Vẽ Bác Hồ với cả tấm lòng

Vẽ Bác Hồ với cả tấm lòng

(GD&TĐ) - Họa sĩ Đỗ Năm đã thành công với các loại tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, màu nước, bột màu, khắc nhôm, khắc gỗ, tranh ghép. Tranh của ông đã được trưng bày ở một số bảo tàng trong và ngoài nước, như: Nga, Nhật, Pháp, Thụy Điển. Nhưng điều làm nên tên tuổi của ông ở TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung là những bức tranh về Bác được tạo bởi chất liệu đơn giản vốn có sẵn trong thiên nhiên, như: hạt gạo, hạt lúa, hạt đậu, hạt mè, trái điệp... Độc đáo hơn là những tranh vẽ Bác Hồ trên trái dừa khô với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và kính yêu Bác sâu sắc. 

Gian nan đường tới hội họa

Sinh ra và lớn lên ở làng quê vùng chiêm trũng nghèo Ý Yên, Nam Định, mới học xong lớp 7/10 hệ Trung học phổ thông, rất đam mê vẽ nhưng Đỗ Năm chưa có điều kiện thực hiện ý định của mình. Năm 1959, chàng trai 20 tuổi này xung phong đi bộ đội. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có tấm bằng Tốt nghiệp lớp 10 hệ bổ túc trong quân đội, trở về quê khi mới 23 tuổi, ông thi đậu vào trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội, ngành mà ông ước mơ từ hồi còn bé.

Họa sĩ Đỗ Năm bên những tác phẩm về Bác Hồ
Họa sĩ Đỗ Năm bên những tác phẩm về Bác Hồ

Tốt nghiệp ra trường, Đỗ Năm được bố trí làm công tác phong trào ở Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Nghệ An từ năm 1965 đến 1969. Được sống và làm việc ngay trên quê hương Bác, ông rất tự hào. Từ đó, ông luôn ôm ấp ý tưởng làm sao có thể vẽ hoặc cắt dán, ghép, điêu khắc bằng những chất liệu đơn giản nhất để tạo nên hình tượng Bác Hồ vĩ đại nhưng thật giản dị, gần gũi. Sau 4 năm công tác, ông được Sở Văn hoá - Thông tin Nghệ An cử đi học trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để có điều kiện tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Tốt nghiệp loại giỏi, ông được phân công về dạy Họa ở trường Văn hoá Nghệ thuật Nam Định - quê hương ông.

Năm 1980, theo yêu cầu chi viện cho các trường Văn hóa Nghệ thuật phía Nam, ông cùng gia đình chuyển vào Hậu Giang (cũ) và được phân công dạy Họa ở trường Văn hoá - Nghệ thuật Sóc Trăng. Tới năm 1984, được chuyển về công tác tại Bảo tàng Cần Thơ, lúc này ông mới có điều kiện để “an cư lạc nghiệp”. Năm 1989, tròn 50 tuổi, ông xin nghỉ hưu sớm để có thời gian sáng tác những loại tranh mà ông yêu thích. Tranh của ông thường hướng tới những đề tài lịch sử, nhất là đề tài “Chiến tranh cách mạng”, thể hiện truyền thống đấu tranh hào hùng giữ nước của dân tộc, đặc biệt là tranh về Bác Hồ.

Những bức vẽ độc đáo trên trái dừa khô

Họa sĩ Đỗ Năm đã vẽ, ghép, điêu khắc hàng trăm bức tranh về Bác Hồ bằng nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó có 31 bức tranh ghép bằng dây điện nhiều màu, 9 bức tạo bằng các hạt gạo, hạt mè, trái cây, đã trưng bày ở các phòng tranh lớn của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc ở một số nước trên thế giới, như: Bác Hồ và Bác Tôn, Bác Hồ đang gọi điện thoại, Bác Hồ đi chiến dịch, Bác về tới cột mốc biên giới, Bác Hồ tưới cây vú sữa, Bác vui Tết Trung thu với các cháu… Trong đó có 4 bức khổ lớn (0,9m x 1,20m) và 27 bức khổ nhỏ (0,5m x 0,7m). Nhưng theo ông, tranh Bác Hồ mang sắc thái Nam Bộ hiếm thấy… Làm thế nào thể hiện Bác trên những chất liệu đặc trưng của miền Nam? Sau một thời gian tìm tòi, suy nghĩ, ông thấy dừa có thể đáp ứng yêu cầu này.

Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới
Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới

Để có được những bức tranh trên trái dừa khô, to là cả một công trình khó nhọc. Ông phải tới các tỉnh có nhiều dừa như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp tìm mua. Loại dừa trái to thường mỗi buồng chỉ từ 5 đến 10 trái, năng suất không cao nên người dân ít trồng. Song, ông vẫn tìm được mấy chục trái. Khi tới các gia đình có cây dừa trái to, ông đặt cọc trước để trái chín vừa tới, vỏ có màu nâu xám mới lấy xuống. Nếu để khô quá thì trái sẽ mọc mầm, vỏ co lại nhăn nheo, rất cứng khó làm. Mỗi trái dừa có đường kính từ 25cm đến 35cm, ông mua từ 70 đến 100 nghìn đồng. Tiếp theo là công đoạn gọt, đẽo, lấy cơm dừa ra, phun thuốc chống mối mọt. Tất cả đều được ông xử lý rất kỹ thuật, không dùng hóa chất. Mỗi trái dừa ông tạo 3 mặt phẳng để vẽ ba tranh. Ở mỗi mặt cắt đó ông phun một loại keo thực vật để tạo độ bóng. Rồi phác thảo bằng bút chì, và sau cùng là dùng bút màu để vẽ theo ý định.

Ông tâm sự: Để có được những bức tranh về Bác độc đáo, không lặp lại “vết chân” của các tác giả đi trước hay của chính mình, ông phải sưu tầm, nghiên cứu hàng ngàn tác phẩm về Bác Hồ của các nhà hoạ sĩ, điêu khắc, nhiếp ảnh trong và ngoài nước đã thể hiện. Từ đó tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo thêm để có được những chi tiết, màu sắc, làm sao biểu hiện được sự trong sáng, giản dị, vĩ đại của Bác- “Người là Cha, là Bác, là Anh” (Tố Hữu). Khó nhất là việc thể hiện tâm hồn, trí tuệ của Người qua ánh mắt, nụ cười, vầng trán, chòm râu, mái tóc, dáng đi... Chỉ với lòng kính yêu, ngưỡng mộ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cộng với tài năng mới làm nên được sự thành công.

Bác Hồ dặn dò các chiến sĩ Không quân
Bác Hồ dặn dò các chiến sĩ Không quân

Với 10 trái dừa to có kích thước suýt soát nhau, đường kính khoảng gần 30cm, ông cặm cụi gần 6 tháng trời để vẽ nên 30 bức tranh về Bác (mỗi trái 3 bức), như: Bác Hồ với chiến sĩ, Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, nông dân, với khách nước ngoài, Bác tát nước chống hạn, thăm các lớp bình dân học vụ, Bác đi chiến dịch, Bác tập thể dục, đánh bóng chuyền, luyện quyền buổi sáng, Bác tưới cây vú sữa, cho cá ăn, đọc báo… Nghĩa là tất cả những hình ảnh tiêu biểu nhất về sinh hoạt đời thường và những lo toan về công việc cách mạng của Người được họa sĩ Đỗ Năm chuyển tải bằng “ngôn ngữ” hội họa. Ông dùng chất liệu bột màu để vẽ sau đó phủ một lớp plastic để bảo vệ và tạo độ bóng. Nhìn những bức vẽ về Bác trên hình chiếu ba mặt của trái dừa đặt trên trục xoay, ta thấy rất sống động, có cảm tưởng như Bác đang hiển hiện đi lại, nói năng, suy nghĩ quanh ta. Nổi bật nhất, thành công nhất ở các bức vẽ là vầng trán cao, đôi mắt tinh anh, nụ cười hiền hậu của Bác. Ba mươi bức tranh vẽ Bác này, ông mới hoàn thành cách đây không lâu. Nhiều du khách nước ngoài khi đi du lịch Cần Thơ nghe tiếng đã tới xem và hỏi mua, nhưng ông chưa bán. Ông bảo sẽ để triển lãm trong Festival trái cây Nam Bộ trong thời gian tới, rồi tặng lại vài tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TP.HCM và Hà Nội.

Năm nay, hoạ sĩ Đỗ Năm đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”. Hơn 40 năm cầm cọ cống hiến cho Mỹ thuật, ông vẫn còn rất sung sức trong sáng tạo nghệ thuật. Với những cống hiến cho hội họa, ông được nhận nhiều Huy chương, Bằng khen, Giấy khen cấp quốc gia, khu vực về tranh tượng. Bốn người con của ông đều thành đạt, cô gái đầu lòng nối nghiệp cha, dạy Họa ở một trường Trung học cơ sở. Hiện nay, hai ông bà vẫn ở trong ngôi nhà cấp bốn xoàng xĩnh trong con hẻm nhỏ phường An Bình. Nhìn quanh nhà, đồ đạc chẳng thấy có gì, ngoài bộ vi tính và chiếc ti vi đời cũ. Tuy nhiên, ông rất giàu về tranh, tượng, phù điêu. Các tác phẩm được treo khắp nhà trong, nhà ngoài, và đặt cả ngoài vườn nữa. Sức làm việc của ông thật đáng nể, ông có thể làm việc liên tục bốn, năm tiếng đồng hồ mà không nghỉ, có khi quên cả ăn uống.

Lê Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