Liệu rằng, lâu nay cách đọc, cách nghĩ, cách cảm về thơ Xuân Quỳnh còn bị đóng khung vào khuôn mẫu giới? Phải chăng, Xuân Quỳnh là một nữ sĩ “độc lập và cô đơn cùng cuối” chứ chưa khi nào là một cây vĩ cầm đằng sau Lưu Quang Vũ? Đó là những gợi mở các nhà nghiên cứu cùng đưa ra “một cách nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh.
Trói vít vào chữ “Nữ”
Thơ Xuân Quỳnh còn chứa đựng nhiều điều khi được 'bứt' khỏi khuôn mẫu giới. |
Trong chuỗi hoạt động “Se sẽ chứ” 2022 được Ơ kìa Hà Nội tổ chức mừng sinh nhật tuổi 80 của nữ sĩ, cùng với đêm thơ, nhạc, kịch “Hoa cúc xanh”, hội thảo “Thơ Xuân Quỳnh - một cách nhìn khác” là sự kiện được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Tại hội thảo, khi đưa ra “cách nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh, nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng, lâu nay người đọc không hiểu hết Xuân Quỳnh trong cái sự tưởng đã hiểu hết. Khi đó, người ta chỉ đọc Xuân Quỳnh một chiều - chiều sáng, chiều lặng, trong nhiều chiều mâu thuẫn đối lập biện chứng của bà. Người ta đọc thơ bà dưới góc độ tính nữ, nữ tính và gần đây thậm chí là nữ quyền.
Theo ông Nguyên, thơ Xuân Quỳnh thường được định vị và bị trói vít vào chữ “NỮ” từ phái tính của nhà thơ. Đó là cái đọc đã bị điều kiện hóa trong một sinh quyển đời sống và văn hóa của một xã hội nam trị và nam quyền. “Hãy nghĩ xem Xuân Quỳnh, người con gái hai mươi tuổi đã nghĩ về lá vàng và chồi biếc, về sự rơi rụng và mọc lên, hai mươi mốt tuổi đã ví mình như “lòng thuyền đau rạn vỡ” giữa lòng biển cả, hai mươi lăm tuổi đã thấy mình là sóng “dữ dội và dịu êm” trên mặt nước và dưới lòng sâu.
Ba bài thơ: “Chồi biếc” - 1963, “Thuyền và biển” - 1963 và “Sóng” – 1967, ở ngay bước đầu vào văn chương của Xuân Quỳnh đã báo hiệu một cuộc đời, một số phận, một con người không yên ổn. Vậy mà lâu nay nó đã chỉ được/ bị đọc bằng cách đọc tình yêu nhìn từ phía người nữ. Một cách đọc êm đềm và an toàn, như không đúng với Xuân Quỳnh”, nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.
TS Hà Thanh Vân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, từ trước đến nay khá nhiều nghiên cứu ở Việt Nam về thơ Xuân Quỳnh đều nhấn mạnh chất “nữ tính” trong những sáng tác của nhà thơ.
Song chất “nữ tính” ấy thường được nhấn mạnh ở những điều mang tính chất “truyền thống”: Tình mẫu tử với tấm lòng yêu thương con trẻ qua những sáng tác dành cho tuổi thơ, tình yêu say đắm, cuồng nhiệt, ẩn chứa nỗi xót xa và lo lắng, chở che, phảng phất vẻ cam chịu. Khi đó, hình ảnh của Xuân Quỳnh là một phụ nữ luôn gắn với những tính từ: “hy sinh”, “dịu dàng”, “nữ tính”…
Ở một bài viết đầy tâm huyết, TS Hồ Khánh Vân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) đã đặt câu hỏi: “Ai khiến Xuân Quỳnh nữ tính?”.
Theo bà Vân, bên cạnh những yếu tố thuộc về chủ thể trữ tình, về những yếu tố nội dung, hình thức được mặc định ngay trong mỗi tác phẩm thì việc diễn ngôn tiếp nhận thơ Xuân Quỳnh đã duy trì ý niệm về tính nữ trong thơ bà một cách bền bỉ, đậm sâu và phổ biến.
TS Hồ Khánh Vân nhìn nhận, sự mặc định về giới tính của chủ thể sáng tạo cũng chi phối cách đọc tác phẩm của chủ thể đó. Khi người đọc đã đoan chắc một cách định kiến về giới tính của nhà văn, người đọc sẽ đọc văn bản theo đặc trưng giới tính vốn đã trở thành khuôn mẫu phổ quát trong xã hội và tìm kiếm những biểu hiện phù hợp với khuôn mẫu giới trên văn bản.
