Vẽ phụ nữ chính là tôn thờ!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi vẽ xong một nhân vật, Chu Lượng 'thấy mình như vượt qua được ngọn đèo, con dốc của chính mình' để rồi nhận ra 'Vẽ phụ nữ chính là tôn thờ!'.

NSƯT Chu Lượng và nhân vật bên giá vẽ. Ảnh: NVCC
NSƯT Chu Lượng và nhân vật bên giá vẽ. Ảnh: NVCC

Chuẩn bị 32 bức tranh cho triển lãm “Từ chân dung đến chân dung: Những người đàn bà tôi vẽ” sẽ khai mạc ngày 17/3 tại 45 Tràng Tiền (Hà Nội), NSƯT Chu Lượng bảo đó là một quá trình lao động đặc biệt.

Ở đó, mỗi khi vẽ xong một nhân vật anh “thấy mình như vượt qua được ngọn đèo, con dốc của chính mình” để rồi nhận ra “Vẽ phụ nữ chính là tôn thờ!”.

Cuộc chơi mạo hiểm

“Mỗi khi vẽ xong chân dung người phụ nữ nào đó là Chu Lượng mời chúng tôi tụ tập ở quán cà phê để mang tranh đến cho chúng tôi xem, bàn luận rồi về vẽ tiếp. Có những bức tranh tôi thấy đã hoàn thành nhưng Chu Lượng vẫn trầm tư nói “chưa phải người ấy”. Chưa phải người ấy không phải là vẽ không giống người ấy về dáng vẻ bên ngoài mà là con người bên trong người ấy chưa hiện ra đầy đủ nhất. Thế là Chu Lượng lại mang tranh về nhìn họ trong đêm như đang đối thoại với họ. Rồi Chu Lượng tiếp tục thao thức, giày vò và tiếp tục “đi tìm” con người của người ấy”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Khi bắt đầu cầm cọ vẽ chân dung người phụ nữ đầu tiên bằng bột màu (2016), NSƯT Chu Lượng chỉ nghĩ đó là chút duyên ban đầu của mình với phái đẹp chứ chưa khi nào anh mơ tưởng đến một triển lãm về “Những người đàn bà tôi vẽ” như hôm nay.

Cũng bởi, nếu như vẽ đàn ông như khi triển lãm tranh chân dung “Chu Lượng và những người bạn” trước đó rất thành công - anh thấy mình mạnh mẽ, nhưng khi vẽ đàn bà thì “quả là khó thật”!

Nhưng chưa có ý định triển lãm không có nghĩa là ngừng cọ. Trái lại, từ khởi nguồn ấy, Chu Lượng tiếp tục vẽ không phải bằng bột màu mà bằng sơn dầu - từ chưa biết đến tự tìm, tự học kỹ thuật vẽ chất liệu này.

Rồi từ đà bạn bè thúc giục sao không mở triển lãm, anh mạnh dạn bước vào cuộc chơi mạo hiểm này với từng “người đàn bà”, có khi vô cùng gần gũi, thân thiết (là những người bạn, đồng nghiệp, người thân…) nhưng cũng có khi chỉ từ những gặp gỡ tình cờ (nữ sĩ, nhà quản lý, doanh nhân…).

Ví như, khi nhận 2 bức chân dung của mình, “cô ấy” (chân dung 1) liền đề nghị anh vẽ thêm bức thứ ba nhưng từ phía sau. Dù biết đó là “ca hóc hiểm” nhưng Chu Lượng vẫn bước vào hành trình sáng tạo để cuối cùng hái được quả ngọt: Từ phía sau song mọi người đều nhận ra “cô ấy”.

Hay như anh thấy thật khó khi vẽ chân dung một phụ nữ dù rất thân quen song làm thế nào để “không chỉ vẽ một mình chị ấy mà vẽ cả gia đình của chị…” như điều người phụ nữ này bày tỏ.

Vì thế, có rất nhiều câu chuyện sẽ được kể tại triển lãm từ 50 bức tranh chân dung mà Chu Lượng đã cặm cụi vẽ từ 32 nhân vật. Sở dĩ ở đây có sự không tương đồng về số lượng là vì ban đầu anh định vẽ 20 nhân vật, mỗi người 2 bức chân dung (một vẽ theo yêu cầu cho nhân vật và một vẽ theo góc nhìn của anh rồi giữ lại).

Thế nhưng, “tiếng lành đồn xa”, số người muốn được vẽ tăng gần gấp đôi và số tranh anh muốn giữ lại cũng không còn. “Mỗi nhân vật tôi vẽ hai bức. Một cho nhân vật, một cho chính mình, nhưng khi cho họ xem bức của chính mình thì họ đòi sở hữu luôn, thế là trắng tay…”, NSƯT Chu Lượng chia sẻ.

