Tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi khiến triều Nguyên nể phục

GD&TĐ - Mạc Đĩnh Chi là vị trạng nguyên nổi tiếng thông minh uyên bác. Sinh thời, ông để lại nhiều giai thoại hay, thể hiện tài ứng đối hơn người.

Câu đối qua ải

Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) có tên tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am, ông là dòng dõi của Mạc Hiển Tích – Người từng đỗ Thái học sinh thời vua Lý Nhân Tông.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, sau khi đỗ trạng nguyên ở khoa thi năm 1304 thời Trần Anh Tông, ông ra làm quan, thăng dần đến chức Tả Bộc xạ (Tể tướng). Nhờ có tài năng uyên bác trên nhiều lĩnh vực, khả năng ứng biến hơn người, Mạc Đĩnh Chi nhiều lần được vua Trần cử đi sứ để bang giao với các nước lân cận như triều Nguyên (Trung Quốc) và Cao Ly (CH DCND Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay).

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, chuyến đi sứ đầu tiên của Mạc Đĩnh Chi diễn ra năm 1308. Đó là khi khi sứ nhà Nguyên sang báo Nguyên Vũ Tông lên ngôi năm 1307.

Trên đường đi, do gặp thời tiết bất lợi, đoàn sứ bộ đến cửa ải chậm một ngày so với ngày hẹn trước. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua, dù Mạc Đĩnh Chi nói mãi.

Sau đó, viên quan này thả từ trên cao xuống một vế đối và bảo đối lại, nếu đối được sẽ mở cửa cho qua ải. Vế đối có nội dung: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan” - Nghĩa là: “Qua cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan”.

Mạc Đĩnh Chi nghĩ đây quả thật là một vế đối quá hiểm hóc, rất khó đối lại, bởi chỉ 11 chữ mà có tới 4 lần nhắc lại chữ “quan”, còn chữ “quá” được nhắc tới ba lần. Tuy nhiên, không thể im lặng, vì đây là chuyện thể diện quốc gia.

Suy nghĩ một lát, ông ứng khẩu: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”. Nghĩa là: “Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước). Cái hay ở chỗ vế đối lại cũng gồm mười một chữ, cũng dùng tới bốn chữ “đối” trong vế, còn chữ “tiên” được nhắc 2 lần. Ý đối rất chỉnh và ứng đối lại rất nhanh, khiến quan quân phải chịu mở cửa ải để Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ bộ đi qua.

tai-ung-doi-cua-mac-dinh-chi-khien-trieu-nguyen-ne-phuc-2-838.jpg
Bìa sách Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ảnh minh họa: ITN.

Giương cung bắn “Mặt trời”

Khi đoàn sứ bộ diện kiến hoàng đế nhà Nguyên, để “nắn gân” quan trạng Đại Việt, vua Nguyên đọc một vế đối: “Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đàn thiêu tàn ngọc thỏ” - Nghĩa là: “Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng”.

Vế đối của hoàng đế nhà Nguyên có ý tự phụ, xem mình là vua “thiên triều”, là bậc quân tử, như “Mặt trời đỏ có thể thiêu cháy tất cả”, còn các nước lân bang chỉ là “Mặt trăng” yếu ớt, chỉ sáng vào ban đêm, còn ban ngày sẽ bị Mặt trời thiêu cháy.

Hiểu rõ dụng ý kẻ cả nước lớn và cả bóng gió đe dọa của vua Nguyên, bằng trí thông minh, mẫn tiệp, Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu: “Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô” - Nghĩa là: “Trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rơi Mặt trời”.

Vế đối lại của Mạc Đĩnh Chi rất chỉnh, ý tự mạnh mẽ, câu đối tỏ rõ bản lĩnh của sứ thần, chẳng khác nào khẳng định mình có thể bắn thẳng vào mặt vua Nguyên. Nhận thấy một vế đối vừa táo bạo, vừa bản lĩnh, uyên bác, hoàng đế triều Nguyên dù hậm hực vẫn chẳng thể nào bắt bẻ được ông.

