Chuyện đời, chuyện nghề
Vượt qua ba cây cầu nhỏ chúng tôi tìm đến con hẻm 13/3 ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tìm gặp nghệ nhân bánh xèo với cái tên dân dã Mười Xiềm.
Đúng chất Nam Bộ dễ mến, bà và cô con dâu vồn vã đón chúng tôi. Mái tóc điểm bạc, nụ cười móm mém bà cởi mở tâm sự: Đã 76 tuổi rồi nên cơ ngơi này giờ giao phó cho vợ chồng anh con trai và cháu nội đích tôn.
Cũng nhờ trời thương, nên thương hiệu bánh xèo được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, giờ việc làm ăn cũng chỉ đủ cho sinh hoạt và chi dùng hàng ngày.
Rồi cứ thế, thủng thẳng bà kể về câu chuyện đời mình. Sinh ra là con nhà nghèo tại miệt vườn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nên cô bé Xiềm lăn lóc kiếm sống từ nhỏ.
Cuộc sống làm mướn đắp đổi qua ngày luyện cho cô bé sự khéo léo chăm chỉ. Hết trồng màu, cắt lúa làm rẫy lại quay ra làm bánh bán dạo cùng mẹ. Nhanh ý lại chịu khó nên các loại bánh Nam Bộ như bánh tét, bánh ít, bánh xèo cô đều học được. Nhưng có lẽ khó hơn cả là loại bánh xèo vì từ khâu chọn thực phẩm, ngâm gạo tới chế biến, gia giảm làm sao cho vừa miệng người ăn.
16 tuổi cô Xiềm đã có nhiều chàng trai trong vùng để ý từ vóc dáng tới nết ăn nết ở. Nhưng, cô gái Nam Bộ xinh đẹp có duyên ấy lại chỉ ưng một anh trai làm tài xế xe lam quê nhà ở tận Thới An Đông (Trà Nóc, Cần Thơ).
Cả hai đều có gia cảnh nghèo khó, yêu thương nhau nên hẹn ước kết tóc se duyên suốt đời. Sau khi lấy nhau hai vợ chồng dắt díu về quê chồng để sinh sống. Chồng cô Xiềm là thứ mười nên tên cô kêu riết là Mười Xiềm thành quen.
Những chiếc bánh xèo nóng hổi trên chảo. |
“Rồi hai vợ chồng đưa nhau lên Biên Hòa, sẵn có nghề làm bánh được truyền từ bà nội nên tui xoay xỏa kiếm sống. Thôi thì đủ loại, từ bánh lá mứt, bánh chuối, bánh xèo cho tới xôi chè đều một tay tui gói ghém.
Phận nghèo không có cửa hàng, cửa hiệu nên tui bán dạo riết thành quen. Khách ăn một lại muốn ăn hai, lời lãi ít cốt ở chất lượng bánh, thế nên mọi người thương tình mua giúp. Chỉ cái mủng đội lên đầu, chân đi đất tui len lỏi khắp thành phố Biên Hòa kiếm sống nuôi con”, vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán ánh mắt bà Mười Xiềm chợt xa xăm...
Sau này khi có lưng vốn, vợ chồng con cái đưa nhau về quê chồng ở Thới An Đông (Trà Nóc) lập nghiệp. Cũng chỉ là căn nhà lá sơ sài, vợ chồng bà mở quán bán hàng tại đó. Bánh ngon lại thật thà, xởi lởi nên bà được mọi người ở chòm xóm quý mến, cũng vì vậy mà quán bánh của bà đông hơn, cuộc sống cũng dễ chịu so với những ngày tha hương kiếm sống.
Đậm đà hương vị quê
Bà nói: Ông trời thương nên phù hộ cho bà gặp may. Bắt đầu từ bữa bà gặp được người phụ nữ tốt bụng làm ở Sở Văn hóa Cần Thơ mua bánh. Ăn bánh xèo của bà thấy ngon, có hương vị riêng, giá cả lại không hề đắt, người phụ nữ ấy thi thoảng lại mua và giới thiệu nhiều khách cho bà.
