Vật trung gian mang mầm bệnh vào nhà

GD&TĐ - Một số vi sinh vật hiện diện trên giày và sàn nhà là mầm bệnh kháng thuốc, bao gồm cả các tác nhân truyền nhiễm liên quan đến các bệnh rất khó điều trị.

Đế giày có thể tiếp xúc với các chất hóa học độc hại.
Đế giày có thể tiếp xúc với các chất hóa học độc hại.

Thậm chí, giày cũng có thể tiếp xúc với các chất độc gây ung thư từ cặn đường nhựa và chất hóa học trên cỏ.

Ô nhiễm trong nhà

Ông Mark Patrick Taylor thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Victoria (Australia), Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Macquarie và ông Gabriel Filippelli - Giáo sư về Khoa học Trái đất tại Trường Đại học Indiana - Purdue đã trả lời câu hỏi: Có nên đi giày vào trong nhà? Thông thường, chúng ta có thể làm sạch đôi giày của mình nếu giẫm vào một thứ gì đó mất vệ sinh hoặc dính bùn.

Tuy nhiên, khi về đến nhà, liệu tất cả mọi người đều để giày ở cửa? Thực tế, nhiều người không làm vậy. Đối với nhiều người, những thứ dính vào đế giày không phải là điều đáng để quan tâm khi về nhà.

“Là những nhà hóa học môi trường, chúng tôi đã dành một thập kỷ để kiểm tra môi trường trong nhà và những chất gây ô nhiễm mà mọi người tiếp xúc trong chính ngôi nhà của họ. Quá trình kiểm tra môi trường trong nhà của chúng tôi, thông qua chương trình DustSafe, vẫn chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi có nên làm sạch giày khi vào nhà không, tốt nhất là bạn nên để những thứ mất vệ sinh của mình ở ngoài cửa”, hai nhà nghiên cứu cho biết.

Thực tế, khoảng 1/3 chất ô nhiễm trong số đó là từ bên ngoài bị thổi vào hoặc xâm nhập từ những chiếc giày.

Trong khi đó, một số vi sinh vật hiện diện trên giày và sàn nhà là mầm bệnh kháng thuốc, bao gồm cả các tác nhân truyền nhiễm liên quan đến các bệnh rất khó điều trị.

Thậm chí, giày cũng có thể tiếp xúc với các chất độc gây ung thư từ cặn đường nhựa và chất hóa học trên cỏ. Những chất này có thể gây rối loạn nội tiết. Hầu hết, chúng ta có thể nhìn thấy vết bẩn trên giày của mình dưới ánh sáng.

“Công việc của chúng tôi liên quan đến việc đo lường và đánh giá mức độ phơi nhiễm với một loạt chất độc hại được tìm thấy trong nhà bao gồm: Gen kháng thuốc kháng sinh (gen làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh); hóa chất khử trùng trong môi trường gia đình; vi nhựa; hóa chất perfluorinated (còn được gọi là PFAS hoặc “hóa chất mãi mãi”, vì thời gian tồn tại trong cơ thể và không bị phân hủy) được sử dụng phổ biến trong vô số sản phẩm đóng gói công nghiệp, gia dụng và thực phẩm; các nguyên tố phóng xạ”, các nhà khoa học cho biết.

Trọng tâm công việc của nghiên cứu là đánh giá mức độ các kim loại độc hại tiềm ẩn (như asen, cadmium và chì) trong nhà ở khắp 35 quốc gia. Những chất gây ô nhiễm này - và quan trọng nhất là chì - độc tố thần kinh nguy hiểm, không mùi và màu.

Vì vậy, không có cách nào để biết liệu con người đang tiếp xúc với chì chỉ ở trong đất hoặc đường ống nước, hay chúng cũng ở trên sàn phòng khách trong nhà.

Khoa học cho thấy, có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ giữa chì trong nhà và đất ở ngoài sân của các gia đình. Theo hai nhà nghiên cứu, lý do của mối liên hệ này có thể là do bụi bẩn bay vào từ sân hoặc giày và trên bàn chân của những con thú nuôi trong nhà. Mối liên hệ này được coi là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo môi trường sạch.

Vật trung gian mang mầm bệnh vào nhà ảnh 1

Giải pháp dễ dàng

Theo các nhà khoa học, con người dành tới 90% thời gian ở trong nhà. Vì vậy, câu hỏi có nên đi giày vào nhà hay không không phải là vấn đề tầm thường. Trọng tâm của các chính sách môi trường thường là về rủi ro về đất, chất lượng không khí và ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cơ quan quản lý quan tâm đến vấn đề chất lượng không khí trong nhà. Vấn đề tích tụ bên trong nhà không chỉ bao gồm bụi và chất bẩn từ người hay vật nuôi.

“Một bài báo của Wall Street Journal cho rằng, đi giày vào trong nhà là hành động không quá tệ. Tác giả đã đưa ra quan điểm rằng, E. coli - vi khuẩn nguy hiểm phát triển trong ruột của nhiều loài động vật có vú, bao gồm cả con người - phân bố rộng rãi đến mức xuất hiện ở khắp mọi nơi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nó có thể được phát hiện ở đế giày (96% đế giày, như bài báo đã chỉ ra).

Tuy nhiên, chúng ta hãy rõ ràng. Mặc dù khoa học hay gắn bó với thuật ngữ E. coli, nhưng nói một cách đơn giản hơn, đây là vi khuẩn liên quan đến phân”, hai nhà khoa học dẫn chứng.

Theo Giáo sư Patrick Taylor và Gabriel Filippelli, vi khuẩn này có khả năng khiến con người bị bệnh nặng nếu tiếp xúc ở mức độ cao. Vì vậy, họ đặt ra câu hỏi: Tại sao phải đi giày vào nhà nếu chúng ta có một giải pháp thay thế rất đơn giản, đó là cởi giày ở cửa?

Trong khi đó, liệu có bất lợi không, khi các thành viên trong gia đình không đi giày vào nhà? Theo các nhà khoa học, đứng trên quan điểm về sức khỏe môi trường, không có nhiều mặt trái của việc cởi giày ở ngoài cửa. Trong khi đó, việc để giày ở tấm thảm trải sàn trong nhà cũng để lại các mầm bệnh gây nguy hiểm.

“Tất cả chúng ta đều biết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cởi giày trước cửa nhà là một hoạt động phòng ngừa cơ bản và dễ dàng đối với nhiều người trong chúng ta. Cần giày để hỗ trợ chân? Điều đó hoàn toàn dễ dàng, khi chỉ cần có một số “đôi giày đi trong nhà” mà không bao giờ được sử dụng ở bên ngoài”, các nhà nghiên cứu chia sẻ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề “hội chứng nhà vô trùng”. Cụm từ này đề cập đến tỷ lệ ốm ở trẻ em ngày càng tăng. Một số người cho rằng, tình trạng đó liên quan đến việc các hộ gia đình vô trùng quá mức.

Thật vậy, một số chất bẩn có thể có lợi. Bởi, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng giúp hệ thống miễn dịch phát triển và giảm nguy cơ dị ứng.

“Vẫn có những cách tốt hơn để làm điều đó, thay vì đi bộ xung quanh nhà với đôi giày bẩn. Thay vào đó, hãy ra ngoài, đi bộ, tận hưởng không gian ngoài trời tuyệt vời. Đừng mang những phần tồi tệ của môi trường bên ngoài vào nhà và tích tụ, gây ô nhiễm”, Giáo sư Patrick Taylor và Gabriel Filippelli khuyến cáo.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