Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch và lưu ý các đối tượng ôn thi THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức sớm hơn mọi năm, ngành GD các địa phương linh hoạt điều chỉnh kế hoạch ôn thi phù hợp với từng đơn vị.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ ôn bài tại sân trường.
Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ ôn bài tại sân trường.

Chú ý từng đối tượng học sinh

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên từng trải qua giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch nên phần nào tâm lý, ý thức học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng. Do đó các trường học đã lưu ý, phân loại và thực hiện các giải pháp hỗ trợ học sinh.

Thầy Nguyễn Hoàng Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, tỉnh Hậu Giang cho hay: Do tình hình dịch bệnh Covid 19 kéo dài, có thời gian học sinh phải học trực tuyến,… nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục.

Do đó, nhà trường chỉ đạo GVCN phải quan tâm sâu sát, chặt chẽ việc học tập, ôn tập của HS, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những HS vắng, chưa chuyên cần trong ôn tập và thường xuyên phối hợp với GVBM để nắm tình hình học tập của các em.

GVBM thường xuyên nghiên cứu, cập nhật mới, chỉnh sửa và bổ sung đề cương ôn tập sao cho phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là với học sinh yếu – kém, phải dùng mọi biện pháp tối ưu nhằm trang bị điểm “an toàn” cho các em.

Cô Lê Thị Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long) cho biết: Năm học này trường có 8 lớp 12 với 270 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. "Học sinh do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên khả năng, kiến thức và ý thức học tập còn chậm, một phần kiến thức bị hổng. Do đó, giáo viên nhà trường rất nỗ lực, vừa dạy kiến thức mới, vừa củng cố kiến thức cũ cho học sinh", cô Trang nói.

Từ đầu học kỳ II, Trường THCS và THPT Trưng Vương đã bắt đầu thực hiện tăng tiết, rút ngắn chương trình học ở những môn học không có thi như quốc phòng, công nghệ, tin học… Đồng thời, nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn rà soát, phân hóa đối tượng học sinh, đặc biệt là đối với những em có học lực yếu, trung bình để tập trung củng cố kiến thức và hướng các em làm sao để đạt đủ điểm đậu tốt nghiệp.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Học sinh lớp 12 năm nay đã trải qua 2 năm học phải tham gia học trực tuyến vì liên quan đến dịch Covid 19, ảnh hưởng rất nhiều về mặt tiếp thu kiến thức cũng như kết quả học tập. Để đảm bảo chất lượng dạy và học, đặc biệt là giữ vững chất lượng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Sở đã chỉ đạo các trường tiến hành rà soát những học sinh còn hạn chế về kiến thức môn học để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học nhằm bổ sung kiến thức cho các em

Nhà trường phân hóa đối tượng học sinh để tổ chức dạy ôn tập phù hợp với năng lực của học sinh, đồng thời kiện toàn lại tổ tư vấn trường học để tư vấn tâm lý khi các em gặp khó khăn trong học tập, Tiếp tục duy trì hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến; trong đó, dạy và học trực tuyến chủ yếu giao nhiệm vụ theo nhóm, giúp học sinh giải quyết các kỹ năng làm bài, giải các đề thi...

Phân hóa đối tượng học sinh để tổ chức dạy ôn tập phù hợp với năng lực của các em.

Phân hóa đối tượng học sinh để tổ chức dạy ôn tập phù hợp với năng lực của các em.

Linh hoạt thay đổi kế hoạch ôn tập

Thầy Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Năm nay Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sớm hơn mọi năm là 11 ngày, do đó vấn đề tận dụng thời gian là rất cần thiết. Các trường tận dụng triệt để quỹ thời gian từ nay cho đến thi để tập trung ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh.

Trong quá trình ôn tập, Sở cũng lưu ý cập nhật nội dung tài liệu ôn tập theo định hướng chỉ đạo của Bộ, của Sở, trong đó tăng cường các nội dung liên quan liên hệ với thực tiễn.

Theo cô Lê Thị Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long), thời gian ôn tập theo dự kiến ban đầu của trường là 10 tuần ôn tập nhưng sau thông báo lịch thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã chủ động thay đổi kế hoạch ôn thi, rút xuống còn 8 tuần.

"Thuận lợi là bộ đề minh họa Bộ GD&ĐT đối với 9 môn thi có từ sớm, từ đó nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn tiến hành phân tích cũng như đối chiếu với đề chính thức của năm trước để đánh giá và so sánh sự khác biệt… Từ đó có căn cứ xây dựng những đề phát triển theo định hướng đề minh họa của Bộ", cô Trang chia sẻ thêm.

Cô Phan Thị Giao Linh, giáo viên môn tiếng Pháp của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa cho biết: Trước việc thay đổi thời gian tổ chức thi, nhà trường đã linh hoạt thay đổi kế hoạch ôn thi, đồng thời thực hiện tăng thời gian ôn thi nhiều hơn để đảm bảo kế hoạch ôn tập cho học sinh tại trường.

"Khó khăn là học sinh phải đi học nhiều hơn, giáo viên dạy nhiều hơn, cả học sinh và giáo viên cũng vất vả, nhưng vì kết quả chung nên thầy trò nhà trường cùng cố gắng", cô Linh cho biết.

"Trong quá trình ôn tập, chúng ta cần lưu ý phân hoá đến từng đối tượng học sinh, vì mục tiêu học tập của từng em là khác nhau. Như vậy mới giúp cho học sinh đạt được mục tiêu của mình sau chặng đường 12 năm học tập"
Thầy Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