Về nơi sản phụ uống hàng trăm lít nước sôi trong 3 ngày sau sinh

Sau khi sinh nở, phụ nữ Vân Kiều ở bản Đoòng phải thức trắng, uống nước sôi sùng sục trên bếp liên tục trong 3 ngày, 3 đêm. Với họ, đó là cách nhanh nhất để lấy lại sức khỏe thời kỳ hậu sinh sản.

Về nơi sản phụ uống hàng trăm lít nước sôi trong 3 ngày sau sinh

Uống nước sôi sùng sục trong 3 ngày sau sinh

Bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm sâu trong dãy núi đá vôi hùng vỹ thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Sống tách biệt với thế giới bên ngoài, cuộc sống của họ đến nay hầu như vẫn mang đặc tính tự nhiên vốn có, vì vậy, việc sinh tồn qua thời gian được họ đúc rút kinh nghiệm rồi truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau.

Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc cho biết: “Cả bản có 7 hộ dân sinh sống. Từ ngày lập bản đến nay, người dân chúng tôi chưa biết đến Trạm y tế là gì. Những lần có người đau ốm hay phụ nữ sinh đẻ, chúng tôi đều sử dụng các loại lá cây được hái trong rừng về làm thuốc”.

Chuyện sinh đẻ của phụ nữ ở đây cũng là một trong những điều hoàn toàn khác biệt với phụ nữ ở các vùng miền khác.

Với địa hình núi đá hiểm trở, để làm ra hạt lúa, củ khoai, người phụ nữ Vân Kiều hàng ngày phải trèo đèo, lội suối vất vả. Công việc nặng nhọc đòi hỏi người phụ nữ phải có sức khỏe cực kỳ tốt. Muốn vậy, họ phải thực hiện những nghi thức trong thời kỳ sinh nở vô cùng kỳ lạ, đó là tục uống nước sôi trong 3 ngày, 3 đêm sau khi sinh.

Về nơi sản phụ uống hàng trăm lít nước sôi trong 3 ngày sau sinh - Ảnh 1

Các loại rễ cây được phụ nữ ở đây tự tay chuẩn bị trước khi họ “vượt cạn”

Theo những người phụ nữ trong bản kể lại, khi họ mang bầu được 6 tháng thì họ trực tiếp vào rừng hái các loại rễ cây như cây dứa gai, củ éo, bồ câu, hạ thủ ô, sâm rừng.... Với họ, những cây thuốc này có tác dụng đào thải chất độc trong cơ thể người phụ nữ ra ngoài.

Chị Hồ Thị Thắm (31 tuổi) không giấu giếm “kinh nghiệm” sinh nở của mình: “Trong 3 ngày sau sinh, chúng tôi phải uống khoảng 15 nồi nước, mỗi nồi trung bình 4 lít nước được nấu từ các loại rễ cây mà chúng tôi đã chuẩn bị trước đó.

Trừ những lúc ăn cơm, cho con bú, chúng tôi phải thức trắng để uống nước đang sôi sùng sục trên bếp. Mỗi khi uống hết, mẹ chồng hoặc các chị em trong nhà sẽ chêm nước vào nồi nấu tiếp. Chúng tôi cứ uống như vậy cho đến hết 3 ngày, 3 đêm mới thôi”.

Chị Hồ Thị Thư (SN 1992), đã trải qua hai lần sinh nở chia sẻ: “Ngày đầu, do uống quá nhiều nước sôi nên miệng tôi bỏng rát. Sang ngày thứ hai, tôi thấy quen dần rồi trở nên bình thường từ lúc nào không biết”.

Về nơi sản phụ uống hàng trăm lít nước sôi trong 3 ngày sau sinh - Ảnh 2

Phụ nữ thuộc tộc người Macoong cũng có tục uống nước sôi sau khi sinh

Câu chuyện người phụ nữ uống nước sôi sau khi sinh không chỉ có ở bản Đoòng mà ngay cả người phụ nữ thuộc tộc người Macoong ở xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cũng có hủ tục nói trên.

Chị Y Moong (52 tuổi), bản Cà Roong 1, xã Thượng Trạch cho biết: “Mình sinh 4 đứa con rồi, đứa nào cũng phải uống nước sôi được hái từ các loại cây trong rừng sâu. Nhờ vậy mà sau khi sinh con, mình khỏe như con voi, có thể băng rừng, vượt núi được ngay”.

Phụ nữ đều có thể trở thành người đỡ đẻ

Từ lâu, việc sinh con đẻ cái của người Vân Kiều ở đây cũng tự nhiên như các loài muông thú trong rừng. Sinh con, họ không đến các trạm y tế mà ở nhà vượt cạn.

Đến thời kỳ sắp sinh, chúng tôi được dựng một cái chòi riêng biệt để nằm đẻ. Tuy nhiên, có những trường hợp không kịp làm chòi thì chúng tôi đẻ ngay trong nhà.

sinh con ở nhà, nên những phụ nữ ở đây đều có thể trở thành người đỡ đẻ. Như trường hợp bà Hồ Thị Hoa (59 tuổi) đã 7 lần sinh con, hàng chục lần đi đỡ đẻ cho con gái và con dâu của mình.

Thông thường, sau khi sinh, người phụ nữ phải kiêng khem khá nhiều thứ, đặc biệt là phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để lấy lại sức khỏe, nhưng với phụ nữ Vân Kiều ở đây lại không có bất kỳ một chế độ kiêng khem gì.

Chị Thắm cho biết: Chỉ ba ngày sau sinh, chúng tôi phải tự mang quần áo ra suối giặt. Sở dĩ như vậy vì chúng tôi có quan niệm, những quần áo mặc trong lúc vượt cạn và ba ngày sau sinh phải tự tay người sản phụ giặt giũ. Ngay cả mẹ đẻ hoặc những người phụ nữ thân thiết trong nhà cũng không được giặt hộ”.

Sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên những người sản phụ ở đây cũng không có chế độ ghỉ ngơi, bồi dưỡng. Thức ăn trong kỳ sinh nở của họ chỉ có cơm trắng với muối rang, hi hữu lắm họ mới được ăn một bữa cá hoặc vài miếng thịt kho thật mặn.

Chỉ sau khi sinh một tuần, những phụ nữ ở đây lại tiếp tục đeo gùi vào rừng tìm thức ăn hoặc trèo nương làm sắn, làm ngô để lấy cái ăn cho cả nhà. Khó nhọc là vậy nhưng dường như đối với họ, những việc làm ấy quá đỗi bình thường.

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết: “Ở bản Đoòng nói riêng, xã Tân Trạch nói chung vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó có phong tục sinh nở của phụ nữ. Quá trình công tác tại địa bàn, chúng tôi luôn vận động bà con hình thành thói quen đến Trạm y tế để sinh đẻ và khám bệnh. Thực tế, đến nay, nhận thức của bà con đã có nhiều chuyển biến tích cực,cũng đã có trường hợp phụ nữ đến Trạm y tế để sinh nở rồi”.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...