Thanh toán viễn thông di động: Dần chiếm lĩnh thị trường

GD&TĐ - Với tốc độ tăng trưởng trên 80%/năm cùng với sự phát triển ngày càng tiện ích, giao dịch thanh toán điện tử được nhiều người lựa chọn. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, công ty kinh doanh viễn thông di động đang dần chiếm lĩnh thị trường giao dịch tiền tệ. Lợi thế này khiến các nhà đầu tư viễn thông không thể làm ngơ.

Thanh toán di động đang dần được nhiều người dân chọn lựa
Thanh toán di động đang dần được nhiều người dân chọn lựa

Nhanh và tiện ích

Với đặc tính tiện ích, nhanh, gọn, an toàn, nên ngày càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ thanh toán di động (thanh toán không dùng tiền mặt). Phương thức thanh toán có thể kể đến như: Thẻ SIM tích hợp thanh toán trong viễn thông, vé xe bus… hay các loại thẻ thanh toán của ngành ngân hàng như: Visa, Master Card, Paypal… Trong đó, viễn thông được đánh giá là ngành sử dụng thẻ thông minh nhiều nhất dưới dạng thẻ SIM.

Ban đầu, thanh toán thẻ xuất hiện dưới hình thức là quẹt thẻ, sau đó là thanh toán online, bao gồm cổng thanh toán và ví điện tử. Tiếp đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng website được phát triển thêm như Alipay, Braintree,

Paymentwall… Từ năm 2010 trở lại đây, khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm…

“Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh, dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng, doanh nghiệp sử dụng do tính tiện dụng, nhanh chóng, khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi và ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Để thay đổi thói quen này phải mất một thời gian”, ông Lâm Thanh Giang, Giám đốc chi nhánh Trung tâm dịch vụ đa phương tiện và giá trị tăng Mobifone Next chia sẻ.

Ví điện tử lên ngôi

Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc và phi tiếp xúc, số hóa thông tin thẻ… Sự tăng trưởng này cho thấy, sức hấp dẫn của thị trường ứng dụng thanh toánví điện tử nói riêng cũng như công nghệ tài chính Fintech nói chung ở Việt Nam. Trước những lợi thế này, nhiều doanh nghiệp, công ty viễn thông đang có động thái tăng tốc đầu tư để thuyết phục người dùng cài đặt ứng dụng thanh toán của mình.

Báo cáo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết: VNPT đang sở hữu lượng khách hàng đông đảo hơn 30 triệu người cũng như hệ thống hơn 100.000 đại lý phủ tới các vùng nông thôn - nơi người dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Trước tiềm năng, nguồn lực sẵn có rất lớn, họ không thể làm ngơ. Hơn nữa, nguồn khách hàng này luôn có nhu cầu sử dụng ví điện tử để thanh toán cước viễn thông với mục đích thuận tiện nhất.

Hiện tại, ứng dụng Mobifone Next đã có đến 1 triệu người dùng; 70% trong số đó có tương tác, giao dịch thường xuyên và nhà mạng cũng được hưởng lợi. Chính vì thế VNPT đang có những chiến lược phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ về lợi ích của việc thanh toán di động của các nhà mạng, ông Lâm Thanh Giang, Giám đốc chi nhánh Trung tâm dịch vụ đa phương tiện và giá trị tăng Mobifone Next cho biết: “Thanh toán di động luôn tiện ích và có lợi cho cả khách hàng và các doanh nghiệp, công ty kinh doanh viễn thông (nhà mạng). Trước hết, khách hàng nếu đóng cước trực tiếp/tháng, sẽ có khuyến mãi 5%/gói.

Còn các nhà mạng cũng được lợi nhiều hơn khi bớt được nhân lực đi tới từng nhà thu cước. Hoặc triển khai với các đối tác thu cước mình phải tốn chi phí hoa hồng. Khi triển khai dịch vụ này, gần như tiền khách hàng thanh toán chảy ngay vào tài khoản Mobifone Next, ít nhất phải giảm được 50% chi phi đi thu cước. Hiện nay, thị trường bán lẻ đang còn rất lớn, chúng ta có thêm bán vé máy bay, bán vé xem phim thậm chí là bán cà phê, bán hoa… Điều đó cho thấy thị trường thanh toán di động đang rất tiềm năng”.

Đánh giá về thị trường thanh toán di động của Việt Nam, ông Chistian Konig, chuyên gia tư vấn công nghệ tài chính (Đức) cho biết: “So với thị trường thanh toán khác, thanh toán theo ví điện tử tại Việt Nam còn ít, nhưng điều đó không có nghĩa thị trường này không có một tương lai hứa hẹn, nhất là khi Việt Nam có đến hơn 90 triệu dân. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm đến thị trường thanh toán di động nói riêng và công nghệ tài chính nói chung tại Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.