Có kỷ niệm mà NSƯT Chu Lượng nhớ mãi là trong quãng 6 năm vẽ về “những người đàn bà” thì có đến hơn 2 năm dịch Covid-19 hoành hành. Thế nên, có những bức chân dung được anh vẽ hoặc hoàn thành ngay trong thời gian phải cách ly vì nhiễm bệnh.

Dẫu vậy, anh vẫn không rời cây cọ, thậm chí còn lạc quan rằng, virus Corona không bước vào nơi thánh đường của nghệ sĩ được vì nơi đây những người phụ nữ đang hiện diện.

Có đủ sâu sắc để nhận ra khoảnh khắc hay không...

Một bức tranh chân dung của NSƯT Chu Lượng sẽ được trưng bày tại triển lãm 'Từ chân dung đến chân dung: Những người đàn bà tôi vẽ'. Ảnh: Bình Thanh

Một bức tranh chân dung của NSƯT Chu Lượng sẽ được trưng bày tại triển lãm 'Từ chân dung đến chân dung: Những người đàn bà tôi vẽ'. Ảnh: Bình Thanh

NSƯT Chu Lượng đặc biệt biết ơn tạo hóa cho mình chút năng lực hội họa, mở trí cho anh nhìn thế giới ẩn sâu trong mỗi con người, nhất là những người phụ nữ, để anh nhận ra: “Đàn bà, họ là nguồn cảm hứng vô tận và là nguồn năng lượng tiếp thêm cho sự sáng tạo của họa sĩ”.

Bởi thế, có thể với mỗi nhân vật hiện diện trong triển lãm đều có một lý do, một đề nghị và câu chuyện riêng. Còn với Chu Lượng thì mỗi nhân vật còn là một niềm hạnh phúc, cùng những cảm xúc để anh thấy cuộc sống ý nghĩa và đáng yêu hơn.

Đó có thể là kỷ niệm về một người chồng điện thoại đặt Chu Lượng vẽ chân dung vợ mình nhân kỷ niệm 15 năm ngày cưới khiến anh xao động không chỉ vì cảm kích trước tấm tình đẹp mà còn vì: “Giữa thời buổi mà cuộc sống mưu sinh đã làm cho chúng ta quên đi những ứng xử giản dị, nhưng cần thiết cho cuộc sống của mỗi chúng ta”.

Những cảm xúc xao động này còn lưu ở bức tranh Chu Lượng vẽ đồng nghiệp mà anh gọi cô ấy là “người đến từ tháng 4”: “Qua bức chân dung của con người giản dị này đã mang cho tôi niềm vui, chen những nỗi buồn man mác. Cô ấy muốn lưu giữ lại một di sản của Hà Nội qua bức tranh, trong khi Hà Nội đang mất đi những di sản vốn có của mình...”.

Hay khi vẽ nghệ sĩ chèo Lan Anh - con người luôn trĩu nặng những hoài niệm song anh như nhận được năng lượng: “Nhưng hoài niệm trong con người cô lại chính là nguồn năng lượng rất lớn, nó lan tỏa sang tôi, rọi soi cho tranh tôi vẽ, và như rọi soi cho cả con đường nghệ thuật của tôi, cả số phận tôi…”.

Còn từ câu chuyện tình cờ gặp gỡ đến việc nhận lời vẽ chân dung nhà thơ Dương Dương Hảo, anh chia sẻ về con đường hội họa của mình không phải bắt đầu từ những gì to tát, cao siêu mà “thường bắt đầu bằng những kỷ niệm giản dị, chân tình… như hơi thở vậy. Hơi thở không phải bão tố nhưng có ai không thở, cũng như có ai không sáng tạo khi còn thở, nếu họ là con người”.

Đặc biệt, từ đây, Chu Lượng thêm một lần được thổ lộ về con đường nghệ thuật của riêng mình: “Với tôi, và hình như với cả nghệ thuật hội họa nói chung, khoảnh khắc là quan trọng nhất. Chỉ là ta có đủ sâu sắc để nhận ra cái khoảnh khắc ấy không. Nhận ra rồi ta có đủ tưởng tượng về màu sắc hình khối để trò chuyện, để nói cho khoảnh khắc kia niềm xúc động của ta hay không…”.

Và, tận cùng của sáng tạo luôn là “trắng tay” được anh lý giải: “Đó là sự cô đơn hay là sự đuổi theo đến kiệt sức của cá nhân họa sĩ trước cái đẹp thường thấp thoáng, chập chờn… Bởi vì hạnh phúc sáng tạo chính là sự cô đơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