Theo dự kiến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lượng hành khách đi lại sẽ tăng mạnh, do người lao động được nghỉ tới 9 ngày. Theo kế hoạch, các hãng hàng không sẽ tăng thêm nhiều chuyến bay và đã lên phương án giải tỏa khách, còn đường sắt dù đã tăng chuyến nhưng số vé ngày và chiều đi lại dịp cao điểm đã hết. Trên một số chuyến chỉ còn lại ghế phụ (ghế nhựa kê giữa lối đi) và đang mở bán.
Gần đến Tết Nguyên đán, câu chuyện tàu xe bắt đầu nóng. |
Theo đại diện Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, vào các khung giờ cao điểm hành khách đi quốc tế tại Nội Bài đạt công suất thiết kế, thậm chí vượt ngưỡng giới hạn khai thác.
Còn tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (từ 20/1 đến 19/2/2019, tức từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng) tăng khoảng 8 - 10% so với cao điểm Tết Âm lịch 2018.
Theo đó, tần suất bay trung bình đạt 806-820 lượt chuyến/ngày, lượng hành khách trung bình 134.207 hành khách/ngày.
Ngày cao điểm nhất trước Tết (2/2) khoảng 900 lượt chuyến (tăng 73 chuyến so với Tết trước); ngày cao điểm nhất sau Tết (10/2) có khoảng 890 lượt chuyến (tăng 57 chuyến so với Tết năm ngoái).
Trước đó, dự kiến lượng hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 14% so cùng kỳ năm ngoái, các hãng hàng không cũng đã xây dựng kế hoạch tăng chuyến.
Hàng không dự kiến tăng hàng nghìn chuyến bay nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. |
Cụ thể, trong dịp này, các hãng hàng không sẽ tăng cường khoảng 5.800 chuyến bay, tương đương 1,2 triệu ghế. Vietnam Airlines sẽ tăng hơn 2.000 chuyến bay so cùng kỳ năm 2018, chuyến bay nội địa chiếm hơn 99% (chuyến bay chuyển sân chiếm gần 50%). Vietjet Air tăng hơn 3.500 chuyến bay, trong đó hơn 77% chuyến bay nội địa. Jetstar Pacific tăng gần 300 chuyến bay, trong đó hơn 90% chuyến bay nội địa.
Vé máy bay bắt đầu “phi mã”
Trên các trang bán vé máy bay trực tuyến, chặng bay Hà Nội - TP HCM, vé bay dịp cận Tết Nguyên đán 2019 vẫn còn nhưng không nhiều và không hề rẻ.
Nếu trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất (2/2, tức ngày 28 tháng Chạp), trên chặng Hà Nội - TP HCM, hành khách vẫn có thể mua vé của Vietnam Airlines với mức giá từ 1,7 triệu đồng cho hạng phổ thông và từ 5,1 triệu đồng cho hạng thương gia. Nhưng ở chiều ngược lại, hầu hết các chuyến ban ngày đều đã hết vé hạng phổ thông, chỉ còn vé hạng thương gia với mức giá lên tới hơn 6,4 triệu đồng...
Vé máy bay chiều TPHCM-Hà Nội đã khan hiếm và giá bị đẩy lên cao. |
Tình trạng trên cũng tương tự ở hãng hàng không Vietjet và Jetstar Pacific, ở chặng bay Hà Nội - TP HCM, hành khách có thể đặt mua vé được. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TP HCM - Hà Nội các chuyến bay đã hết vé. Một số chuyến bay giờ cất cánh muộn, vé cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Việc tăng giá vé dịp cuối năm là do tâm lý nhiều hành khách thấy vé nhưng chưa vội đặt lại muốn chờ vé rẻ hơn, đến khi cạn vé, nhiều hành khách cuối cùng lại phải trả thêm rất nhiều tiền mới có được tấm vé mong muốn.
Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, các hãng vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản lý giá cước vận tải hàng không nội địa, không có hãng nào bán vé vượt quá giá trần.
Hạn chế người đưa tiễn giờ cao điểm tại Nội Bài
Theo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội), dự kiến dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số lượng máy bay cất hạ cánh cao nhất khoảng 520 lượt chuyến/ngày (tăng 15% so với Tết năm 2018). Số lượng hành khách lúc đông nhất khoảng 83.000 khách/ngày (tăng 12% so với Tết 2018).
Để giảm ùn tắc, năm nay, lần đầu tiên cảng hàng không Nội Bài sẽ áp dụng thử nghiệm phương án kiểm soát, phân tách hành khách và người đưa tiễn giờ cao điểm tại tầng 3 - Nhà ga quốc tế T2 để giảm ùn tắc cảng.
Theo đó, vào khung giờ cao điểm 9h -11h và 20h30-23h các ngày từ 15 đến 25/1/2019 (cao điểm Tết), chỉ hành khách đi máy bay, nhân viên nội bộ mới được vào khu vực làm thủ tục hàng không, người nhà đi tiễn hành khách không được vào khu vực này.
Để phục vụ lượng hành khách tăng mạnh dịp Tết, các cảng hàng không đã lên phương án tăng cường lực lượng, máy móc, thiết bị, phương án an ninh, an toàn… Cảng Nội Bài duy trì chế độ trực khẩn cứu nạn 24/24h; lực lượng an ninh cơ động trực tăng cường 50% quân số; phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương để duy trì trật tự công cộng…
Cảng Tân Sơn Nhất, bố trí thêm hơn 800 ghế chờ; thêm 2 máy soi chiếu; đóng một số quầy hàng để tăng diện tích sử dụng cho hành khách tại nhà ga…
Hàng không có một số lưu ý với hành khách đi lại dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, như: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cá nhân, vé máy bay, khuyến khích khách làm thủ tục check-in qua mạng và cột check-in tự động…
Đường sắt chỉ còn ghế ngồi phụ
Trong khi đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, còn khoảng 55.000 vé tàu tuyến Bắc - Nam cả hai chiều trước và sau tết Kỷ Hợi.
Đường sắt đã hết vé chính, chỉ còn ghế ngồi phụ. |
Ở khu vực phía Bắc, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dịp Tết này, đơn vị tăng gần 30 chuyến tàu tăng cường đi các tuyến. Trong đó, tuyến Hà Nội - Nghệ An lập thêm 4 mác tàu dịp trước Tết. Đến nay, đã hết vé giường nằm, chỉ còn một lượng chỗ không đáng kể ghế ngồi.
Tính đến 18/1, còn khoảng 5.200 chỗ trên các mác tàu xuất phát tại ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga từ Nha Trang đến Hà Nội vào thời gian trước Tết từ ngày 25/1 - 3/2/2019 (tức ngày 20 - 29 tháng 12 Âm lịch).
Cụ thể, đến Nha Trang còn gần 1.700 vé, đến Quy Nhơn hơn 900 vé, đến Quảng Ngãi khoảng 450 vé, đến Đà Nẵng gần 200 vé, đến Đồng Hới 300 vé, đến Vinh khoảng 270 vé, đến Thanh Hóa hơn 190 vé và đến Hà Nội hơn 850 vé. Lượng vé còn chủ yếu là ghế ngồi và ghế phụ.
Chiều ngược lại vào Nam sau Tết, còn khoảng 50.200 chỗ xuất trên các mác tàu phát từ ga Hà Nội và các ga tiếp theo đến các ga Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn từ ngày 8/2 - 20/2/2019 (tức ngày 4 - 16 tháng 1 Âm lịch). Những ngày cao điểm cơ bản đã hết vé: Ngày 9/2, 10/1, 12/1 (mùng 5, 6, 8 Tết), chỉ còn một số lượng ít ghế phụ.