Món quà 20/11 đầu tiên của cô giáo tại xã đảo nghèo tỉnh Cà Mau

GD&TĐ - Gần 20 năm gắn bó với học sinh xã đảo nghèo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), cô giáo Phạm Thị Nhung thấy rất hạnh phúc vì phụ huynh ở đây ngày càng quan tâm đến việc học tập của con cái, thay vì cho rằng “chữ không ăn được” như trước đây.

Cô Nhung và học trò của xã đảo.
Cô Nhung và học trò của xã đảo.

Thương học trò bụng đói đến lớp

Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em nghèo khó ở Nam Định, năm 17 tuổi, cô Phạm Thị Nhung chỉ mang theo hai bộ quần áo cùng anh trai lặn lội vào đến tận đất mũi Cà Mau để lập nghiệp. Vượt qua những ngày đầu tiên “khóc vì nhớ nhà giữa miền sông nước”, cô Nhung vừa học vừa làm và trở thành giáo viên đúng như mơ ước từ nhỏ của mình.

Trong những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng của một xã vùng sâu, vùng xa, cô Nhung và các đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn vì phần lớn các phụ huynh ở đây đều nghèo và muốn con cái ở nhà phụ giúp cha mẹ thay vì đến trường học chữ.

“Ngày ấy, đường sá không có, tôi và các đồng nghiệp phải men theo bờ chuối, bờ sậy để đến nhà vận động các em đi học. Có hôm khi đến nơi, tôi mới nhận ra là vắt đã bò đến cổ mình. Giờ nhớ lại, tôi vẫn sợ lắm. Chúng tôi nói đùa với nhau là cả năm không hư đôi dép nào vì chẳng bao giờ phải đi dép”– cô Nhung kể.

Dù vất vả nhưng cô Nhung chưa từng nghĩ đến việc bỏ nghề “gõ đầu trẻ” vì thương các học trò nghèo nơi đây, đặc biệt là các học trò người dân tộc Khơ - me. Không chỉ thiếu thốn về sách vở, quần áo đến trường, nhiều học sinh còn ăn không đủ no. “Có em đến lớp lả đi vì đói. Tôi phải mua nước đường, nấu mì tôm để các em ăn tạm” – cô Nhung cho biết thêm.

Những ngày đầu tiên ở Khánh Bình Tây, cô Nhung phải tìm cách thay đổi chất giọng đặc trưng miền Bắc của mình và nói chậm lại để nhiều em học sinh người dân tộc Khơ me chưa rành tiếng Kinh có thể hiểu bài giảng.

Đến nay, sau 20 năm gắn bó với xã đảo nghèo, cô giáo 37 tuổi tươi cười nói: “Giờ tôi quen sử dụng các từ ngữ Nam Bộ hơn và giật mình nhận ra rằng thời gian mình sống ở đây còn nhiều hơn sống ở quê”.

Món quà 20/11 vô giá

Gần 20 năm làm giáo viên ở xã nghèo, cô Phạm Thị Nhung vui mừng vì quan niệm của các bậc phu huynh về chuyện học hành cũng thay đổi theo thời gian. Các em học sinh được cha mẹ tạo điều kiện học hành, trường lớp của các em cũng khang trang, sạch sẽ hơn.

Trong số những học trò thời “ăn không no” của cô Nhung, nhiều em nay đã trở thành đồng nghiệp của cô. Cô giáo Trần Thị Loan – học trò cũ của cô Nhung - cho biết: “Cô Nhung dạy tôi từ năm lớp 3. Đến nay, tôi vẫn nhớ hình ảnh cô dịu hiền, tận tâm, nhiệt tình với học trò. Chính cô là người đầu tiên vun đắp ước mơ trở thành một giáo viên của tôi”.

Cô Trần Thị Loan cũng chính là người học trò đầu tiên tặng quà cho cô Nhung trong ngày 20/11. “Năm đó, đúng ngày 20/11, em Loan tặng tôi một bông hoa và ôm chầm lấy tôi. Đó là món quà đầu tiên sau hơn 10 năm tôi gắn bó với các học trò ở xã Khánh Bình Tây. Đó cũng là món quà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời cầm phấn của mình” – cô Nhung chia sẻ.

Cô Nhung cũng nói thêm rằng ngoài một gia đình hạnh phúc với “nếp tẻ” đầy đủ, điều lớn nhất mà xã đảo Khánh Bình Tây đã mang đến cho cô chính là những học trò nghèo nhưng giàu tình cảm.

Giờ đây, khi cuộc sống đã bớt vất vả hơn, cô Nhung có nhiều thời gian để tập trung chuyên môn và thiết kế bài học cho phù hợp với đặc thù của học sinh xã đảo Khánh Bình Tây.

“Cô Nhung có nhiều sáng kiến trong giảng dạy với nhiều đồ dùng học tập tự chế hiệu quả, trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình “Chiếc đồng hồ thông minh” phục vụ môn Toán lẫn môn Văn” - Cô Trương Xuân Đào, Hiệu trưởng trường tiểu học Khánh Bình Tây 2 cho biết.

Được biết, cô Phạm Thị Nhung là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô 2016.

Chương trình do Bộ GD-ĐT, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm tuyên dương các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn hết lòng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Năm nay, chương trình tuyên dương 42 giáo viên vùng biển đảo. Mỗi thầy cô nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Đồng thời, các trường có giáo viên được tuyên dương cũng nhận được các quà tặng đồ dùng học tập từ Tập đoàn Thiên Long.

Trong hai tháng 9, 10/2016, chương trình cũng đã trực tiếp đến thăm và động viên các giáo viên ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và xã đảo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Bến Tre).

Ngoài ra, chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô 2016 còn tổ chức cuộc thi Nghĩ Về Thầy Cô Biển Đảo để nhiều đối tượng xã hội chia sẻ và gửi lời động viên đến các thầy cô đang công tác nơi cánh sóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