Dù hành động tìm kiếm, xác định để khẳng định này nhiều khi xảy ra trong vô thức song hành vi định giới và dán nhãn giới tính cho tác giả sẽ dẫn đến hành vi dán nhãn giới tính cho văn bản.
“Các nhà nghiên cứu, phê bình đã nối tiếp nhau duy trì cách thức tiếp cận tính nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ theo tâm thức và cái nhìn chung của cộng đồng mang tính nam trị: Một mặt, khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp, giá trị tính nữ, một mặt khác, để cho cái nhìn đó phồng to, choáng lấp, che khuất những khía cạnh khác, những sắc thái khác của người nữ và góp phần duy trì tư duy nhị nguyên hóa, chuyên biệt hóa về giới một cách sâu sắc, bền bỉ hơn.
Vì vậy, từ trường tính nữ được xác lập từ Xuân Quỳnh sẽ lan tỏa đến thơ của bà, hình thành nên vùng không gian tính nữ mặc định, hiển nhiên, thậm chí nhất nguyên”, TS Hồ Khánh Vân nhận định.
“Nhìn khác” thế nào?
NSND Lan Hương và NSƯT Đỗ Kỷ trích đọc thư của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Ảnh: VOV |
“Tôi không yêu thơ Xuân Quỳnh, từ thời học phổ thông đã thế, song chưa từng tìm hiểu lý do. Cho đến khi tham gia Hội thảo về Xuân Quỳnh ở “Se sẽ chứ” năm nay, thì tôi đã hiểu, nguyên nhân tôi bỏ qua thơ Xuân Quỳnh là do ác cảm từ cách đọc bá quyền (nhại từ tính nam bá quyền và tính nữ bá quyền). Khi học nghiên cứu, ta sẽ thấy cách đọc một văn bản rất quan trọng. Hầu hết các đánh giá về tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh đều xoay quanh trục quan hệ tình yêu, ở đây chính là một người đàn ông. Mấy chục năm nay người ta vẫn quy tính nữ của Xuân Quỳnh ở khoản hy sinh, đằm thắm, đôn hậu… và đưa nó thành chuẩn mực của người phụ nữ trong thi ca lẫn trong xã hội.
Là một nhà văn nữ, tôi tự hỏi rằng, nếu một ngày nào đó người ta đọc tác phẩm của tôi, mà tôi thì hoàn toàn thiếu vắng những phẩm chất đạo đức (ở đây được đọc như là tính nữ) mà quy ước xã hội đặt ra, ví dụ: Chăm chồng dạy con, khoan dung đôn hậu… thì tác phẩm của tôi có còn tính nữ hay không? Và thậm chí, nếu không có tính nữ thì sao?”, nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi.
Để có thể “nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần thay đổi tư duy tiếp nhận. Tất nhiên, sự thay đổi này không phải là phủ nhận về việc “tính nữ là một thực thể, một phẩm chất trong thơ Xuân Quỳnh” mà những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra.
“Xuân Quỳnh viết thơ từ vị thế người nữ là đương nhiên vì bà là một phụ nữ. Nhưng tiếng thơ của bà được cất lên trước hết và chủ yếu trong tư cách một con người có ý thức về bản thân mình.
Đọc thơ Xuân Quỳnh tôi muốn đọc ở góc độ con người “phi phái tính” này”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã chia sẻ cách đọc thơ Xuân Quỳnh của mình như thế và ông minh chứng: “Ngay cả cách nói nhún như hạ mình trong tương quan đối lập, và ở đây nữa: Anh là mặt trời - em là hạt muối, là rong rêu, là ngọn cỏ dưới chân, là hạt bụi vô tình trên áo, thì cũng chỉ để khẳng định con người mình ở một công việc nội trợ được mặc định là của nữ giới: “Nhưng nếu chiều nay em chẳng đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn” (Thơ vui về phái yếu).
Câu thơ đọc lên bật cười (thì nhà thơ đã gọi là “thơ vui” mà lại) nhưng cho thấy vị thế đồng đẳng của phụ nữ với đàn ông”.
Đồng tình với nhà thơ Inrasara từng đề xuất việc thay đổi tư duy tiếp nhận văn học nữ, ““cắt đuôi hậu tố [hay tiền tố] “nữ” để không bị vướng vào những định kiến, những sức ì trong sự sáng tạo của nữ giới cũng như trong tiếp nhận sáng tác của các nhà văn, nhà thơ nữ”, TS Hồ Khánh Vân đặt các câu hỏi khi “nhìn khác” về thơ Xuân Quỳnh: “Quỳnh chỉ có tính nữ? Giá trị trong thơ Quỳnh chỉ do tính nữ tạo ra? Ngoài tính nữ, thơ Quỳnh còn có những đặc tính, những giá trị nào khác? Hơn nữa, tính nữ của Quỳnh phải chăng chỉ là những đặc tính quen thuộc, truyền thống? Và cuối cùng, nữ tính trong thơ Quỳnh cũng như trong thơ của các nhà thơ nữ có đối lập với nam tính?”.