Chim tước đậu cành trúc

Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, một hôm viên Tể tướng nhà Nguyên mời Mạc Đĩnh Chi vào phủ ngồi. Bấy giờ đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim tước (chim sẻ) vàng đậu cành trúc. Mạc Đĩnh Chi giả lầm là con chim tước thực, vội chạy đến bắt. Quan lại nhà Nguyên cười ồ lên, cho là người phương xa bỉ lậu, không biết gì. Thấy vậy, Đĩnh Chi liền kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao?

Ông điềm tĩnh trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim tước (tước đậu cành mai), chứ chưa thấy ai vẽ chim tước đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim tước… Trúc là bậc quân tử, tước là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy nên tôi trừ giúp bọn tiểu nhân cho thánh triều”. Mọi người nghe vậy, ai nấy đều phục tài của ông.

tai-ung-doi-cua-mac-dinh-chi-khien-trieu-nguyen-ne-phuc-1-1196.jpg
Đền thờ Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách. Hải Dương). Ảnh minh họa: ITN.

Thử tài lần cuối

Cũng theo các tài liệu lịch sử, khi đi sứ phương Bắc, thấy Mạc Đĩnh Chi dung mạo xấu xí, vua quan triều Nguyên nhiều lần tỏ ý dè bỉu, chê bai “nắn gân nắn cốt” ông nhưng bằng tài trí cùng khả năng ứng biến hơn người, Mạc Đĩnh Chi luôn khiến triều đình nhà Nguyên khâm phục, phong ông làm “Lưỡng quốc trạng nguyên” – Trạng nguyên của 2 nước.

Trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến vua Nguyên lần cuối. Vẫn muốn thử tài quan trạng nước Việt, lần này Vua Nguyên không ra vế đối nữa mà hỏi những câu hỏi “mẹo”, đòi hỏi người trả lời phải ứng biến nhanh bằng câu hỏi: “Từ khi đến Yên Kinh, ngày nào nhà ngươi cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường không?”.

Câu hỏi thật là bất ngờ, vua không thử tài văn học mà muốn thử tài quan sát. Hằng ngày đi lại trên đường ở Kinh đô thì có biết bao nhiêu người, ai có công để ý mà đếm. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi liền trả lời: “Muôn tâu bệ hạ, hàng ngày trên đường Kinh đô chỉ có hai người đi lại”. Vua Nguyên thấy làm lạ bèn hỏi lại: “Nhà ngươi nói không đúng, sao lại chỉ có hai người?”. Mạc Đĩnh Chi trả lời: “Muôn tâu bệ hạ, thần nói chỉ có hai người là rất đúng ạ. Vì hằng ngày, phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì “danh” cũng vì “lợi” mà thôi. Vậy là, rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi”.

Câu trả lời bất ngờ nhưng sâu sắc cả trạng nguyên Đại Việt đã khiến triều đình nhà Nguyên đều phải nể phục trí thông minh và tài ứng đối của ông.

Sau chuyến đi sứ trở về, Mạc Đĩnh Chi tiếp tục được vua Trần Anh Tông và các vua Trần về sau tin dùng, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều. Ngoài tài năng, Mạc Đĩnh Chi còn nổi tiếng là vị quan ngay thẳng, thanh liêm. Dù làm quan to, ông cũng chỉ sống trong căn nhà sơ sài ở đất Thăng Long kinh kỳ.

“Mạc Đĩnh Chi làm quan rất liêm khiết, thẳng thắn. Trần Minh Tông có lần sai người đem 10 quan tiền đến đặt ở cửa nhà ông. Hôm sau vào chầu, ông liền mang việc ấy tâu lên. Vua bảo: Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu” - (Theo Lịch triều hiến chương loại chí).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.