Vẻ đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong thơ

GD&TĐ - Thật lạ, đọc lại thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp thấy rất nhiều bài thơ hay, sinh động viết về sự thiếu thốn vật chất, trang bị của người lính nhưng lại vô cùng lạc quan, thân thiện và mộc mạc.

Vẻ đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong thơ

Đất nước có chiều dài lịch sử với bao cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.  Một đất nước mà nhà thơ Nam Hà đã viết: “Đất nước - Bốn ngàn năm không nghỉ/Những đạo quân song song cùng lịch sử/Đi suốt thời gian - Đi suốt không gian/Sừng sững dưới trời anh dũng kiên gan” .

Khắc họa hình ảnh người lính

Nhà thơ Tố Hữu ngày ấy cũng ba lô trên vai để khắc họa hình ảnh anh bộ đội thật nồng ấm trong bài thơ “Cá nước”: “Giọt giọt mồ hôi rơi/Trên má anh vàng nghệ/Anh Vệ quốc quân ơi/Sao mà yêu anh thế!”.

Không yêu sao được khi những người lính ra đi từ những làng quê thôn mạc, ngấm trong mình bao nắng mưa ruộng đồng để hun đúc lòng yêu nước bắt đầu từ yêu những gì rất cụ thể mà người lính thi sĩ Hồng Nguyên trước khi mất còn để lại kiệt tác bài thơ “Nhớ”: “Tôi nhớ bờ tre gió lộng/ Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau” và : “Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa/Trăng lên tập họp hát om nhà”. Chỉ một chữ “om” thôi mà da diết biết bao mối tình quân dân.

Những người đồng đội: “Gặp nhau hồi chưa biết chữ/Quen nhau từ buổi “một hai”/Súng bắn chưa quen, quân sự mươi bài/Lòng vẫn cười vui kháng chiến” khi họ bắt đầu gọi nhau là “đồng chí”. Hai tiếng gọi thân tình khi cùng chung đội ngũ với điệp khúc ngân vang: “Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh” trong lời một bài hát khá phổ biến trong quân đội. Nhân dân chính là đất nước. Nhân dân chính là bắt đầu từ các địa danh miền xuôi, trung du, miền ngược.

Họ đã tự giới thiệu mình thật hồn nhiên và tự hào: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/Anh với tôi đôi người xa lạ/Từ phương trời chặng hẹn quen nhau/Súng bên súng - Đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” - (Chính Hữu).

Trong kháng chiến chống Mỹ nhà thơ Hữu Thỉnh có tứ thơ phát hiện khá hay về “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/Như năm ngón tay trên một bàn tay/Đã ra trận là năm người như một”.

Và khi sáp mặt với quân thù thì: “Một ý chí bay qua đầu ngọn súng/Một niềm tin nghiến nát quân thù”. Đây là một trong những tượng đài đẹp, sinh động và ấn tượng nhất về tình đồng chí đồng đội… 

Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ có những nét khái quát hào hùng thì lại có những vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn khá tinh tế. Chính vẻ đẹp này đã tạo ra nét phẩm chất riêng của anh “Bộ đội cụ Hồ”.

Từ những chiếc áo trấn thủ chăn bông, mũ nan thời chống Pháp đến mũ tai bèo, mái tăng chiếc võng thời chống Mỹ đều được hiện lên trong thơ. Lãng mạn và bay bỗng biết bao khi thi sĩ Nguyễn Duy đã ví mái tăng là “Bầu trời vuông”: “Sục sôi bom lửa chiến trường/Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”.

Chỉ có những người lính với tinh thần lạc quan vượt lên bao hiểm nguy ác liệt trong thơ Phạm Tiến Duật mới tinh tế nhận ra rằng: “Thế đấy ở chiến trường/Nghe tiếng bom rất nhỏ” Và những người lính xe vận tải trên đường Trường Sơn mới có cái tư thế: “Không có kính rồi không có đèn/Không có mui xe thùng xe có xước/Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim …”.

Tình yêu của người chiến sĩ

Có một mảng thơ khá đặc sắc và phong phú khi viết về người lính đó là thơ tình yêu: Tình yêu lứa đôi của người chiến sỹ gắn với tình yêu đất nước. Đó là vẻ đẹp bình dị và cao cả của tình yêu riêng tư gắn với lý tưởng thiêng liêng cao đẹp.

Bài thơ “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi là nỗi nhớ tâm tình muôn thủa nhưng được đặt trong khung cảnh chiến tranh với tâm thế lớn lao với bao khát khao cháy bỏng bao nỗi niềm chan chứa: “Anh yêu em như yêu đất nước Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần. Người yêu - Em được trang trọng đặt ngang hàng đất nước để “Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời. Và có bao mối tình đã hóa thành một phần hình thể địa danh như “Núi đôi” (Vũ Cao).