Trong quá trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, bà Vân phát hiện thấy sự không thống nhất và tự mâu thuẫn của những diễn ngôn phê bình thường nhận định thơ Xuân Quỳnh “tràn đầy nữ tính” song lại trong sự kết hợp hai phạm trù đối lập: Đằm thắm mà vẫn mạnh mẽ, nhẹ nhàng mà rạo rực say mê. Rõ ràng hai phạm trù này hàm chứa các đặc tính nam tính lẫn nữ tính.
Vì thế, bà Vân cho rằng, hầu hết các nhà phê bình, nhà nghiên cứu đều xác lập khái niệm tính nữ theo tinh thần nhị nguyên luận, việc đặt tất cả các đặc tính đối lập này vào không gian tính nữ Xuân Quỳnh càng trở nên phi logic.
Nên chăng, cần có sự nhìn lại và suy xét một cách khách quan, thấu tháo, thoát ra khỏi hệ nhị nguyên mang tính phân lập về giới. Ở Xuân Quỳnh, phong cách chủ đạo mang tính nữ, nhưng điều làm nên nét đặc sắc của Quỳnh, khiến thơ Quỳnh gây ấn tượng mạnh mẽ, lôi cuốn người đọc chính là: Đi cùng những đặc trưng tính nữ truyền thống tương hợp với tâm thức, sự kỳ vọng của cộng đồng theo khuôn mẫu nữ tính, Xuân Quỳnh còn giàu chất sáng tạo và chuyển biến độc đáo.
Đó là, lý tính đi dọc theo cảm tính, tư duy logic phối quyện trong xúc cảm; lối tư duy thơ thường gắn liền với động thái khám phá các hiện tượng đời sống, con người và khám phá chính mình và đồng thời là những ngây thơ, trong trẻo, hồn nhiên trong sự trải nghiệm, thấu hiểu, già dặn. Vì vậy, đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta rạo rực với xúc cảm và bừng tỉnh với những ngẫm nghĩ.
Xuân Quỳnh không chỉ đào sâu vào thế giới bên trong của người phụ nữ, thế giới của tình yêu mà còn trải rộng trên trang thơ hơi thở cuộc sống, bức tranh nhân tình thế thái, hiện thực đời sống rộng lớn, hành trình lịch sử dài dặc của dân tộc.
“Nếu người đọc biết tự tiết chế sự mặc định giới tính của chủ thể sáng tạo, lọc đi từ trường lan động từ giới tính của chủ thể sang giới tính của văn bản, chúng ta sẽ có những bài thơ phi giới tính, hoặc hơn nữa, siêu giới tính. Đó là thơ từ cái nhìn của con người (không còn nhận thức mình là nam giới, nữ giới hay những giới khác) mà là con người theo nghĩa tròn vẹn, tự do, bình đẳng: Con người đối diện với thế giới, không bị chi phối bởi những nhãn mác, những định kiến, những ràng buộc giới tính”, TS Hồ Khánh Vân nói.
Với bài tham luận có nhan đề lấy từ câu thơ “Em đi trên con đường của em” của Xuân Quỳnh, nhà thơ Ý Nhi khẳng định: “Đọc lại Xuân Quỳnh để hiểu rằng, sẽ không có những bài viết cuối cùng, những công trình nghiên cứu cuối cùng về thơ chị”.
Nhân đây, nhà thơ Ý Nhi chia sẻ “bức chân dung” mà bà cho là trọn vẹn cho vẻ đẹp của Xuân Quỳnh và thơ, được nhà thơ Bằng Việt viết tặng Xuân Quỳnh cách đây mấy mươi năm, trong đó có những câu: “Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh/ Đi như lao, như lửa cháy trong mình/ Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi nhịp đập/ Những sườn dốc rồi những vòng cua gấp/ Băng trong đời, như bạn đã từng quen/(…) Những cánh buồm nâu vật vã sóng triều/ Những bãi dứa che đảo đèn hoang dại/ Những lớp bạch đàn trên đồi ong trơ trụi/ Bao vui buồn, có bạn lắng nghe ra” (Người đi cùng đường).