Trải qua nghìn năm phát triển, chiếu làng Hới gắn liền với những câu chuyện lịch sử về nhân vật Nguyễn Thị Lộ lên kinh thành bán chiếu và trở thành bạn đời của Nguyễn Trãi.
Làng chiếu - làng danh nhân
Làng Hới xưa có tên là Hải Hồ, Hải Thị, nay là Hải Triều thuộc xã Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình). Không chỉ có nghề làm chiếu trứ danh, làng Hới cũng là quê hương của các danh nhân: Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Giám sát ngự sử Đặng Ất.
Trước khi Nguyễn Thị Lộ lên kinh thành bán chiếu và gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành người bạn đời của ông, rồi cùng vào Lam Sơn tụ nghĩa dưới ngọn cờ của thủ lĩnh Lê Lợi, thì làng Hới đã có nghề dệt chiếu. Một số nguồn sử liệu địa phương cho rằng, nghề dệt chiếu của làng Hới đã có từ thời Lý - Trần.
Thậm chí, có nguồn sử còn khẳng định làng Hới vào thời Tiền Lê - Lý đã hình thành nghề dệt chiếu. Bằng chứng là ngôi làng bên dòng sông Luộc, có vị trí gần ngã ba sông nhiều bãi bồi dễ tiếp cận nguồn cói và đay.
Hơn nữa, trước đó làng có tên Hải Thị vì nằm kề ngã ba sông tấp nập trên bến dưới thuyền. Hàng hóa, nông sản đã sớm từ vùng đất này ngược dòng sông Hồng, sông Luộc tỏa đi các phủ lộ, ngược lên kinh đô, ngang qua phố Hiến.
Nghề dệt chiếu làng Hới cứ thế tồn tại, và sự việc lịch sử có ghi về Nguyễn Thị Lộ đem chiếu làng mình lên kinh thành để bán (đầu thế kỷ 15) - là minh chứng cụ thể nhất cho sự phát triển của nghề. Nhưng nghề chiếu làng Hới chỉ thực sự phát triển sau khi được Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ cải tiến, nâng cấp cách làm nên ông được dân làng tôn là tổ nghề.
Phạm Đôn Lễ sinh năm 1457 tại làng Hới, trong một gia đình nghèo khó, bố làm nghề chài lưới, mẹ bán quán nước bên bến sông. Từ khi Phạm Ðôn Lễ ở tuổi thơ ấu thì người cha qua đời, hai mẹ con bấu víu vào nhau. Khi Phạm Ðôn Lễ 3 tuổi, trong một lần chơi trên đê sông Luộc thì bị lạc.
Bà mẹ lặn lội tìm con khắp nơi nhưng tin tức về người con thất lạc vẫn bặt vô âm tín. Bà không ngờ rằng trong khi lang thang và bị lạc trên bờ sông Luộc, Phạm Ðôn Lễ đã được một người giàu có quê ở Thanh Hóa đón lên thuyền đưa về nuôi dưỡng.
Khi đến tuổi đi học, người bố nuôi đã cho Phạm Ðôn Lễ cùng người con trai của mình theo thầy học chữ. Thầy dạy học rất yêu quý bởi sự thông minh, học một biết mười của ông. Năm Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Ðức 12 đời vua Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi, Phạm Ðôn Lễ ứng thí. Trải qua thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu. Sử chép: Vua ngự ở Ðiện Kính Thiên, thảo ra văn sách, hỏi về lý số, Phạm Ðôn Lễ đều trả lời rành mạch, lời lẽ phóng đạt trôi chảy, vua cho đỗ Trạng nguyên.
Sau khi thi đỗ, được cha nuôi kể cho nghe về quê hương, bản quán của mình; đến lúc này quan Trạng mới biết quê chính của mình là ở làng Hải Triều ven sông Luộc. Ông tìm về quê hương để gặp người mẹ già khốn khổ vẫn năm tháng ngóng chờ tin con. Trong vai người khách bộ hành, Phạm Ðôn Lễ về bến đò Cà bên bờ sông Luộc, thuộc làng Hải Triều, thấy có quán nước xiêu vẹo ở bên bờ sông.
Trong quán có cụ già mái tóc bạc phơ đang ngồi bán nước cho khách, Phạm Đôn Lễ vào nghỉ chân và lân la hỏi chuyện. Khi hỏi đến con cái thì cụ già buồn rầu, vừa khóc vừa kể cho khách nghe về người con trai bị thất lạc năm 3 tuổi, đến nay đã trên 30 năm. Bà vẫn hàng ngày vừa bán hàng nước, vừa ngóng tin con.
Quan Trạng cải tiến nghề dệt chiếu
Phạm Đôn Lễ liền hỏi: Cụ còn nhớ con trai có đặc điểm gì dễ nhớ không? Cụ già bán nước nói trong nước mắt: Ở giữa gan bàn chân trái chân con trai tôi có nốt ruồi đỏ như son.
