Vật thể không gian bí ẩn có tên 2014-28E. Theo báo cáo, nó đi vào không gian 6 tháng trước, cùng với ba vệ tinh thông tin liên lạc quân sự là Kosmos-2496, Kosmos-2497 và Kosmos-2498.
Ban đầu, vật thể thứ 4 được cho là một mảnh vỡ thông thường. Tuy nhiên, sau khi quan sát một số hoạt động khác thường, quân đội Mỹ đã phân loại nó là vệ tinh.
Thông tin đầu tiên về 2014-28E, vật thể được gọi là "sát thủ vệ tinh của Nga", xuất hiện trên The Financial Times. Theo tạp chí kinh tế này, quân đội Mỹ đang theo dõi vật thể và những bí mật xung quanh nó đang gây lo ngại về sự hồi sinh của dự án tiêu diệt vệ tinh mà Nga từng thực hiện.
Tạp chí The Register gọi vệ tinh bí ẩn là "vũ khí trong quỹ đạo", dù thừa nhận rằng không ai thực sự biết điều gì đang diễn ra và nó có khả năng làm gì.
Washington Post dự đoán đây có thể là sự trở lại của chương trình tiêu diệt vệ tinh của Liên Xô trước đây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Theo các chuyên gia, vào những năm 1960, hệ thống tiêu diệt vệ tinh của Liên Xô có khả năng tiếp cận vệ tinh của "kẻ thù" hơn là tiêu diệt chúng.
Đối với thế hệ vệ tinh hiện đại ngày nay, việc ăn cắp hay can thiệp dữ liệu của các nước khác thậm chí đòi hỏi loại vũ khí phức tạp hơn. Không chỉ chính phủ mà mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh, sử dụng chúng cho nhu cầu hàng ngày như thông tin liên lạc.
Chuyên gia vũ trụ James Oberg nhận định với NBC News rằng khả năng thực hiện hoạt động này có thể kéo theo sự chuẩn bị về mặt chiến lược của quân đội Mỹ, và đẩy nhiều nghi vấn về phía Nga. Theo ông, Lầu Năm Góc có thể đã biết nhiều thông tin về dự án này.
Những lời đồi đoán về sự bí ẩn của vệ tinh này đang mọc lên như nấm. Theo một số suy đoán khác, vệ tinh có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, sửa chữa hỏng hóc, ghi đè và chặn dữ liệu, hay đơn giản là thử nghiệm động cơ không gian mới, xử lý rác vũ trụ. Trong khi đó, các nhà chức trách và Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Nga không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất thử nghiệm nhiều vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất. Trung Quốc và Mỹ cũng là hai nước đi đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ vệ tinh.
Vệ tinh của Trung Quốc từng tấn công hệ thống thời tiết của Mỹ khi không cần phóng vệ tinh riêng, mà thực hiện mục tiêu này từ mặt đất. Việc phá hủy một vệ tinh sẽ tạo ra nhiều rác vũ trụ và ảnh hưởng đến chính vệ tinh tấn công.