng, lứa tuổi để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng. Đưa sữa vào học đường là rất cần thiết, tuy nhiên để đưa loại sữa nào đó là nhiệm vụ của các nhà chức trách. Các sữa đưa vào học đường phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn. Vấn đề quan trọng là phải kiểm nghiệm chất lượng của sữa đó với các vi chất dinh dưỡng đầy đủ hay không cũng như hàm lượng có phù hợp hay không với lứa tuổi học sinh.

- Xin cảm ơn bà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.