Quan Trạng nghe nói vậy, biết ngay đây chính là người mẹ đáng thương của mình, nhưng vẫn cố nén lòng, xin cho được nghỉ nhờ trên chiếc chõng tre. Khi nằm trên chõng, ông cố ý gác chân trái lên chân phải để lộ nốt ruồi đỏ ở gan bàn chân trái của mình. Cụ già bán quán vô tình nhìn thấy, bất chợt ôm mặt khóc to.
Thấy vậy, Phạm Đôn Lễ vội ngồi dậy mở lời: Vì sao cụ khóc? Cụ già nói: Tôi khóc vì nhìn thấy nốt ruồi ở gan bàn chân trái của quý khách giống như của con trai tôi ngày còn bé. Không thể nén được nỗi lòng mình, Trạng nguyên vội đứng dậy tiến lại ôm chầm lấy người mẹ già đáng thương. Ông nói: Thưa mẹ, con chính là đứa con trai bị thất lạc của mẹ 30 năm trước.
Mấy năm sau khi mẹ con đoàn tụ, người mẹ đáng thương ấy qua đời. Trong thời gian về chịu tang mẹ, thấy dân làng Hải Triều có nghề dệt chiếu nhưng chiếu làm ra không đẹp, hơn nữa khung dệt lại cao, đay rùi làm cho lá chiếu không phẳng nên Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu nguyên nhân.
Lại có giai thoại cho rằng, khi ông đến vùng Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) trong một chuyến đi công cán, Phạm Ðôn Lễ thấy dân ở vùng này sống bằng nghề dệt chiếu và trồng cói, ông đã để tâm tìm hiểu kỹ thuật của họ. Khi về nước ông đem truyền lại những bí quyết đã học hỏi được cho dân làng Hới.
Ðồng thời ông còn cải tiến khung dệt chiếu thấp xuống, lại làm thêm ngựa đỡ đay ở trên khung, giúp cho sợi dây thêm căng, đồng thời dùng nêm tre để nêm chèn ở phần cuối khung chiếu, giúp cho sợi đay trên khung không bị chùng xuống.
Từ đó chiếu của làng Hới làm ra vừa phẳng, vừa đẹp. Không chỉ có vậy ông còn hướng dẫn dân làng cách dệt chiếu đậu (đay đôi, cỏ đôi), chọn cỏ cói vừa đều, vừa hồng, vừa đẹp, đồng thời phổ biến cách dệt chiếu cải chữ hoa và cách nhuộm cói.
Ông cũng truyền dạy kỹ thuật trồng cói ở các vùng nội đồng giáp sông. Cói trồng ở đây khi thu hoạch, chẻ cói ra đem phơi được nắng thì cói vừa hồng vừa bền, lại đẹp và khó mốc. Kỹ thuật nhuộm màu tinh xảo, lá chiếu đậu được dệt ra trung bình dùng được từ 5 - 7 năm mới phải thay chiếu khác.
Thế nên, người xưa kia vẫn truyền tụng câu ca: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” để nói về sự bền và cái đẹp của chiếu Hới. Với công lao đối với dân làng nên ngay khi còn sống, ông được dân làng trìu mến gọi là “Trạng chiếu”; và sau khi qua đời, dân làng suy tôn ông là tổ nghề làm chiếu.
Sách “Danh nhân Thái Bình” ghi rằng: “Nghiên cứu về sự phát triển của kỹ thuật dệt chiếu ở Hải Triều thấy có 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1: Bàn dệt đứng, không có ngựa đỡ sợi. Giai đoạn 2: Bàn dệt nằm có ngựa đỡ sợi. Giai đoạn 2 của kỹ thuật dệt chiếu tiến bộ hơn. Sợi đay căng thuận lợi cho người trao gon (tức trao cói), chiếu dệt ra đẹp hơn, sợi đan đều hơn và dĩ nhiên, vì thế, sản phẩm càng được ưa chuộng hơn...
Công lao cải tiến kỹ thuật này, theo tài liệu văn hóa dân gian, thuộc về Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Như vậy, dòng họ Phạm đã có công lao truyền bá nghề dệt chiếu vào miền duyên hải, trong đó có Hải Triều. Trải gần 5 thế kỷ tồn tại và phát triển đến cuối thế kỷ 15, kỹ thuật dệt chiếu có sự cải tiến do chính Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ và bảo lưu đến ngày nay, tạo nên một truyền thống kỹ thuật của thủ công nghiệp chiếu ở Bắc Việt Nam nói chung, Hải Triều nói riêng”.
Nghìn năm nghề chiếu vẫn bền
Cũng như nhiều làng nghề làm chiếu khác, chiếu Hới có nhiều loại khác nhau: Cải, đậu, đót, trơn, kẻ dọc màu, ít hoa, cạp điều, sợi xe… với các kích thước to nhỏ tùy loại. Chiếu mới có màu trắng ngà, mùi thơm thoang thoảng của cói đồng khô. Chiếu dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải, dễ giặt, thoáng sạch, thoát nước nhanh, phơi mau khô.
