Trăn trở thương trò
Trường Mầm non Hương Liên nằm ở địa bàn huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trường có rất nhiều học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong đó có học sinh đồng bào dân tộc Chứt.
Trong nhận thức của người đồng bào dân tộc Chức việc đi học hay hỗ trợ con cái học hành còn hạn chế. Do đó, họ đa phần phó mặc cho thầy cô, nhà trường. Để trẻ mần non đi học đúng độ tuổi giáo viên, ban giám hiệu đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, phân tích cho phụ huynh hiểu về giá trị của việc cho trẻ đến trường.
Không những vậy, vào năm học hằng ngày các cô giáo lại đến tận nhà, thay phụ huynh đánh thực học sinh dậy, vệ sinh cá nhân và đưa trẻ đến trường. Đặc biệt, ngành Giáo dục huyện Hương Khê đã bố trí một điểm trường mầm non ở bản Rào Tre nhằm tạo thuận lợi cho học sinh người dân tộc Chứt đi học.
Theo chia sẻ của cô Lê Thị Thành – giáo viên Trường mần non Hương Liên (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh): “Để học sinh đến trường, sáng nào cũng vậy chúng tôi đã đến tận nhà đón, thức dậy đánh răng rửa mặt và đưa đi học. Bởi nhiều em bố mẹ đi rừng dài ngày không ai đánh thức dậy đi học hoặc có em thì ngủ ở nhà hàng xóm. Nếu cô giáo không đến đón thì gần như các em không nhớ dậy đi học”.
Cô Thành kể tiếp: “Nhiều em mẹ đi làm công ty, bố say rượu, không ai chăm sóc do đó, mỗi lần đi học cứ đến trưa tôi và đồng nghiệp lại đưa các cháu đi tắm, thay quần áo vệ sinh cá nhân. Có những em nghỉ cuối tuần không ai tắm cho, thứ hai học sinh đến kêu với cô ngứa không ngủ được”.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, không có sự sát sao của bố mẹ nhiều em đến trường trong tình trạng không được ăn sáng, dẫn đến không thể tham gia các hoạt động học tập, cứ đến giữa buổi lại nằm ụp xuống bàn. Thấy vậy, hằng ngày tôi và đồng nghiệp tư bỏ tiền túi mua bánh rán phát cho các cháu ăn sáng.
Trước những khó khăn đó, cô Đinh Thị Thanh Hoà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên cho biết: khi chứng kiến cảnh các con đi học nhịn đói chúng tôi trăn trở, xót xa vô cùng.
Bởi đối với mỗi người giáo viên, học sinh như chính con cái của mình, các con khỏe mạnh, tham gia các hoạt động trải nghiệm trong chương trình học đầy đủ chúng tôi mới an tâm. Nhưng các con ốm yếu, nhịn đói ngồi học tôi cũng không đành lòng, luôn nghĩ làm sao để giúp các con.
Cũng chính xuất phát từ tình thương đó, trong các cuộc họp đầu năm học mới cô Hoà đã chia sẻ những câu chuyện về học sinh nhịn đói đến trường trong nước mắt.
Cô giáo đến tận trường đón học sinh. Ảnh NVCC. |
Không để học sinh nhịn đói đến trường
Trước những thực trạng đó, năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định xây dựng chương trình “vắt xôi sáng cho trẻ mần non dân tộc”.
Chương trình do Phòng GDĐT phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện triển khai nhằm nâng cao thể trạng, thể lực của đồng bào dân tộc Chứt ngay từ lúc còn học mầm non.
Theo chia sẻ của ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng giáo dục (GDĐT) huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc Chứt, trăn trở của các cô giáo cũng chính là trăn trở của cả ngành giáo dục huyện phải làm thế nào để cải thiện thể chất cho học sinh, làm thế nào để các em khỏe mạnh, tham gia các hoạt động học tập đầy đủ. Thế rồi, ý tưởng xây dựng chương trình “vắt xôi sáng cho trẻ mần non dân tộc” ra đời.
Chương trình, “vắt xôi sáng cho trẻ mần non dân tộc”, bắt đầu triển khai từ năm học 2021-2022. Cô Hòa chia sẻ: “Khi trẻ được ăn đầy đủ bứa sáng, trẻ hào hứng đến trường hơn. Ngay khi được triển khai chương trình “vắt xôi sáng cho em”, mỗi buổi sáng cứ 6h hai cô giáo tại điểm trường lại có mặt từ sáng sớm một người nấu đồ ăn sáng cho học sinh, một người vào bản đón học sinh đến cho ăn sáng trước lúc vào học".
Điểm trường lẻ của Trường Mần non Hương Liên, có 16 cháu là người đồng bào dân tộc Chứt, trong đó có 14 cháu là lớp 2 đến 4 tuổi và 2 cháu là nhà trẻ.
Được biết, năm học 2021-2022 sau sau khi triển khai chương trình vắt xôi sáng cho em, học sinh đến trường đều đặn và hào hứng hơn. Đặc biệt học sinh có thể tham gia các hoạt động học tập trên lớp, không còn hiện tượng nói bụng nằm rạp xuống bàn.
Không những hỗ trợ các phần ăn sáng cho học sinh tại điểm trường mà nhà trường còn kêu gọi các mạnh thường quân để hỗ trợ sữa cho học sinh. Sau mỗi ngày đi học về, học sinh sẽ được cô phát mỗi em một hộp sữa mang về.
Cũng chính nhờ sự chung tay đó, cuối năm học 2021-2022, trước khi nghỉ hè các cô đã kiểm tra chiều cao cân nặng của học sinh, cô Thành chia sẻ: “Nhiều em cháu ngày vào nhập học chỉ 18 kg cuối năm học tăng lên 25kg. Thực sự lúc nhìn thấy thể lực các con được cải thiện chúng tôi mừng vô cùng.
Dường như chương trình vắt xôi sáng cho em đã cải thiện rất nhiều vể thể chất cho các em, chúng tôi là những người trực tiếp chăm sóc, cũng như dạy dỗ các em cũng yên tâm. Các em có một thể trạng tốt để tham gia các hoạt động học tập là điều mà bất kể một giáo viên nào cũng đều mong muốn”.
Ông Phan Quốc Thanh cho biết: “Sau một thời gian triển khai chương trình, phòng nhận được đánh giá từ các trường trẻ đi học đều đặn hơn, tham gia các hoạt động học tập tốt hơn”.