Tiếng lành đồn xa, một thời gian sau, bà được mời đi tham gia một lễ hội ẩm thực tại thành phố Cần Thơ. Lần đó, bà vui lắm vì làm tới hàng nghìn chiếc cho mọi người thưởng thức. Nhiều người biết tới bà đã chạy hàng chục cây số ghé quán lá mua bánh.
“Cho tới một ngày vào khoảng năm 2007, tui mừng hết biết, tin mình được tham gia Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian tại Mỹ.
Lần đó, tui được qua Mỹ 3 tuần, chao ôi là sung sướng. Cái gì tui cũng thấy lạ. Vui nhất là tui được tham gia làm bánh tại lễ hội, phục vụ cho hàng ngàn lượt khách.
Mặc dù không biết tiếng của họ, nhưng qua ánh mắt cử chỉ tôi biết họ khen các loại bánh do tui làm.
Bữa đó tôi đổ những chiếc bánh xèo cỡ lớn phải hai ba người Việt mình ăn mới hết. Nhưng một mình khách Tây dùng sạch luôn. Tôi được chụp hình, quay phim với nhiều người, rồi được nhận Giấy chứng nhận nghệ nhân làm bánh của Việt Nam. Tui vui thiệt là vui vì đã giới thiệu được món ăn của quê hương mình tới các nước bạn. Có nằm mơ tui cũng không thể tưởng tượng được những cảnh đó”, bà Mười Xiềm háo hức kể.
Sau đó về Việt Nam, được cán bộ văn hóa tư vấn bà đã làm đầy đủ thủ tục đăng ký thương hiệu bánh Mười Xiềm của mình. Thời gian sau khi ở Mỹ về quán bà đông khách tới mức nhiều khi không có chỗ để ngồi, khách phải đợi mới có bánh để ăn. Mặc dù phải chờ lâu nhưng nhiều khách vẫn gắng đợi, phải tự tay bà Mười đổ bánh mới ưng.
Một ngày bà gặp vị khách đặc biệt, ông thổ lộ muốn mua thương hiệu bánh xèo của bà. Lúc đó cả gia đình vẫn ở ngôi nhà chật chội, nắng thì nóng nực, mưa dột không có chỗ nằm, nên bà và gia đình đã quyết định bán thương hiệu bánh mà cả đời bà đã tảo tần xây dựng.
Hai bên giao kèo, bà vẫn bán bánh ở Trà Nóc còn vị khách nọ sẽ mở cửa hiệu ở TPHCM. Đến giờ bà nói, đôi khi bà vẫn lăn tăn về giao kèo đó. Nhưng đổi lại với số tiền 1 tỷ đồng bà đã cất được căn nhà khang trang này và trang trải nợ nần. Cuộc sống của gia đình cũng dễ chịu hơn.
Tới giờ bà Mười không còn đứng đổ bánh nữa, lúc vui có khách quý bà mới ra tận tay làm. Cơ ngơi giờ giao phó cho vợ chồng anh con trai và người cháu nội. Sau bao năm truyền nghề đến nay, con cháu bà cũng vững vàng với món bánh xèo gia truyền của gia đình.
Khi được hỏi bí kíp làm bánh bà cười hiền lành: Bánh ngon cốt ở việc lựa gạo, ngâm bột vừa đủ, sáng phải dậy thật sớm để xay và chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh.
Khi đổ bánh phải mỏng, khô vàng đều vỏ sẽ giòn không cháy xém. Nhân bánh có thể làm bằng thịt vịt xiêm kết hợp với sợi dừa nạo thái mỏng. Hoặc nhân làm bằng thịt heo, tép bạc giá, hẹ và củ đậu. Con tép phải chọn sao cho tươi khi làm mới ngọt, vỏ không cứng.