Thế nhưng, những tác phẩm mà nhà văn Sơn Nam để lại, càng đọc càng phát hiện thêm nhiều thú vị. Ví dụ, đọc hồi ký của nhà văn Sơn Nam, có thể bắt gặp nhiều câu chuyện về vùng đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1945!
Khi ở tuổi 75, nhà văn Sơn Nam bắt đầu khởi viết bộ hồi ký gồm bốn tập “Từ U Minh đến Cần Thơ”, “Ở chiến khu 9”, “20 năm giữa lòng đô thị” và “Bình an”. Với một trí nhớ tuyệt vời, nhà văn Sơn Nam đã phác thảo sinh động thời trai trẻ của ông, mà soi rọi vào đó, độc giả dễ dàng thấy được một không gian miệt vườn được phục dựng sắc nét.
Miệt vườn ở đây, chính là vùng Kiên Giang ngày nay, nơi chàng trai có tên thật Phạm Minh Tày sinh ra và lớn lên: “Bấy giờ, dầu lửa, dầu xăng đều bị quản lý chặt chẽ, dầu xăng chỉ là rượu cồn chế biến lại, có màu tím dợt. Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe, phía sau. Trước khi xe khởi động thì quạt lên cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi Autogene, theo mô hình của kỹ sư Trịnh Hưng Ngầu sáng tạo ở Sài Gòn”.
Phương tiện giao thông như vậy, còn thưởng thức văn hóa thì sao? Nhà văn Sơn Nam cho biết giá trị có mặt của cuốn “Thi nhân Việt Nam” trong bối cảnh ấy: “Lúc bấy giờ quả thật là cần thiết, với mặt chìm, tiềm ẩn của nó. Nó chứng minh rằng người Việt Nam đã triển khai tài năng của người xưa để lại, qua ca dao, qua Truyện Kiều.
Thi nhân của thế hệ mới chịu khó, chịu vấp váp để cạnh tranh nhau, theo kiểu cạnh tranh lành mạnh. Nghe man mác, sầu lắng, dễ hiểu, rất Việt Nam… Tôi đã hiểu tại sao lúc gạo châu củi quế mà “Thi nhân Việt Nam” bán giá cao đã thu hút độc giả. Một cuộc tính sổ của giai đoạn thực dân. Tôi nhớ ở trường Trung học Cần Thơ, học sinh chỉ mua chừng mươi cuối, chuyền tay nhau mà đọc. Đọc rồi chép…”.
Dù nhà văn Sơn Nam tự thú “Tôi rất yêu thơ vì thơ có sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ, vương vấn nhiều năm. Lòng yêu nước của tôi dính dấp với thơ, mông lung, lắm khi tiêu cực”, nhưng ông không chìm đắm trong sách vở mà lăn lộn tìm hiểu dân tình:
“Tôi thử đi xem một phiên xử án ở Tòa đại hình Cần Thơ, cấp cao của miền Tây Nam bộ, còn gọi Tòa áo đỏ… Chuông reo, chánh án, chưởng lý, toàn người Pháp, luật sư là người Ấn mang quốc tịch Pháp. Cáo trạng dài dòng, đọc lên toàn tiếng Pháp. Can phạm bị còng tay, đứng cúi đầu, buồn bã, ở hàng khán giả dường như không có thân nhân. Hơn một giờ sau, chánh án hỏi vài câu, qua thông dịch viên. Và can phạm trả lời, có thông dịch viên. Như vậy là công lý à? Can phạm chẳng hiểu gì ráo, để vào giờ chót có thể tự bào chữa”.
19 tuổi, nhà văn Sơn Nam làm thư ký cho Tòa Bố chính tỉnh Rạch Giá, và khái quát được diện mạo của xứ sở đang chịu ách đô hộ:
“Lúc Pháp bình định xong về chính trị, đất phía Hậu Giang nói chung và Rạch Giá nói riêng phần lớn còn bỏ hoang, người Việt Nam rất ít. Người Hoa nắm lấy cơ hội, vui vẻ lo đút lót cho công chức Pháp, xin trưng khẩu dễ dàng, trong khi người Việt Nam còn tự ái, ngại mang tiếng hợp tác với giặc…
Điền chủ lớn ở Rạch Giá phần lớn là người Hoa theo quốc tịch Việt Nam, lại cưới vợ Việt Nam nên cho con cái theo Tây học, trở thành Việt Nam. Hơn nữa, vì là giới giàu sang, họ cấu kết với nhau, tuy lắm khi mâu thuẫn. Phần lớn là tình thông gia, ông A là em rể ông B, ông B là cháu ông C. Và ông C lại là anh vợ ông D, ông D là chú ông A. Bởi vậy, về quyền lợi giai cấp, họ gắn bó với nhau.
Đáng chú ý là con cái điền chủ phía Tây Nam bộ phần lớn được du học Pháp, trừ một số ít, phần lớn đều siêng năng, đỗ đạt, làm bác sĩ y khoa. Đó là những kẻ sĩ đầu tiên của Nam bộ, nói chung, đầu óc khá phóng khoáng”.
Khi được một ông chủ người Hoa mời uống trà, và khoe rằng trà bên Tàu đem qua nhưng không quý bằng cái lon kẽm đựng trà: “Hơn hai trăm năm rồi, ông nội tôi mua ở Triều Châu giữ tới bây giờ. “Phàm ảnh bôi trung lạc”, chữ viết bên hông của cái lon, nghĩa là cái bóng của cánh buồm ngoài biển, trên chiếc ghe dọi xuống cái chén uống trà…”, nhà văn Sơn Nam có ngay sự đồng cảm:
“Tôi chợt hiểu ông nội của ông chủ tiệm này sang Nam Kỳ bằng ghe buồm, thủy thủ ngồi trên mui ghe uống trà với gió biển, tự an ủi rằng kẻ đi xa xứ cũng là khách phong lưu”.