Nguyên liệu dệt chiếu là cói và sợi đay. Cói và đay là 2 loại cây được trồng rất thích hợp ở các triền sông, bãi bồi nhiều phù sa. Sau khi thu hoạch, các loại cây này được chế biến qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ để thành nguyên liệu dệt chiếu. Tùy theo những loại chiếu cần dệt mà nguyên liệu được nhuộm màu theo những yêu cầu khác nhau.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu là công đoạn dệt chiếu. Công cụ thủ công để dệt chiếu chính là khung dệt bao gồm sáu phần liên kết với nhau. Cọc nêm nối với đòn ngang để treo sợi dọc; đòn ém để kéo căng sợi dọc từ đòn bên này qua khung sang đòn bên kia; đòn kê có chiều dài bằng rộng chiếu, đặt cố định đỡ sợi dọc và khung dạo không chạm đất. Khung dạo là bộ phận quan trọng nhất, làm từ gỗ dài bằng chiều rộng chiếu.
Khung này tạo mặt sợi dọc và chia đôi sợi khi khung ở tư thế sấp, ngửa để đưa sợi ngang vào và siết chặt; cây văng que là một thoi dài khoảng 2m, đầu nhọn để quấn sợi, luồn sợi dệt. Ngoài ra còn có xơ dầu làm từ sợi đay, dùng để bôi dầu lên sợi cho trơn và không đứt khi dệt. Trước khi dệt, thợ dệt phải rũ cói, đảo cói và mắc sợi đay lên khung tạo thành mặt. Khi dệt cần hai người, một xếp cói và một dệt, có thể thay đổi vị trí.
Hai người phải phối hợp nhịp nhàng: Khi người dệt điều chỉnh cây về ngửa thì người xếp xếp phần gốc cọng, và ngược lại khi cây ở tư thế sấp thì xếp phần ngọn cọng. Hai người làm như vậy cho đến hoàn thành chiếc chiếu. Đó là quy trình cơ bản cho chiếu trơn thông thường. Với mỗi loại chiếu khác nhau thì kỹ thuật dệt và chuẩn bị nguyên liệu khác nhau.
Chiếu cói sau khi đã được dệt xong theo đúng kích thước, sẽ được người thợ cẩn thận cắt bỏ những sợi cói dư thừa, phơi nắng sau đó buộc chặt để đảm bảo độ bền. Tại thời điểm này, chiếu có thể được đưa ra thị trường hoặc được mang đi vẽ hoặc in màu để tăng thêm vẻ đẹp.
Thợ chiếu làng Hới thường dệt cải chữ thọ, bông hoa, chân dung, chữ lồng hoặc họa in hay vẽ. Đây cũng chính là phương pháp dệt chiếu khó nhất đòi hỏi phải có những bí quyết, sáng tạo kỹ thuật và cần có kinh nghiệm. So với chiếu ở các nơi khác, chiếu Hới có kỹ thuật cải tinh xảo hơn rất nhiều. Bởi vậy mà một số giai thoại cho rằng, chiếu làng Hới từng là hàng hóa tiến vua.
Từ sau năm 1945, các xưởng dệt chiếu của người nước ngoài, đặc biệt là người Hoa ở quanh khu vực phố Hiến không còn tồn tại, nhưng nghề dệt chiếu làng Hới vẫn âm thầm phát triển.
Khoảng những năm 1955 - 1985, ở thời kỳ bao cấp, các thợ dệt chiếu làng Hới được tổ chức vào các hợp tác xã “chấm công, ăn điểm”. Bởi vậy, dù có nhiều tích cực trong việc sản xuất số lượng hàng hóa, nhưng những thợ giỏi của làng cũng chỉ làm ra những lá chiếu bình thường, ít khi sản xuất hàng tinh xảo.
Từ khi xóa bỏ bao cấp, chiếu làng Hới từng bước được khôi phục. Dần dần không chỉ làng Hới làm chiếu, mà các thôn làng xung quanh cũng tham gia, nhiều gia đình giàu lên nhờ nghề làm chiếu, nhiều công ty được thành lập. Đặc biệt, sản phẩm chiếu Hới lúc này không chỉ bán ở trong nước mà theo các kênh phân phối, có mặt ở nhiều nước trên thế giới.
Theo thống kê của UBND xã Tân Lễ, các hộ sản xuất hiện nay đã áp dụng công nghệ vào các khâu sản xuất nên chất liệu chiếu nâng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ. Hiện, toàn xã có khoảng 30 hộ với hàng trăm máy dệt chiếu các loại, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Bên cạnh các loại chiếu truyền thống, địa phương cũng sản xuất nhiều loại chiếu mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Năm 2023, tổng thu nhập từ nghề chiếu tại xã Tân Lễ ước đạt gần 600 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 72 - 96 triệu đồng/người/năm.
Theo các cao niên, từ xa xưa hội chiếu làng Hới diễn ra vào ngày mồng 6 (ngày mất của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ) đến mùng 9 tháng Giêng. Dịp này, diễn ra nghi lễ tế tổ nghề và có cuộc thi dệt chiếu giữa các giáp trong sân đình. Giáp nào đạt giải Nhất chính là điềm may đầu năm mới, đồng thời khẳng định danh tiếng, tay nghề của phường thợ giáp đó. Ngày xưa cũng tồn tại quan niệm đi lễ đầu năm mua chiếu như một phong tục cầu may, cầu hạnh phúc, gia đình hòa thuận êm ấm.