(GD&TĐ) - Đầu năm Tân Mão về làng nổi danh với “truyền thống” bắt, ăn thịt chuột Đồng Tỉnh, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thấy cảnh chợ thật tấp nập. Chợ làng Đồng Tỉnh nằm ở ngay ngã tư đường làng nhưng giờ sầm uất như phố thị.
Bên cạnh những cửa hàng rau thịt, đồ gia dụng là một dãy bán thịt chuột to nhỏ đủ cả. Không hiểu đã thành lệ làng từ bao giờ, chỗ chuyên bán thịt chuột này không có lán trại nhưng đã mấy chục năm rồi nó vẫn nghiễm nhiên là chỗ dành cho người bán thịt chuột. Người bán các mặt hàng khác không thể len chân thế chỗ vào đây được, dẫu rằng mặt bằng kinh doanh ngày càng chật chội và có thể hái ra tiền.
Chuẩn bị giọ đơm chuột |
Đổ nước cho chuột chạy ra khỏi hang |
Mặt hàng thịt chuột mà chợ làng Đồng Tỉnh hay bán là loại chuột đàn, được đánh bắt ngoài đồng. Giá một kg thịt chuột hiện nay khoảng 80.000đ/kg. Mặc dù đắt vậy nhưng khách hàng đến mua khá đông. Chợ bày bán thịt chuột thường bắt đầu từ 4 giờ chiều với khoảng 6-7 mẹt, chuột đã được vặt lông, luộc sẵn nhưng chỉ đến khoảng 6 giờ tối là hết veo.
Khách từ nơi xa đến đây mua cũng có, nhưng ít, mà khách chủ yếu là người trong xã. Theo như người dân ở đây, thịt chuột béo gậy, ăn dễ tiêu, đặc biệt nhắm với rượu tự chưng cất thì thật tuyệt vời, hơn bất cứ một thứ đồ nhắm nào khác.
Đối với nhà nông, chuột là loài động vật bị ghét nhất nên mới có câu “ghét như nhà nông ghét chuột”. Đối với mọi người nói chung cũng đều ghét chuột và … sợ chuột. Bởi chuột ở nông thôn thì tàn phá mùa màng. Chuột ở trong nhà thì tàn phá đồ gia dụng và thậm chí còn mang mầm bệnh dịch hạch. Nhưng ở làng Đồng Tỉnh này thì lại coi chuột là đối tượng hoàn toàn khác. Nó là thứ đồ nhắm ngon. Nó tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khá nhiều hộ gia đình.
Sở dĩ chợ chuột duy trì được sự tồn tại là do những người bán thịt chuột luôn giữ được uy tín về "nguồn gốc" mặt hàng này. Đây là thứ chuột bắt ngoài đồng bãi. Loại chuột này thường ăn các thứ rau, củ, quả nên hầu như rất lành. Một minh chứng là những người đi bắt chuột hàng ngày bị chuột cắn toé máu đến vài lần nhưng chẳng làm sao cả. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì “làng” bán và ăn thịt chuột chưa thấy có ai bị bệnh gì liên quan đến việc bắt và ăn thịt chuột.
Góc chợ bán thịt chuột độc quyền |
Thịt chuột đắt, nhiều người đi săn bắt nên để bắt được 1kg chuột cũng không hề đơn giản. Đội đi bắt chuột thường có hai người, một con chó săn. Dụng cụ bao gồm thuổng hoặc xè beng và vài cái giọ. Chó bắt chuột thường được huấn luyện rất công phu. Chúng chỉ cần đánh hơi là biết hang nào có chuột ăn được hang nào không. Bởi trong nhiều loại chuột thì chuột chù là loại chuột không ăn được, rất hôi vì nó sống chủ yếu nơi cống rãnh và ăn xác động vật hôi thối. Khi gặp loại chuột này, chó sẽ không sủa, cào bới mà lẳng lặng bỏ đi. Bản năng nó thế, chính những người đi săn chuột cũng chẳng biết tại sao. Còn khi gặp hang chuột ăn được như chuột đàn, chuột đất thì chúng sủa vang, chân cào bới cửa hang và đuôi ngoáy tít. Thế là chủ nhân chỉ việc đi tìm ngách chuột để đơm giọ vào và đào hang hoặc đổ nước hay hun khói cho đến khi chuột chui ra đằng ngách rồi vào giọ.
Hàng ngày, những người đi săn chuột phải đi hết cánh đồng làng nọ sang làng kia mới bắt được vài ba kg chuột đàn. Còn chuột đất thì hoạ hoằn lắm mới bắt được một con, thậm chí cả năm chẳng bắt được con nào. Nhưng khi bắt được thường họ không bán mà tự làm ăn thưởng thức trong gia đình vì theo họ đây là chuột hiếm gặp, ăn rất ngon. Chuột đất thường to, có con nặng đến 2 kg. Thịt chuột làm song cho vào chảo xào tái lăn hay luộc hoặc nấu kiểu dựa mận đều ngon tuyệt. Ăn miếng nào sần sật miếng ấy, ngọt thỉu.
Thịt chuột ở đây vừa đắt khách vừa được giá |
Bắt được chuột đã là công phu thì làm chuột cũng là cả một công phu nữa. Người ta phải đun nước sôi già. Sau đó đổ vôi bột hay tro của rơm vào nồi nước sôi rồi mới nhúng chuột vào và vặt lông. Nhúng chuột vào nước sôi cũng chỉ trong tích tắc vì lâu quá sẽ làm tượt da chuột, mất ngon. Sau khi chuột được làm lông, mổ bỏ phủ tạng thì cho vào nồi luộc chín tới thì bỏ ra sàng treo lên chờ đến khi nguội thì đem ra ăn hoặc bán. Khi chặt chuộc bày lên đĩa người dân Đồng Tỉnh thường giắc thêm ít lá chanh thái chỉ, nom cứ như đĩa thịt gà đồng vậy.
Một điều kỳ lạ là, có xem mổ chuột mới biết, chẳng con chuột nào thấy mật cả. Có lẽ như câu nói “chuột sợ mất mật” chăng mà kể cả những người có thâm niên mấy chục năm bắt, mổ chuột cũng chẳng nhìn thấy mật chuột bao giờ.
Trà My