Còn đó một “Tây Tiến” của Quang Dũng với khí phách: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá giữ oai hùng/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. Những người lính thủ đô hào hoa lãng mạn mà hiên ngang khí phách. Lại có những người lính xuất thân từ nông thôn bình dị mà lạc quan trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên: “Đằng nớ vợ chưa - Đằng nớ!/Tớ còn chờ độc lập/Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu”. 

Tình yêu của người lính biển của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bắt được nhuần nhị cái tứ: Biển một bên và em một bên. Biển chính là hiện thân một phần máu thịt đất nước. Biển là nơi những người lính đang ngày đêm canh phòng bảo vệ trọn vẹn đảo tiền tiêu. Em là một phần máu thịt của đất liền của hậu phương thân yêu.

Và: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng/Anh đứng gác/Trời khuya/Đảo vắng/Biển một bên và em một bên”. Nhân lên từ tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước cao cả là những xao xuyến rất nhỏ và ngân rung lay động như “Trên đồi chốt nghe chim hót” cùa nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng - Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm”.  

Người lính ra trận ai chẳng có những cuộc chia tay: “Con ra tiền tuyến xa xôi/ Yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền”- (Tố Hữu). Có những cuộc chia ly trên cánh đồng lúa trong thơ Trần Hữu Thung: “Em tiễn anh lên đường/Chiếc xách mây anh mang/Em nách mo cơm nếp/Lúa níu anh trật dép”.

Chỉ một hình ảnh khá cụ thể và chọn lọc tiêu biểu: “Lúa níu anh trật dép” đã hàm chứa bao yêu thương gắn bó tâm tình gửi gắm tin cậy với người ra trận. Và còn có cả cuộc “Chia ly màu đỏ” khá lý tưởng của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Đó là cuộc chia ly chói người sắc đỏ - Tươi như cánh Nhạn Lai Hồng”.

Một vẻ đẹp tươi sáng và nồng ấm của những gam màu thiên nhiên, của nắng, của hoa và màu áo đỏ của người yêu. Một tứ thơ độc đáo với sắc thơ ngời ngời sức sống, với cái màu đỏ đã theo anh đi suốt dọc chiến trường như thắp lửa trong tim ánh lên bao khát vọng: “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/Sẽ là ánh lửa hồng trong đêm gió rét/Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/Như không hề có một cuộc chia ly”.

Đúng vậy, có thể chia ly cách xa về địa lý về không gian nhưng không thể chia ly về khát khao lý tưởng niềm tin vào ngày chiến thắng. Và khi thắng trận trở về trong niềm hân hoan chào đón: “Anh về cối lại vang rừng/ Chim reo trên mái gà, mừng dưới sân/Anh về sáo lại ái ân/Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca” - (Tố Hữu). Đó cũng chính là một trong những cắt nghĩa về sức mạnh tinh thần lớn lao của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

Dáng đứng Việt Nam

Có một bài thơ viết về vị tướng người anh cả của quân đội ta - Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà thơ Anh Ngọc. Vị tướng họ Võ mà mang bút danh là “Anh Văn” mỗi khi sau chiến dịch đại thắng ông lại trải những nốt nhạc trên chiếc đàn Piano đặt lặng lẽ ở góc phòng. Có khúc nhạc hào hùng lại có lúc thảng thốt những giọt đàn buồn khi ông nhớ về sự hy sinh của từng người lính.

Nhà thơ Anh Ngọc viết: “Những đối thủ của ông đã chết từ lâu/Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa/Ông ngồi giữa thời gian vây bủa”. Và: “Ru giấc mơ của vị tướng già/ Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở/Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu”.

Ôi mùa thu, cái mùa thu lịch sử tháng tám, mùa thu của một đời người với 34 chiến sỹ của đội tuyên truyền giải phóng quân đã thành người thiên cổ. Mùa thu lá rụng về cội đó là lá vàng (Lá vàng không chỉ màu vàng của lá cây mà là những lá vàng thật vàng ròng kim loại, vàng tinh chất) về cội nguồn đất nước. 

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ bức tranh sơn dầu “Chiều Tây Bắc” tuyệt đẹp của họa sỹ Phan Kế An. Bức tranh đoàn quân giữa bao la núi trời mây chập chùng Tây Bắc đã tạo nên dáng hình rất thơ mộng như thơ Tố Hữu đã viết “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo/Núi không đề nổi vai vươn tới/Lá ngụy trang reo với gió đèo”.

Những người lính đã tạc nên Dáng đứng Việt Nam trên đường băng Tân Sơn Nhất một tượng đài sống vĩnh cửu trong lịch sử dân tộc lại là người lính “Đầu súng trăng treo”. Chiến tranh và khát vọng hòa bình, người lính và tình yêu đất nước cứ hòa quyện vào nhau khi “Tên anh đã thành tên đất nước”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