Cách mạng Tháng 8-1945 đến với nhà văn Sơn Nam như một sự sắp đặt của số phận: “Mấy anh bạn quen cùng học một lớp, một trường từ phía Gò Quao, ven rừng U Minh, bờ sông Cái Lớn… Họ thủ thỉ rằng đang cần gấp, với khối lượng to, giấy hoặc vải màu đỏ, màu vàng. Vải đỏ khó kiếm, luôn cả vải trắng, vải đen. Hỏi kỹ thì các bạn thân mến bảo là để làm lá cờ nhỏ, càng nhiều càng tốt để phân phát cho nhiều vùng, phải giữ bí mật tuyệt đối. Suy nghĩ hồi lâu, tôi nói khẽ rằng không có vải, chỉ còn cách làm cờ bằng giấy, việc gấp rút, tùy theo tấm lòng của mình. Nên mua giấy màu đỏ, loại giấy để viết liễn đối dịp Tết, có rải rác những đốm nhủ vàng. Còn màu vàng thì ta dùng loại giấy mà các pháp sư dùng để viết bùa chú, mua về, tùy hoàn cảnh mà cắt nhỏ hoặc lớn… Dịp này, anh em trao cho tôi một tập mỏng tư liệu nhan đề “Công tác cách mạng”, đại khái phải có năm bước: Điều tra, Tuyên truyền, Tổ chức, Huấn luyện, Tranh đấu…”.
Sự kiện Nhật đảo chính Pháp, rồi chính quyền về tay nhân dân, được Sơn Nam ghi lại bằng những chi tiết khó quên:
“Một Ủy ban khởi nghĩa đã đi ô tô đến Tòa Bố tỉnh để gặp viên tỉnh trưởng do người Nhật chỉ định. Sau nhiều phút cãi vã không gay go cho lắm, hắn ta chịu rút lui trong khi dân chúng kéo tới hô khẩu hiệu, gây sức ép như vũ bão. Lính Nhật còn lai rai vài đứa, phần lớn dường như đã tự động gom về Sài Gòn để đầu hàng Đồng Minh. Riêng kho lúa gạo phía đầu Doi, chừng năm tên lính Nhật cứ ở đó, tử thủ, đồng bào gần đấy cho biết thỉnh thoảng chúng dùng dây xích khóa chân nhau, ngụ ý thề sinh tử để bảo vệ…”.
Thế nhưng, nhà văn Sơn Nam đã chứng kiến, sau những đêm dài tăm tối, người dân miệt vườn thức dậy với ý chí mạnh mẽ:
“Đồng bào từ các vùng gần xa trong tỉnh lần lượt đến, tương đối có trật tự, phần lớn mặc quần áo đen, có trẻ em khoảng 15 tuổi, thêm nhiều bà, nhiều cô mặc áo dài tươm tất. Mặt bằng là sân đá bóng của tỉnh, luôn luôn bị gió biển thổi tạt vào đất liền. Sân quá rộng, thiên hạ chen chúc tràn sân. Khán đài dựng lên, đơn sơ, với sự hiện diện của Ủy ban Việt Minh, gồm khoảng 7 người, tham dự như khách quý còn có một vài nhà sư, linh mục, sư sãi Khơ Me… Không có máy vi âm, làm sao nói cho cả vạn người nghe? Đành dùng kỹ thuật thời xưa là nói trong ống loa bằng thiếc!”.
Cách mạng Tháng 8 thành công, miệt vườn thay đổi ra sao? Đó là cuộc sống mới với những con người mới, được thu vào tầm mắt nhà văn Sơn Nam:
“Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới sau tay lái chiếc tàu tuần biển của Pháp mà ta đã sung công. Vài toán thanh niên xếp hàng hai, đang tập đi, với phong cách quân đội chính quy, vài cậu xách lựu đạn nội hóa hình bầu dục, đúc bằng đồng, phía sau có cái đuôi khá dài. Khi ném, nắm cái đuôi như nắm sợi dây, quay tròn, lấy trớn rồi buông tay, trái lựu đạn sẽ đi xa và rơi cầu vồng, nhờ cái đuôi điều chỉnh. Họ hát “nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng”, mặc quần cụt, chân mang dép bằng nhựa cao su còn tươi, chưa sơ chế”.
Ngày 2-9-1945 mở ra một trang khác trong lịch sử dân tộc, nhà văn Sơn Nam nhập cuộc một cách tự tin với những người kháng chiến:
“Anh em khen ngợi tôi, vì trong buổi gặp mặt viên Chủ tỉnh (do Nhật chỉ định) để bắt buộc hắn phải trao trả chính quyền cho Mặt trận Việt Minh, hắn giựt mình, như hoảng sợ, đứng dậy bắt tay từng người, trong đó có tôi là một thành viên trẻ nhất. Hắn ta nhớ mặt tôi từng là thơ ký dưới quyền nên hỏi: “Bữa nay em cũng đi theo hả?”. Tôi phản ứng lập tức, bảo rằng ngày hôm nay, tôi là đại diện cho những thanh niên đang nổi dậy, làm cách mạng, không ai được xem tôi là đứa em! Anh em cán bộ cho rằng, sự phản ứng của tôi rất đáng giá, chứng tỏ tôi là người yêu nước nồng nhiệt”.