Dân phản đối phá “lá chắn thép”
Dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua địa bàn xã Gia Phố được phê duyệt theo Quyết định số 3583/QĐ-UBND ngày 15/9/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, thuộc công trình thủy lợi cấp IV, bảo đảm an toàn cho đời sống khoảng 600 hộ dân.
Với tổng chiều dài thiết kế 1.567m gồm 2 tuyến, tuyến kè bờ hữu dài 1.313m, tuyến bờ tả dài 253m. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đến tháng 12/2019 huyện Hương Khê phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc (có trụ sở tại thị trấn Hương Khê). Tuy nhiên, đến nay công trình chưa thể thi công do người dân chưa đồng thuận vì tính khả thi của nó.
Môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng của dự án vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Mong muốn giữ nguyên trạng cây cối tự nhiên ở dọc hai bên bờ sông và không nên thực hiện dự án. Còn góc độ chính quyền, việc xây dựng kè chống sạt lở dọc sông Ngàn Sâu là phù hợp, cấp thiết để bảo đảm an toàn, cuộc sống cho người dân sống dọc khu vực bờ sông.
Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, thôn Thượng Hải, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết: “Việc chặt phá toàn bộ cây cối có tuổi đời hàng trăm năm được xem là “lá chắn thép” để bảo vệ nhà cửa, con người mỗi lần mưa lũ về là trái quy luật tự nhiên. Thay vào đó một bờ kè bằng đá với hàng chục tỷ đồng chỉ chống được sạt lở phía dưới lòng sông là hoàn toàn không phù hợp mà còn lãng phí ngân sách Nhà nước. Vì thế không thể chặt phá cây cối để làm dự án, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao về thiên tai”.
Để phản đối việc xây dựng, ngày 6/3 một số hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp đã ký đơn kiến nghị với nội dung: “Dự án không hiệu quả. Thực hiện thi công có thể đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Mục đích dự án là chống sạt lở nhưng lại thực hiện ngay tại khu vực mà bao đời nay không hề sạt lở. Chúng tôi phản đối”.
Trước đó, vào tháng 10/2019, chính quyền xã Gia Phố cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Hương Khê kiến nghị không nên xây bờ kè vì khu vực này không hề bị sạt lở. Trong đơn, xã Gia Phố đề xuất xây dựng bờ kè tại khu vực phía trên cầu từ Cầu Trộ đến cầu Đông Hải đoạn qua thôn Nhân Phố khoảng 800m hiện nay đã sạt lở nghiêm trọng nhưng kiến nghị này không được huyện đồng ý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Xây dựng cơ bản huyện Hương Khê cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu huyện Hương Khê giải trình. Ngày 16/3, huyện đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, soát xét và làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và cũng đã có báo cáo gửi tỉnh. Sau thời gian làm việc với người dân xã Gia Phố, cũng như 11 hộ phản đối có tên trong đơn thì đã có 10 hộ đồng thuận với chủ trương làm kè và đề nghị sớm thực hiện dự án. Duy chỉ còn hộ ông Hán Duy Phùng băn khoăn phải chặt đi hàng cây lâu năm sát bờ sông thì không có gì che chắn khi mưa bão về”.
Người dân nói gì?
Ngày 27/4, Báo GD&TĐ đã có mặt tại thôn Thượng Hải (xã Gia Phố, huyện Hương Khê). Tại đây, theo ghi nhận của PV, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu.
Ông Lê Hồng Tư (82 tuổi, thôn Thượng Hải, xã Gia Phố) cho biết: Trước đây khi chưa có dự án làm kè, khu vực bờ sông này thường xảy ra tình trạng sạt lở, sau đó nhiều gia đình đã trồng tre và một số cây tạp ven bờ sông để giữ bờ sông. Đến năm 2015, chính quyền thông báo có chủ trương làm kè, mãi đến năm 2019 dự án mới được phê duyệt. Được biết, nếu dự án triển khai thì gia đình ông Tư phải giải phóng 436 m2 đất ở. Ngoài ra phải chặt hạ 39 cây bưởi từ 10 - 15 năm tuổi và rất nhiều cây cổ thụ có giá trị khác.
“Dự án này triển khai sẽ phải chặt hạ hoàn toàn cây trồng lâu năm của bà con. Điều này khiến người dân không đồng tình… Ban đầu để mất đi số cây cổ thụ tôi vô cùng tiếc. Nhưng cây cối có thể trồng lại còn tính mạng thì không thể” – ông Tư phân tích.
Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, thôn Thượng Hải) vẫn giữ nguyên ý kiến. Bà cho rằng: “Nhà nước làm kè bờ sông chống sạt lở cho dân, đúng ra dân chúng tôi phải vui mừng. Thế nhưng để làm dự án sẽ phải phá bỏ toàn bộ hàng cây lâu năm đã làm lá chắn thép tự nhiên bảo vệ bờ sông, nhà cửa của dân bao đời nay. Không nên chặt phá hàng cây để xây kè vừa không phù hợp vừa lãng phí ngân sách Nhà nước”.
Liên quan đến dự án trên, một cán bộ chuyên ngành thủy lợi Hà Tĩnh cho rằng, việc xây dựng kè chống sạt lở để bảo vệ người dân là nhiệm vụ và mục đích thiết yếu. Tuy nhiên, đây là một dự án có tác động trực tiếp vào dòng chảy của sông nên cần phải có đánh giá tác động môi trường, đặc biệt cần có các nhà khoa học có chuyên môn khảo sát thực trạng cụ thể để có câu trả lời có nên hay không nên triển khai dự án này.